Vở diễn “Rau răm ở lại” của sân khấu Hoàng Thái Thanh phải xin phép lại |
Quy định đã ra 1 năm nhưng không ai biết
Những ngày vừa qua, Khoản 6, Điều 9 của Nghị định 15/2016 sửa đổi Khoản 2, Điều 10 của Nghị định 79/2012 có ghi “thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 6 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng”, đã khiến giới nghệ sĩ sân khấu bức xúc. Bởi nghị định đã ra được 1 năm, nhưng đến giờ các nghệ sĩ mới biết đến thông tin trên nhờ phía ngành Quảnh lý văn hóa nhắc nhở.
NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết, đầu năm 2017, chị được người của Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM gọi nhắc lên làm hồ sơ xin gia hạn giấy phép biểu diễn cho các vở kịch được cấp phép biểu diễn sau ngày 1/5/2016. Lúc này, Trịnh Kim Chi mới tá hỏa về quy định mới mà đến giờ mới biết. Chị thông tin, các vở diễn tái cấp phép nếu không thay đổi diễn viên, không thay đổi nội dung hoặc đạo diễn thì không phải duyệt lại, nhưng vẫn phải làm thủ tục như lúc ban đầu xin duyệt vở. Điều này làm tốn thời gian và phiền phức bởi các thủ tục hành chính.
NSƯT Trịnh Kim Chi cũng cho hay, từ trước tới nay, các sân khấu cứ theo quy định để chấp hành. Mọi người khá nghiêm túc trong vấn đề cấp phép và duyệt vở theo thông lệ nên không để ý nhiều tới sự thay đổi này.
Đạo diễn Ngọc Hùng, Quản lý sân khấu kịch Thế giới trẻ cũng cho hay, không có công văn hay thông tư nào gửi đến sân khấu của anh, cũng như các sân khấu khác về sự thay đổi này. Mọi người cũng quen giấy phép không thời hạn nên khi được cấp phép, mọi người cầm về chứ không đọc kỹ giấy phép. Các sân khấu Idecaf, Hoàng Thái Thanh, kịch Phú Nhuận… cũng rơi vào tình huống như vậy. Đến khi bị nhắc nhở và được hỏi đến, các nghệ sĩ quản lý mới ngớ người tìm hiểu lại giấy phép của vở diễn sân khấu mình.
Cấp phép chỉ mang tính hình thức
Trả lời Báo Giao thông, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VH,TT TP.HCM cho rằng, các nghệ sĩ làm quản lý các đơn vị sân khấu còn bất cẩn, ký xin phép và cầm tờ giấy phép về cũng không chịu để ý. Đến giờ nghị định đã thực hiện được một năm rồi mới biết. Ông Nam thông tin, các vở diễn tái cấp phép, nếu không có thay đổi đơn vị đầu tư hay bản dựng thì không cần duyệt lại, chỉ cần làm thủ tục xin phép lại, phía Sở sẽ hỗ trợ hết mình. Đồng thời, các đơn vị nghệ thuật cũng không phải đóng phí khi xin tái cấp giấy phép.
"Nếu cấp phép lại mà không duyệt lại thì chỉ làm rườm rà thêm về mặt thủ tục hành chính. Khi đã cấp phép, anh phải xem hàng hóa ấy thật hay giả, còn đúng như ban đầu hay không, còn không tái cấp phép thế này chỉ là thứ chiếu lệ, không mang lại hiệu quả gì cả. Thà anh đã tin các đơn vị thì cần gì phải cấp phép lại nữa, còn nếu không thì mọi thủ tục phải làm như ban đầu”. NSND Lê Tiến Thọ |
Theo ông Nam, trước khi ban hành Nghị định 15/2016/NĐ-CP, Bộ VH, TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lấy ý kiến của Sở, nhưng không đề cập đến vấn đề về thời hạn hiệu lực của giấy phép biểu diễn cho một vở diễn sân khấu. Do đó, khi nghị định được ban hành, mọi người mới biết có sự thay đổi này. Phó giám đốc Sở VH, TT TP HCM đánh giá, điều này gây phiền phức cho các đơn vị nghệ thuật. Nhưng cấp Sở là đơn vị thực hiện nên vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, Sở cũng sẽ có kiến nghị để điều chỉnh sửa đổi nghị định cho phù hợp hơn.
Trong khi đó, cả đạo diễn Ngọc Hùng và NSƯT Trịnh Kim Chi đều quan điểm, cơ quan quản lý muốn siết chặt nội dung thì phải có người thường xuyên đi kiểm tra. Việc gia hạn giấy phép như vậy không kiểm soát được gì, chỉ mang tính hình thức và khiến mọi thứ trở nên rườm rà.
“Thật ra vở kịch đã tập, duyệt, diễn rồi, thay đổi nội dung làm gì cho mất công phải tập lại. Những người quản lý sân khấu như chúng tôi đâu có thời gian làm chuyện đó. Ý tưởng dành cho vở khác chứ vở ra rồi, được công chúng đón nhận là chúng tôi yên tâm. Sân khấu đang khó khăn thế này, bên trên không được hỗ trợ mà lại còn thủ tục nhiêu khế thế thì nghệ sĩ mất lửa mất”, NSƯT Trịnh Kim Chi than thở.
Chia sẻ về vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL cho rằng, đây là nghị định sửa đổi, nên có thể thông tin đến với các đơn vị và tổ chức chưa rộng rãi. Theo ông, nghị định để yêu cầu các cơ quan quản lý tăng cường hậu kiểm, nhưng nên hậu kiểm bằng nhiều hình thức. Không nên mỗi năm cấp một tờ giấy phép cho các sân khấu một lần, mà không biết nội dung vở diễn của họ đã thay đổi ra sao, đang diễn như thế nào.
“Cơ quan quản lý cần xem xét nội dung chặt hơn theo cách họ diễn ở đâu, mình đến đó xem. Anh được quyền phạt nếu sân khấu làm trái nội dung ban đầu, không theo kịch bản ban đầu đã được cơ quan quản lý đồng ý. Chứ một năm xin phép lại một lần, đến lúc xin phép xong ngày mai họ có thể diễn theo kiểu khác, làm sao anh nắm được?”, NSND Lê Tiến Thọ băn khoăn.
PV đã liên hệ với Cục NTBD và Bộ VH, TT&DL để tìm hiểu sự việc nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận