Việc cấp GPLX tự động nếu được thông qua sẽ cho người dân nhiều sự lựa chọn trong việc học lái xe - Ảnh: Viết Huy |
Ý định của Bộ GTVT bổ sung loại bằng lái xe ô tô số tự động đang được tranh luận nóng bỏng trên báo chí và mạng xã hội. Nhiều người ủng hộ, nhưng cũng nhiều người phản đối. Đây rõ ràng là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Ở nước ta có rất nhiều sáng kiến tốt, nhưng khi đưa ra lại gặp phản ứng bất lợi. Ví dụ như trường hợp cấp GPLX số tự động kể trên.
Tôi nghĩ sẽ không có chuyện phản ứng nếu người dân hiểu rằng những ai không muốn thay đổi vẫn có quyền chọn và học thi lấy bằng lái xe như cũ (có thể lái được cả xe số tự động và số sàn). Nghĩa là người dân không bị mất đi bất kỳ lựa chọn nào cả, nay có thêm một lựa chọn nữa, cớ gì mà phản đối?
Tôi cũng tin rằng sẽ không có ai phản ứng nếu người dân biết các bằng lái xe B1, B2 đã được cấp vẫn tiếp tục có hiệu lực, chủ của các bằng lái xe này không cần phải thi lại, không cần phải đổi bằng.
Tôi cũng tin rằng nếu người dân biết cách học, cách thi lấy bằng lái xe ô tô số tự động sẽ đơn giản hơn, ít tốn kém hơn mà vẫn đảm bảo an toàn nếu so với cách lấy bằng lái xe B1, B2 lâu nay, thì họ không những phản đối mà còn ủng hộ.
Nhưng nói về cách học, cách thi, tôi lại thấy đây mới là vấn đề quan trọng, cần bàn.
Cần nhìn thẳng vào sự thật là rất ít học viên lái xe nghiệp dư thực hiện đúng chương trình học lái xe lấy bằng B1, B2 như quy định tại Thông tư 46 hiện hành, cả về số giờ học lý thuyết và số giờ thực hành.
Để việc học lý thuyết đạt 136 giờ cho bằng B1 và 168 giờ cho bằng B2, với mỗi ngày học một buổi bốn giờ, học viên phải học 34 ngày cho bằng B1, 42 ngày cho bằng B2. Còn để thực hành đạt 420 giờ/xe với mỗi ngày học một buổi bốn giờ, học viên phải học 105 ngày cho cả hai loại bằng.
Tổng cộng 139 ngày cho bằng B1, 147 ngày cho bằng B2. Nếu học ngoài giờ với mỗi ngày hai giờ thì số ngày học sẽ nhiều gấp đôi: 278 ngày cho bằng B1, 294 ngày cho bằng B2.
Ít có ai đang đi làm việc lại có điều kiện thực hiện được chương trình học lái xe như đang quy định, cho cả phần lý thuyết và thực hành.
Ai cũng biết hầu hết các bộ hồ sơ học lái xe để đăng ký thi không phản ánh đúng thực tế. Để được việc, người ta phải có cách đối phó.
Ở hầu hết các nước, Nhà nước chỉ quản lý chặt việc thi và cấp bằng lái xe, còn việc học lái xe thì có rất nhiều cách, tuỳ người học chọn.
Các nước cũng không quy định việc học về cấu tạo và sửa chữa ô tô như ở Việt Nam. Người ta không cho phép người lái xe tự sửa xe (ngoại trừ việc thay lốp); việc sửa chữa ô tô bắt buộc phải thực hiện tại các gara được cấp phép. Không được phép tự sửa ô tô thì người ta học về kết cấu và sửa chữa ô tô để làm gì?
Cái mà người lái xe cần biết là số điện thoại của dịch vụ cứu hộ xe.
Việc thi lý thuyết (Luật GTĐB) được tổ chức quanh năm, ai tin rằng mình đã nắm vững thì tự đăng ký thi và trả lệ phí. Ở một số nước, nếu thi lần đầu không đạt thì được trả tiền thi thêm lần hai, lần hai vẫn không đạt thì được trả tiền thi thêm lần ba. Nếu cả ba lần thi đều không đạt thì người đó không được thi lý thuyết trong 6 tháng tiếp theo.
Tương tự, sau khi học thực hành lái xe theo cách phù hợp với mình (học ở trung tâm, học với giáo viên tự do đủ tiêu chuẩn...), học viên đăng ký thi tại một trung tâm sát hạch lái xe hoặc với giáo viên tự do có bằng sát hạch lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Khi người học lái xe đạt được chứng chỉ thi lý thuyết và thi thực hành thì sẽ được cấp bằng lái xe. Cách làm như vậy vừa thuận lợi cho người học lái xe, trong khi cơ quan quản lý vẫn kiểm soát chặt chẽ chất lượng học lý thuyết và thực hành của người xin cấp bằng lái xe.
Vì vậy, tôi hy vọng rằng không phải chỉ là chuyện bổ sung thêm loại bằng lái ô tô số tự động, mà là cách học, cách thi lái xe sẽ là nội dung chính trong việc sửa đổi Thông tư 46 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe lần này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận