Xã hội

Trực tiếp cơn bão số 4: Bão Noru áp sát Quảng Ngãi, Lý Sơn gió giật cấp 12

image

Tin tức mới nhất về cơn bão số 4: Bão Noru đang cách Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 180km. Nhiều nơi đang mưa to, gió lớn, có thiệt hại ban đầu.

Thông tin mới nhất về cơn bão số 4 - cơn bão Noru

Theo bản tin lúc 0h ngày 28/9 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão lúc 0h ngày 28/9 cách Quảng Ngãi khoảng 85km về phía Đông Đông Nam. Cường độ cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 15

.Ảnh hưởng của bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới có gió giật cấp 7; A Lưới có gió giật cấp 9; Đà Nẵng có gió giật cấp 7; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Quảng Ngãi có giật cấp 7; Quy Nhơn có gió giật cấp 6; Tuy Hoà có gió giật cấp 6.

Lượng mưa tính từ 07h đến 23h ngày 27/9 có nơi trên 230mm như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 299.6mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 233.8mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 332.2mm.

Dự báo: trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.

Đà Nẵng, cây đổ la liệt, đường phố thành sông

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tối 27/9, dù bão chưa vào nhưng tại Đà Nẵng đã có mưa to gió lớn. Trên đường Hùng Vương (quận Hải Châu), hơn chục gây xanh ngã đổ chắn ngang đường.

img

Cây đổ cản trở giao thông, lực lượng chức năng phải quét dọn trong đêm

Đến 21h tối cùng ngày, trời ngớt mưa, các lực lượng chức năng phối hợp cắt, dọn cây ngã đổ tại đường Hùng Vương.

Trung tá Hồ Thanh Hiền, Đội trưởng Đội Tuần tra - Dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng) cho hay, thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc Công an thành phố và chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT, Đội huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị có liên quan, phối hợp các phường trên địa bàn Hải Châu hỗ trợ di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời phối hợp với công ty cây xanh Quận Hải Châu cưa cây ngã đổ chắn ngang tuyến đường như: Trần Phú, Hùng Vương…

Mặt khác, sau cơn mưa kéo dài từ chiều cùng ngày, đường Trần Phú đã ngập sâu, kéo dài hàng chục mét.

Lý Sơn “nín thở” trước giờ bão Noru đổ bộ

bão số 4 chưa vào bờ, song tại huyện đảo Lý Sơn gió ngày càng lớn tạo nên những cột sóng cao từ 7-10m bao quanh đảo. Cả huyện đảo như “nín thở” khi cấp gió ngày càng tăng.

Ghi nhận từ các nguồn tin của Báo Giao thông tại đảo cho thấy, đến 21h30, gió giật rất mạnh, nhiều cây xanh tại đảo bị ngã đổ. Đã có một vài trường hợp nhà cửa của người dân bị tốc mái nhẹ. Hệ thống lưới điện trên đảo vẫn an toàn. Hiện tại đảo có gió cấp 9-10 và giật cấp 11-12. Lượng mưa đo được trung bình hơn 180mm.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lý Sơn, ảnh hưởng của bão số 4 đã khiến 50ha hành của người dân địa phương ngã rạp và khả năng mất trắng.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, hiện gió rất lớn, cả huyện đang “nín thở” chờ đợi và đưa ra giải pháp ứng phó khi có sự cố ngoài kịch bản.

“Dù cả chính quyền và người dân đều rất lo lắng, song hàng chục nghìn dân đất đảo mấy trăm năm qua đã đón không biết bao lần bão ập đến và đều an toàn trước thiên tai. Người dân luôn đoàn kết, gắn bó nên tôi tin người dân sẽ đồng hành cùng huyện vượt qua thời khắc khó khăn này”, bà Hương chia sẻ.

Hơn 100 ngôi nhà ở Quảng Trị bị lốc quật hỏng

Tại Quảng Trị, vào lúc 21h ngày 27/9, nhiều nơi mưa vừa, có nơi mưa rất to. Ở khu vực vùng biển Cửa Việt (Gio Linh), trời đang ngớt mưa, gió lặng.

Tại huyện đảo Cồn Cỏ, trên 320 người dân, cán bộ đã được đưa vào 2 hầm tránh trú bão trên đảo để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Theo báo cáo, trong 24 giờ qua, địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa từ phổ biến từ 50-80 mm, một số nơi cao hơn như Triệu Hòa 143mm, Triệu Ái 114mm, Cửa Tùng 106mm, Vĩnh Tú 106 mm. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đang ở mức dưới báo động 1. Một số nơi đã có gió mạnh như tại đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; tại Cửa Việt có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3.

Ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, trận lốc xoáy xuất hiện lúc 15h hôm nay và kéo dài khoảng 15 phút quét qua KP3 (Cửa Việt, Gio Linh) gây thiệt hại về nhà cửa, trụ sở, cây cối…

Cụ thể, có 120 nhà dân bị sập và tốc mái (2 nhà bị sập hoàn toàn); 180 gian hàng, lều quán ở chợ Cửa Việt bị tốc bay mái; 3 người bị thương. Ngoài ra, lốc xoáy còn xô đổ nhiều xe máy đang dựng hoặc lưu thông trên đường; làm bật gốc nhiều cây cổ thụ ở khu vực.

Cũng theo ông Hóa, ngoài công tác thống kê thiệt hại, địa phương đang huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, trước thời gian bão Noru ập vào đất liền.

Đồng thời, sắp xếp nơi ăn nghỉ tạm thời cho những người dân bị tốc mái nhà.

img

img

img

img

Đà Nẵng bắt đầu có gió lớn, mưa ngày càng nặng hạt

Lúc 20h, Đà Nẵng bắt đầu có gió lớn khu vực ven biển. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đường phố vắng bóng người qua lại dù chưa đến giờ Chính quyền cấm người dân ra đường.

img

Hình ảnh mưa, gió tại Đà Nẵng lúc 20h

Bão số 4 cách Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 180km

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8,...

Hồi 19h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 7h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, di chuyển sang Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ

Vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội.

Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,2-1,7m (Quảng Bình: 1,2m; Quảng Trị: 1,3m; Huế: 1,5m; Đà Nẵng: 1,7m; Quảng Nam: 1,5m; Quảng Ngãi: 1,0m), mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 1,5-2,5m (Quảng Bình: 1,6m; Quảng Trị: 2,0m; Huế: 1,8m; Đà Nẵng: 2,5m; Quảng Nam: 2,5m; Quảng Ngãi: 1,5m), nguy cơ cao ngập tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng bão kết hợp sóng lớn.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền

Từ đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Cảnh báo mưa lớn: từ đêm 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác ứng phó bão tại Quảng Trị

Tối ngày 27/9, Đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dẫn đầu đã có buổi làm việc theo hình thức trực tuyến tại tỉnh Quảng Trị.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, bão số 4 là cơn bão lớn, dự kiến vào 21h tối ngày 27/9 sẽ đổ bộ vào đất liền. Vì vậy, thời gian rất là quý giá nên các địa phương, lực lượng phải nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra. Dù có chuẩn bị kỹ càng nhưng cũng có những tình huống đột suất xảy ra, bão Noru chưa vào nhưng đã làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà, khiến 3 người ở Quảng Trị bị thương…

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiểm tra nơi bị lốc đánh ở Quảng Trị

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phải đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân, đặt sức khỏe tính mạng của người dân lên hàng đầu như: tiến hành di dời và bố trí chỗ ở cho người dân sơ tán… Cần phục vụ lương thực thực phẩm, ứng cứu các trường hợp khi bị chia cắt, khó khăn do mưa bão. Đồng thời, xác định công tác bảo vệ các công trình trọng điểm, quan trọng ảnh hưởng lớn đến an toàn của nhân dân như đê điều, trụ sở cơ quan, đường sá, hệ thống điện… Tình hình mưa bão cũng có thể xảy ra các tình huống chưa lường trước được như sạt lở bờ biển, nguy cơ hồ đập nên cắt cử lực lượng ứng trực.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, không để các thuyền viên, thủy thủ còn lưu trú lại trên tàu để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp không rời tàu thì phải dùng biện pháp mạnh, cưỡng chế. Chính quyền các địa phương, lực lượng biên phòng cắt cử lực lượng để kiểm tra, bảo vệ tài sản của người dân.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm việc tại Quảng Trị

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 2.302 chiếc với 6.136 thuyền viên, hiện tại tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền đã nhận được thông tin, hướng di chuyển của bão Noru và đã vào neo đậu an toàn tại các bến. Tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu, tránh trú trên địa bàn tỉnh là 40 chiếc với 322 thuyền viên.

Quảng Trị có 126 đập, hồ chứa thủy lợi; tổng dung tích các Hồ chứa thủy lợi trọng điểm đạt trung bình khoảng 45,66% so với dung tích thiết kế và hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị đạt 19,2% so với dung tích thiết kế. Diện tích lúa nước gieo cấy vụ Hè Thu ước đạt 23.087 ha và cơ bản đã thu hoạch xong, còn khoảng 376 ha lúa và khoảng 2.060 ha rau màu các loại chưa thu hoạch. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 3.421 ha; trong đó diện tích thủy sản đang thả nuôi 902,5ha. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng gần 300 lồng, bè nuôi trồng thủy sản, hiện tại còn 261 lồng chưa thu hoạch.

Từ sáng 27/9, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã kịp thời tổ chức công tác sơ tán dân tránh trú bão, ngập lụt, lũ lống, lũ quét sạt lở đất; tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: trường học, trụ sở cơ quan, trụ sở UBND, trạm Y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng; đồng thời tổ chức di dân tại chỗ từ các nhà dân thiếu kiên cố, thấp trũng sang các nhà dân kiên cố, cao ráo. Hiện tỉnh đã thực hiện sơ tán hơn 4.100 hộ với gần 13.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thời điểm hiện tại tỉnh này có mưa, nhưng chưa lớn. ở khu vực biển có gió cấp 5, 6. Công tác ứng phó được thực hiện khẩn trương, việc di dân đã tiến hành xong lúc 15h cùng ngày 27/9 và đã di dời hơn 14.000 hộ đến nơi an toàn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định đã hoàn tất các phương án ứng phó với bão, đảm bảo an toàn cho người dân. 100% tàu thuyền đã được kêu gọi vào bờ, di dời hờn 93.000 nhân khẩu đến nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng 3 kịch bản cụ thể như ứng phó với sạt lở, lũ lụt… để xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 118.144 hộ/402.746 người.

Đến 17h, ngày 27/9 đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71%. Trong đó, tỉnh Quảng Trị với 4.124/12.926, Thừa thiên Huế với 2.552/8.407, Đà Nẵng với 9.300/ 30.721, Quảng Nam với 39.897/123.714, Quảng Ngãi với 23.006/68.034, Bình Định với 5.109/14.729. Thời gian hoàn thành vào 18h ngày 27/9.

10 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các tỉnh Thừa thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đã cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9. Hiện còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo đã di chuyển vào đất liền tránh trú an toàn. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao...

Về nuôi trồng thủy sản, từ Thừa Thiên Huế - Bình Định có 20.712ha và 4.480 lồng. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, các tỉnh, thành phố đã tổ chức gia cố, di dời người dân trên các lồng bè, chòi canh.

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo cả về lực lượng lẫn cơ sở vật chất để phòng chống bão của các địa phương. Toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, từ tỉnh, thành đến huyện, thị, xã đã vào cuộc rốt ráo; triển khai tương đối đồng bộ các phương án để ứng phó.

Phó Thủ tướng cho biết, bão Noru là cơn bão rất mạnh với cấp độ 13 - 14 và có thể giật với cấp 17. Thời gian đang chạy đua, bão cách đất liền chỉ còn khoảng 100km và vài giờ nữa sẽ đổ bộ. Mưa lớn, gió, kèm thủy triều dâng đúng với thời điểm mưa bão xảy ra nên nguy cơ rủi ro tăng cao nên phải có biện pháp cụ thể để ứng phó cho phù hợp.

img

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác kiểm tra tại điểm di dân, tránh trú bão ở xã Triệu An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị)

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương không được chủ quan cần phải chú trọng, đặt tính mạng người dân lên trên hết, không vì tài sản mà để ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Các địa phương phải rà soát người dân ở tất cả các khu vực có thể rà soát được như các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; thuyền viên thủy thủ trên các tàu thuyền; người dân bám trụ tại các nơi nuôi trồng thủy sản, bè lồng nuôi cá. Nếu cần thiết có thể cưỡng chế những trường hợp không chịu di dời để đảm bảo an toàn; phải có lực lượng có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho người dân.

Đồng thời, các công trình quan trọng ảnh hưởng lướn đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến việc phòng chống bão và những khu vực trọng yếu như hồ đập, đê biển, đường điện, bệnh viện…cần tăng cường lực lượng ứng trực, cập nhật thông tin thường xuyên để có giải pháp kịp thời xử lý. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền đối với người dân không được chủ quan sau bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về người và của...

Bên cạnh đó, các địa phương, lực lượng cần xác định các trọng tâm, trọng điểm để phối hợp kịp thời như các khu vực vỡ đê, xảy ra tai nạn… thì phải dự báo nắm tình hình, huy động các lực lượng phối hợp để xử lý.

Trước đó, vào chiều 27/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4. Tại đây, Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do lốc xoáy gây ra ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh; kiểm tra tình tránh trú bão của tàu, tuyền tại Khu neo đậu tàu thuyền Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; kiểm tra tại điểm di dân, tránh trú bão ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong...

Gia Lai: Thêm hồ xả lũ vào sông Ba

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 19 hồ thủy điện đang xả lũ, trong đó tổng xả lũ lớn nhất là Thủy điện Sông Ba hạ với 1500 m3/s, Sê San 3A với 564 m3/s, Sê San 4A với 510 m3/s; Đăk Srông 3B với 604,3 m3/s; Đăk Srông 3A với 576,4 m3/s; Đăk Srông 2A với 183,6 m3/s và Ia Grai 3 với 160 m3/s; đối với các thủy điện nhỏ khác còn lại xả lũ dưới 100 m3/s.

Đối với liên hồ chứa sông Ba, tỉnh Gia Lai đã lệnh vận hành hồ chứa An Khê - Kanak (TX. An Khê) vào sông Ba để điều tiết lũ qua tràn hồ An Khê và Ka Nak với lưu lượng lần đầu là 200 m3/s; Xả qua tràn hồ An Khê với lưu lượng xả lần đầu là 60 m3/s, sau đó điều chỉnh lưu lượng xả cho phù hợp với thực tế (lưu lượng xả tối đa là 1.500 m3/s) đến khi kết đảm bảo điêu tiết lũ trên sông Ba.

20h tối 27/9, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tiết lũ tại hồ Ayun Hạ vào lưu vực sông Ba.

Cụ thể, thời điểm bắt đầu xả: 7h sáng 28/9 với lưu lượng là 200 m3 /s. Sau đó điều chỉnh lưu lượng xả cho phù hợp thực tế với lưu lượng xả tối đa 350 m3 /s (tiếp tục xem xét đề xuất nếu vượt lưu lượng xả tối đa cho phép).

Đà Nẵng bắt đầu đóng các cầu qua sông Hàn

16h30 chiều 27/9, Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng bắt đầu đóng cầu Thuận Phước. Đây là cây cầu rất cao, nằm ở cửa biển nên gió qua khu vực này rất mạnh.

Ghi nhận của PV, hiện tại ven biển Đà Nẵng bắt đầu có gió lớn, mưa khá to. Do đó việc lưu thông qua cầu Thuận Phước là rất nguy hiểm. Sau cầu Thuận Phước, vào 20 giờ 30 cùng ngày, Đà Nẵng cũng sẽ cho đóng cầu Sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế, áp dụng theo các cấp độ gió. Khi gió đạt cấp 6 sẽ chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn TNGT.

img

Khi gió đạt cấp 7, cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để cấm xe mô tô, xe máy.

Khi gió đạt cấp 10, tiến hành phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu. Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn.

Đảo Cù Lao Chàm đã có gió mạnh cấp 8

Lãnh đạo TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, từ 17h chiều 27/9 tại đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) đã có mưa lớn và gió mạnh cấp 8.

Đến chiều nay, chính quyền địa phương đã hoàn thành việc sơ tán dân trong vùng nguy hiểm trên đảo.

Theo đó, có 305 hộ dân với 888 nhân khẩu được sơ tán theo hình thức xen ghép.

Huế: Mưa to, đường vắng, hàng quán đóng cửa

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ghi nhận của PV Báo Giao thông ở TP Huế và thị xã Hương Trà lúc gần 19h trời mưa khá to, gió nhẹ.

Trên các tuyến đường TP Huế và QL1 qua thị xã Hương Trà phần lớn các hàng quán, nhà dân đã đóng cửa, xe máy lưu thông trên đường không nhiều.

Quảng Bình cho học sinh nghỉ học từ 28/9

Chiều tối 27/9 Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình vừa có chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 28/9 cho đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên.

Đồng thời, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; tham mưu với chính quyền địa phương có kế hoạch sơ tán học sinh tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão, mưa lũ, khu vực trũng thấp, ven sông, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.

Kon Tum di dời khẩn 424 hộ dân

Nhận định huyện Đắk Glei nằm phía bắc tỉnh Kon Tum, giáp danh với Quảng Nam có khả năng nằm trên đường cơn bão đi qua, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo chiều ngày 27/9 di dời gấp 424 hộ với 1.236 người dân và di dời 11 điểm trường nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, ngập úng.

Ngoài ra UBND huyện Đắk Glei yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát các đơn vị quản lý, sử dụng công trình dạng tháp, trụ BTS chủ động kiểm tra, đánh giá và gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn cho công trình; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao không đảm bảo an toàn khi có mưa bão và có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi cần thiết và tuyên truyền, phố biến và yêu cầu các tổ chức, người dân thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa bão.

Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị, khu dân cư nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; kiểm soát quy trình cắt, tỉa cây xanh trong đô thị đảm bảo an toàn, đồng thời đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.

Đối với các công trình đang khai thác, sử dụng, yêu cầu người dân, chủ sử dụng công trình kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn trước mưa bão.

Đối với các công trình có sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ lũ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, chân đồi núi, chân mái taluy… và các khu vực có nguy cơ lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho nhân dân.

Thừa Thiên Huế đã di dời 45.051 người dân đến nơi tránh bão Noru

Liên quan đến công tác ứng phó bão số 4 Naru, chiều tối 27/9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến 17h cùng ngày (27/9), tỉnh đã di dời 14.442 hộ với 45.051 khẩu.

“Về cơ bản đã sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm, còn một số đang gấp rút di dời đến nơi có nhà kiên cố”, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Cùng ngày (27/9), Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và các Phó Giám đốc Công an tỉnh đã tiếp tục đến các địa bàn xung yếu trên địa bàn kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4.

img

Tại các xã như Phú Thanh và phường Thuận An..., Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo tập trung lực lượng, phương tiện để chạy đua với thời gian trước khi bão độ bộ vào đất liền, hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra trước, trong và sau bão.

Tăng cường công tác nắm tình hình, thực hiện tốt công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân yên tâm đi tránh bão…

Tại huyện Phú Lộc, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, công tác triển khai phương án chống bão của các lực lượng Công an trên tuyến QL1, QL49B và các vùng xung yếu, thấp trũng...

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các CBCS phải thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão, tăng cường lực lượng, phương tiện, đảm bảo 100% quân số, ứng trực sẵn sàng ứng phó khi bão xảy ra, đồng thời TTKS giao thông tại các khu vực ngập lụt, ngầm, tràn; tổ chức đảm bảo ATGT thông suốt trên tuyến QL1 đi qua địa bàn...

Gia Lai: Gặt hàng nghìn ha nông sản chạy bão

18h, ông Lưu Trung Nghĩa - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh này đang riển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.

Các lực lượng ở địa phương tiến hành rà soát, tổ chức di dời người dân ở các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn. Cụ thể, địa phương đã di dời 133 hộ (400 người dân) tại huyện Kông Chro, Kbang, Ia Pa tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét.

Để đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ mực nước dâng cao, tỉnh Gia Lai cũng sẵn sàng lực lượng quân đội, công an... đến các địa phương sẵn sàng di dời khoảng 8.500 người dân. Trong đó, huyện Phú Thiện 500 người, huyện Ia Pa khoảng 8.000 người.

Cũng theo ông Nghĩa, một số địa phương tổ chức thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tổng diện tích đã thu hoạch 23.200/89.160 ha. Việc thu hoạch này nhằm tránh thiệt hại nặng khi mưa lũ đổ về, nước tiêu không kịp gây ngập úng hư hỏng hoàn toàn.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi giao công an vào cuộc nếu có hiện tượng tung tin đồn thất thiệt

Tối 27/9, trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, để không xảy ra hiện tượng thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm do các đối tượng xấu tung tin đồn thất thiệt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hoá.

Theo đó, Sở Công thương phối hợp với các địa phương kịp thời điều tiết hàng hoá khi có nhu cầu. Chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh, các nhà phân phối có biện pháp tăng cường dự trữ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường, phòng ngừa việc thiếu hụt, khan hàng trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, chống các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường.

img

Các siêu thị, chợ tại Quảng Ngãi vẫn dồi dào nguồn hàng hóa để cung ứng cho người dân có nhu cầu.

Khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng để kịp thời sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu xây dựng, tổ chức các điểm bán hàng đúng giá niêm yết tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân trong sinh hoạt, khắc phục hậu quả bão số 4.

“Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để thu lợi bất chính. Đặc biệt là hành vi tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Khi phát hiện phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, nhanh chóng báo cáo Sở Công Thương, Công an tỉnh về tình hình thị trường khi xảy ra biến động, nhất là tại khu vực chịu ảnh hưởng, tác động của mưa, lũ trong thời gian trước trong và sau bão số 4 để có phương án xử lý, điều chuyển hàng hóa kịp thời.

Trong đó, lưu ý các mặt hàng thiết yếu có khả năng tăng giá, thiếu hụt sau bão như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng như: tôn lợp, đinh vít, xi măng…”, ông Minh chỉ đạo.

Lý Sơn gió rít liên hồi, sóng biển dâng cao

Dù bão số 4 chưa vào, song tại huyện đảo Lý Sơn sóng gió đã nổi lên và ngày càng mạnh khiến người dân huyện đảo lo sợ.

Ghi nhận từ nguồn tin Báo Giao thông, tại huyện đảo tiền tiêu cho thấy, ảnh hưởng bão số 4 khiến toàn bộ đảo bị gió lớn quật liên tục. Nhiều cây xanh ở đảo bị bão quần thảo tơi tả.

Anh Dương, trú xã An Vĩnh cho biết, gió rất mạnh kèm theo tiếng rít nghe lạnh sống lưng. Nhiều nhà dân không kiến cố gió hết tôn dập dềnh và khả năng bị cuốn phăng khi cấp gió mạnh hơn. Từ tầng cao nhìn về phía biển những đợt sóng liên tục dập vào bờ kè phía nam đảo tạo nên những cột sóng nước.

Tại khu vực quanh trụ sở UBND huyện Lý Sơn, nhờ được bao bọc bởi các ngọn núi nên lực gió không lớn như một số khu vực ven bờ kè. Bầu trời Lý Sơn tối sầm, mưa ngày càng nặng hạt.

Trao đổi nhanh với Phóng viên Báo Giao thông, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, hiện tại trên đảo gió đang rất mạnh và cấp độ gió đang là cấp 8 giật cấp 11, đảo đang có mưa.

“Dưới địa bàn báo về tình hình trên đảo vẫn ổn, chưa có sự cố gì xảy ra. Khả năng cao từ giờ đến khuya gió mạnh hơn và dự báo mưa sẽ lớn hơn. Khi đó mới đang lo. Huyện đang cập nhập tin tức liên tục từ cơ sở để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Các lực lượng tham gia công tác phòng, chống và cứu nạn cứu hộ của đảo đang trong tư thế sẵn sàng để giúp đở người dân khi có sự cố xảy ra”, bà Hương thông tin.

Trong khi đó, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 và ảnh hưởng của bão ngày càng lớn nên sức gió dự báo sẽ mạnh lên cấp 9-10 trong vài giờ tới và sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 14-15, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-15, giật cấp 17; sóng biển cao 6-10m, biển động dữ dội.

Quảng Ngãi: Đi từng ngõ, gõ từng nhà yêu cầu người dân không được ra đường từ 20h hôm nay

Chiều tối nay 27/9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông và thực hiện ngay phương án “đi từng ngõ gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân nếu không có nhu cầu cấp thiết thì tuyệt đối không được ra khỏi nhà, cũng như không được rời khỏi nơi trú tránh bão để trở về nhà kể từ 20 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới để đảm bảo an toàn về người.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các huyện thị tiếp tục tổ chức sơ tán, di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, trũng thấp, đặc biệt là nhà dân ở sát biển; kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không đảm bảo an toàn. Đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết.

Một số hình ảnh ghi nhận tại Lý Sơn:

Video: Lý Sơn đang có mưa to, gió lớn

img

img

Đá tảng lăn xuống đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam

Chiều 27/9, tại Km1333+670 đường Hồ Chí Minh (Xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) một tảng đá kích thước lớn, nặng khoảng 1 tấn lăn xuống đường.

img

Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) xử lý đá tảng lăn xuống đường HCM

Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, đơn vị phân bổ lực lượng tuần lưu trên các tuyến đường phụ trách nhằm kịp thời phát hiện các sự cố gây mất ATGT.

Ngay sau khi phát hiện đá tảng lăn xuống đường, Đội phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý đưa vào sát lề đường.

Quảng Trị: Lốc xoáy khiến chợ Cửa Việt, nhiều nhà dân bị tốc mái

Chiều 27/9, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị xảy ra vụ lốc xoáy khiến chợ Cửa Việt cùng nhiều nhà dân tại khu vực khu phố 3 (thị trấn Cửa Việt) bị tốc mái.

Nhà chờ xe buýt bên QL9 đoạn trước chợ Cửa Việt cũng đã bị lốc xoáy “thổi bay”. Những nhánh cây lớn bị gãy xuống nằm ngổn ngang bên đường.

img

Ông Trần Văn Hòa, một người dân gần chợ Cửa Việt cho biết, trận lốc xoáy xảy ra vào khoảng hơn 15h15 chiều 27/9 và kéo dài khoảng 15 phút. Hiện lực lượng chức năng thị trấn Cửa Việt đã đến hiện trường hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

img

img

img

Đà Nẵng tập kết 4 xe thiết giáp, sẵn sàng làm nhiệm vụ trong bão

Chiều 27/9, Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng cho biết, đã sẵn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó với các sự cố do bão Noru gây ra.

Theo đó, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng đã tập kết sẵn 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong bão Noru.

Khi bão đổ bộ, các xe bọc thép sẽ làm song song hai nhiệm vụ chở lãnh đạo đi thị sát tình hình trong bão và cứu nạn, cứu hộ trong tình huống nhà dân bị nạn, sự cố.

Trong các đợt bão trước đây, xe thiết giáp của Bộ chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng cũng được huy động đi hỗ trợ các trường hợp cần thiết.

Huế bắt đầu mưa to

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, gần 15h chiều 27/9, tại khu vực Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế trời đang mưa khá to kèm những đợt gió nhẹ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang có những động thái rất quyết liệt để ứng phó với cơn bão số 4 dự kiến đổ bộ vào chiều tối nay (27/9) hoặc rạng sáng mai.

“Công tác di dân sẽ kết thúc vào 15h chiều 27/9 với khoảng trên 12.000 hộ dân với gần 50.000 người, phương án di dân đa số là di dân chỗ, xen ghép ở các khu dân cư, nhà yếu thế đến nhà kiên cố, chỉ một số ít mới di dân lên tại các trường học, công sở. Chúng tôi đang tập trung cho bão và sạt lở”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho hay.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quy định 21h tối 27/9 cấm người dân ra đường, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Quảng Ngãi phải đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất

Chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại một số điểm trên địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Kiểm tra công tác phòng chống và ứng phó với bão số 4 tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn rà soát kiểm tra lại tất cả các phương án đảm bảo an toàn cho nhà máy và con người trước, trong và sau bão; kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại Cảng PTSC (KKT Dung Quất) và điểm sơ tán dân tại trụ sở Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi.

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác phòng, chống và ứng phó bão số 4 tại cảng PTSC - KKT Dung Quất.

Đến nay, địa điểm này đã có gần 200 người dân thuộc thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn) di dời đến tránh bão an toàn. Chính quyền địa phương phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi chuẩn bị tốt các điều kiện sinh hoạt cho người dân trong thời gian sơ tán chờ bão tan.

Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Bão số 4 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền trong vòng 20 năm qua. Quảng Ngãi là một trong những địa phương dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề khi bão vào bờ. Do đó, tỉnh cần tập trung cao độ hoàn thành di dời dân đến nơi trú tránh an toàn, sẵn sàng các phương án hỗ trợ người dân, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất có thể.

Gia Lai: Vận hành liên hồ chứa

Chiều 27/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh này đã tiến hành vận hành quy trình liên hồ chứa xã lũ trên lưu vực sông Ba.

Thời điểm xả bắt đầu từ 9h30 ngày 27/9 đến khi kết thúc đợt mưa do bão số 4.

Trước đó, số liệu quan trắc, mực nước đo đạc tại Trạm thủy văn An Khê (lúc 14 giờ ngày 26/9) tại hồ chứa An Khê, Ka Nak khoảng 401,8 m, thấp hơn mức báo động 1 là 2,7 m.

Với lưu lượng nước đổ về trên sông Ba và các hồ chứa và lưu lượng dự báo khả năng tăng lên bất thường khi bão đổ bộ. Tỉnh Gia Lai lệnh vận hành hồ chứa điều tiết lũ qua tràn hồ An Khê và Ka Nak với lưu lượng lần đầu là 200 m3/s, sau đó điều chỉnh lưu lượng xả cho phù hợp thực tế, tiếp tục xem xét đề xuất nếu vượt lưu lượng xả tối đa cho phép. Tương tự, vận hành xả qua tràn hồ An Khê với lưu lượng xả lần đầu là 60 m3/s, sau đó điều chỉnh lưu lượng xả cho phù hợp với thực tế (lưu lượng xả tối đa là 1.500 m3/s) đến khi kết đảm bảo điêu tiết lũ trên sông Ba.

Quảng Nam cấm các phương tiện lưu thông từ 18h

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký văn bản giao các đơn vị chức năng tăng cường công tác chủ động ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão Noru gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong lĩnh vực GTVT.

Theo đó, kể từ 18h ngày 27/9, cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường cho đến khi có thông báo mới.

img

QL1 qua Quảng Nam thưa thớt phương tiện qua lại

Đối với các phương tiện tham gia giao thông ngoài tỉnh di chuyển qua địa bản tỉnh Quảng Nam trong thời gian nêu trên, yêu cầu Sở GTVT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cho các phương tiện tim nơi tránh, trú bão an toàn.

Chủ tịch Quảng Nam cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án huy động, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thiết bị để kịp thời phối hợp, hỗ trợ các đơn vị bảo trì đường bộ của Sở GTVT, các đơn vị có hạ tầng thiết yếu kịp thời dọn dẹp cây cối, cột điện, cột viễn thông,... bị ngã đỗ trên các tuyến đường ngay sau khi bão đi qua. Đảm bảo các phương tiện có thể lưu thông được nhanh nhất nhằm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn có phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX).

Công ty Điện lực Quảng Nam, Viettel Quảng Nam, VNPT Quảng Nam, Mobifone Quảng Nam, FPT Quảng Nam, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam... ngay sau khi bão đi qua kiểm tra tình trạng các công trình hạ tầng thiết yếu của đơn vị, nếu có công trình bị sự cố gây cản trở giao thông thì khẩn trương bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị, phối hợp với các lực lượng của Sở GTVT khắc phục ngay các sự cổ nhằm đảm giao thông được thông suốt, an toàn.

Hiện tại Quảng Nam đang mưa to, gió nhẹ. Phương tiện qua lại trên QL1 thưa thớt, hầu hết là các xe tải, xe đầu kéo chạy đường dài.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi: Rà từng nhà để không người dân nào ở lại trong nhà không đảm bảo an toàn

Chiều 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh tiếp tục thị sát, kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi và kiểm tra công các công trình dự án kè biển và cảng cả tại đây.

Qua kiểm tra, ông Minh đánh giá cao hệ thống đê kè đã làm tốt tiêu sóng, hạn chế tối đa sóng áp sát nhà dân như trước. Đồng thời, chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo điểm dừng kỹ thuật hiệu quả.

img

Qua nghe báo cáo của chính quyền địa phương, ông Minh cho rằng xã Nghĩa An, là nơi có nguy cơ ảnh hưởng cực kỳ cao so với các xã khác ở TP. Quảng Ngãi nói riêng và khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Nghĩa An là một ốc đảo nằm ở mặt tiền biển và phần còn lại là hai sông Trà Khúc và Phú Thọ bao quanh, vì vậy nếu cơn bão số 4 đi vào đất liền với cường độ như dự báo thì đối với nhà dân hiện tại ở địa phương, nhất là nhà cấp 4 rất khó để đảm bảo an toàn. Do đó, yêu cầu TP.Quảng Ngãi, UBND xã Nghĩa An di dời toàn bộ người dân đến nơi tránh trú bão an toàn.

“Chúng ta có thể chấp nhận thiệt hại tài sản nhưng việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân phải được đặt lên hàng đầu. Trên tinh thần đó, chính quyền xã Nghĩa An phải tích cực kiểm tra từng nhà một, để làm sao không một người dân nào ở trong ngôi nhà không an toàn, đặc biệt là những người trẻ càng không được chủ quan mà phải tập trung di dời đến những nơi ở xen ghép an toàn. Trường hợp không đủ nhà, UBND TP.Quảng Ngãi phải bố trí nơi công cộng để di dời dân và thành cũng cần lưu ý 2 xã Nghĩa An và Tịnh Khê là 2 nơi có thể bão sẽ đổ bộ vào sớm nhất nên cần quan tâm đặc biệt đến việc di dời”, ông Minh chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chính quyền các cấp phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu.

Nhiều địa phương cấm xe đường dài đi qua từ 22h tối nay

Chiều 27/9, nguồn tin Báo Giao thông cho biết, Cục CSGT (Bộ Công an) vừa có thông báo hướng dẫn các địa phương triển khai cấm đường, ngăn không cho xe đường dài đi về phía tâm bão từ 22h tối nay.

Theo đó, với hướng từ phía Bắc, Phòng CSGT Công an Quảng Bình sẽ yêu cầu tài xế tìm nơi dừng nghỉ không lưu thông về phía tâm bão, cho đến khi bão đi qua.

Tương tự, phía Nam, Phòng CSGT Công an Khánh Hòa triển khai đóng đường QL1, ngăn phương tiện về phía Đà Nẵng, Quảng Nam.

Cửa ngõ Tây Nguyên, giao Phòng CSGT Công an Đắk Lắk yêu cầu các xe đường dài dừng lưu thông về phía tâm bão từ 22h ngày 27/9.

Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi dự kiến đóng tuyến từ 22h cùng ngày.

Theo Cục CSGT, trường hợp phương tiện dừng đỗ ở 3 địa phương Quảng Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk quá tải, Cục sẽ điều động các địa phương lân cận để điều tiết, ngăn lưu thông từ xa như Hà Tĩnh, Đăk Nông....

Theo đó, trong đêm nay, nhiều phương tiện phải dừng đỗ đọc đường khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Đăk Lắk, Đắk Nông.

Lý Sơn đang mưa to, gió lớn, dân đóng kín cửa

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Giao thông lúc 12h ngày 27/9, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết, dù bão số 4 còn cách xa đất liền song, ảnh hưởng của bão số 4 nên vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Lý Sơn) đã có gió mạnh cấp 8-9 và sẽ tăng lên cấp 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 6-10m, biển động dữ dội trong vài giờ tới.

img

Hình ảnh thời tiết ở Lý Sơn lúc 12h trưa nay

Đối với vùng ven biển và đất liền cảnh báo gió mạnh từ chiều nay (27/9), khu vực ven biển Quảng Ngãi, nhất là các huyện phía bắc tỉnh có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10; sau tăng lên cấp 11 - 13, giật cấp 14 - 15.

Từ đêm nay, 27/9, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8 sau tăng lên cấp 9 - 10; giật cấp 12 - 13.

Tại huyện đảo Lý Sơn, nguồn tin của Báo Giao thông xác nhận: Hiện gió đang rất mạnh, trời giăng mây tối sầm và mưa rất to. Biển động dữ dội và có sóng cao từ 2-3,5m tại một số vị trí. Đa phần người dân trên đảo đã đóng kín cửa và ở trong nhà, không một ai bước ra đường.

Hệ thống điện sinh hoạt vẫn ổn định. Bước đầu, nguồn tin cho biết đã có một số biển quảng cáo, pa nô, áp phích bị hư hỏng, cây cối gãy đổ do gió lớn gây ra.

Quảng Nam bắt đầu mưa lớn

Lúc 13h ngày 27/9, tại Quảng Nam bắt đầu có mưa lớn. Ghi nhận dọc tuyến QL1 dù chưa có vị trí nào ngập nhưng thưa thớt phương tiện qua lại.

Cùng ngày, Chi cục QLĐB III.1 đã chỉ đạo các lực lượng tuần tra các tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông để kịp thời xử lý các sự cố về giao thông.

img

QL1 qua Quảng Nam thưa thớt phương tiện qua lại

Ông Nguyễn Hữu Hổ, Phó chi cục trưởng Chi cục QLĐB III.1 cho hay, đến thời điểm hiện tại trên đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn đông chưa có sạt lở, ngập nước. Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị nhân lực, máy móc sẵn sàng xử lý các sự cố bất ngờ.

Danh sách 10 sân bay đóng cửa do ảnh hưởng của bão Noru

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố tiếp tục tạm ngừng khai thác thêm 5 cảng hàng không do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru).

img

Do ảnh hưởng bão Noru, tạm ngừng khai thác cảng hàng không Vinh từ 03h00 ngày 28/9/2022 đến 16h00 ngày 28/9/2022.

Cụ thể, tạm dừng khai thác Cảng hàng không Vinh từ 03h00 ngày 28/9/2022 đến 16h00 ngày 28/9/2022.

Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Đồng Hới từ 22h00 ngày 27/9/2022 đến 20h00 ngày 28/9/2022.

Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Tuy Hòa từ 15h30 ngày 27/9/2022 đến 8h00 ngày 28/9/2022.

Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Buôn Ma Thuột từ 12h00 ngày 27/9/2022 đến 11h59 ngày 28/9/2022.

Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Liên Khương từ 16h00 ngày 27/9/2022 đến 15h59 ngày 28/9/2022.

Trước đó, theo quyết định của Nhà chức trách hàng không, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng tiếp nhận tàu bay trong thời gian từ 7h00 sáng 27/9 đến 6h59 ngày 28/9.

Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12h00 ngày 27/9 đến 11h59 ngày 28/9/2022.

Thừa Thiên Huế: Cấm đường 71 lên rừng và các thủy điện Rào Trăng 3, 4

Trưa 27/9, UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, nhằm đảm bảo an toàn, tránh các thiệt hại về người và tài sản do bão số 4 gây ra, từ 6h sáng ngày 27/9, tại tuyến đường 71 qua xã Phong Xuân, cơ quan chức năng đã tổ chức cấm đường.

Đường 71 là tuyến lên rừng hàng ngày của người dân và lên các thủy điện như: Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4. Đây là tuyến đường nhỏ, thường xuyên xảy ra sạt lở khi có mưa bão. Vì vậy, việc cấm đường, không cho người và phương tiện di chuyển trong thời gian bão số 4 gây ảnh hưởng nhằm tránh các tai nạn thương tiếc xảy ra.

UBND huyện Phong Điền giao UBND xã Phong Xuân và lực lượng Công an xã túc trực, kiểm tra và xử lý đúng quy định những hành vi cố tình vi phạm. Thời gian thực hiện cấm đường 71 từ 6h sáng 27/9 đến khi có thông báo mới.

Trước đó, tại Thông báo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế về việc cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó bão số 4 năm 2022 (Noru), cũng đã có cảnh báo các điểm sạt lở nguy cơ rất cao khu vực đồi núi dọc tuyến đường 71 từ Phong Xuân đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1…

Quảng Trị: Hơn 38.759 người ở huyện ven biển phải di dời

Tại Quảng Trị, tỉnh này đang nằm trong vùng cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3. Toàn tỉnh có 11.527 hộ dân, với 38.759 nhân khẩu thuộc 4 huyện ven biển là Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cồn Cỏ nằm trong diện phải di dời.

Trong đó, có 1.731 hộ, với 6.207 nhân khẩu nằm ở các xã ven biển thuộc diện ưu tiên phương án di dời khẩn cấp.

Công điện của UBND tỉnh nêu rõ, địa phương sẽ hoàn thành việc di dời dân ở những khu vực có nguy cơ cao trước 15h ngày 27/9. Riêng xã Triệu Vân (Triệu Phong), theo thống kê sẽ có 80 hộ (209 nhân khẩu) nằm trong diện di dời. Một số sẽ được di dời vào các hộ có nhà kiên cố, số ít sẽ được di dời vào trụ sở UBND xã, nhà văn hóa.Kể từ ngày 26/9, Đồn Biên phòng Triệu Vân huy động hàng trăm lượt chiến sỹ cùng với chính quyền địa phương đi tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân đưa tàu thuyền lên bờ, chằng chống nhà cửa để ứng phó bão Noru.

Đến nay, đã có 450 tàu thuyền của ngư dân vùng bãi ngang này được lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, chính quyền và ngư dân đưa lên bờ tránh trú bão.Tuy nhiên, ở vùng bãi ngang này vẫn còn một số người dân có tư tưởng chủ quan trong ứng phó bão Noru.

Đại diện Đồn biên phòng Triệu Vân cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, trong chiều 27/9, nếu một số hộ không di dời, bắt buộc lực lượng chức năng phải sử dụng các biện pháp mạnh, cưỡng chế.Đối với xã Triệu An (Triệu Phong), chính quyền địa phương cùng lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn đang tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn. Xã có 76 hộ dân, với 144 nhân khẩu trong diện phải di dời để ứng phó bão Noru.

Theo cảnh báo, từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to và rải rác có dông. Lượng mưa toàn đợt phổ biến đạt từ 150-250 mm, có nơi trên 350 mm. Vùng mưa lớn trọng điểm nằm ở phía Nam và vùng núi phía Tây Nam của tỉnh.

Huế: Người đàn ông bị ngã khi gia cố mái nhà chống bão

Trưa 27/9, Công an Thừa Thiên Huế cho biết, khoảng 10h trưa cùng ngày, trong lúc giúp người dân sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, Công an xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã kịp thời phát hiện, sơ cứu ông Ngô Xỉ (SN 1968, trú tại thôn Phú Gia) bị ngã từ trên cao xuống trong lúc chằng chống mái nhà. Hiện sức khỏe của ông Xỉ đang dần ổn định.

Nhiều tuyến tàu đi Côn Đảo dừng hoạt động

Sáng 27/9, ông Huỳnh Hồng Lực, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, do ảnh hưởng của bão Noru, một số tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo tạm dừng hoạt động.

img

Tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo ngưng hoạt động do thời tiết xấu.

Cụ thể, tuyến Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) - Côn Đảo và ngược lại tạm dừng từ sáng 27/9 đến ngày 29/9. Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo cũng tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Là một trong những hãng tàu hoạt động vận chuyển hành khách tuyến Trần Đề - Côn Đảo, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) cho biết, đối với hành khách đã mua vé vào những chuyến tạm dừng sẽ áp dụng hủy vé miễn phí theo chính sách của công ty. Hoặc khách có thể đổi sang chuyến khác nếu còn chỗ.

Trước đó, trong công điện về cơ bão Noru, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu Cảng vụ Hàng hải các địa phương triển khai biện pháp ứng phó thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai đã xây dựng.

Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão Noru trên biển để hướng dẫn cho tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm. Đặc biệt lưu ý đối với các tàu biển mang cấp hạn chế 3 và phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB.

img

Các hãng tàu ở Kiên Giang làm thủ tục trả vé, hoàn tiền cho hành khách. Ảnh: Hoàng Nghiệp

Trước 6h và 15h hàng ngày, báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam về công tác triển khai phòng chống thiên tai cơn bão Noru.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Trung tâm khu vực duy trì lực lượng và phương tiện để sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Cục cũng đề nghị, Trung tâm Thông tin An ninh hàng hải bố trí người trực 24/24h theo dõi diễn biến của cơn bão.

Kiên Giang: Tuyến tàu nào vẫn được hoạt động?

Sáng 27/9, ông Trần Văn Tại, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang cũng cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4 Noru, thời tiết trên biển Kiên Giang gió giật cấp 7,8 biển động mạnh.

Do vậy, Cảng vụ Hàng hải cho các tàu phà hành khách cao tốc hoạt động tuyến Rạch Giá - Hà Tiên - Nam Du - Phú Quốc - Thổ Chu và chiều ngược lại phải tạm ngưng để đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện.

Thời gian tạm ngừng hoạt động bắt đầu từ 6h ngày 27/9 đến khi có thông báo mới.

img

Phà Thạnh Thới đang neo đậu tại bến cảng Rạch Giá do ảnh hưởng bão số 4. Ảnh: Hoàng Nghiệp

Ngay sau khi nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động, các hãng tàu đã thông báo xuống các đại lý, điểm bán vé và có kế hoạch chuyển vé và trả vé, hoàn tiền kịp thời cho hành khách.

Riêng tuyến tàu hành khách đang hoạt động trên vùng thủy nội địa (biển gần bờ) như: Rạch Giá đi Hòn Tre, Lại Sơn, Hà Tiên - Hòn Nghệ, Hà Tiên - Tiên Hải vẫn được hoạt động bình thường.

Trước đó, ngày 26/9, UBND tỉnh Kiên Giang cũng có công điện hỏa tốc gửi đến các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố, lực lượng Biên phòng tỉnh yêu cầu chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống bão.

Các tàu thuyền đánh bắt xa bờ phải kịp thời về nơi tránh trú bão. Các lồng bè, hồ nước ngọt, các điểm đê điều xung yếu khác cần có phương án nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Huế: Các chợ ngừng hoạt động từ 15h chiều nay; cấm người dân ra đường từ 21h tối

Trưa 27/9, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại khu nuôi thủy sản Quảng Công (huyện Quảng Điền) và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Phú Hải (huyện Phú Vang)...

img

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đang có những động thái rất quyết liệt để ứng phó với cơn bão số 4 dự kiến đổ bộ vào chiều tối nay (27/9) hoặc rạng sáng mai.

“Công tác di dân sẽ kết thúc vào 15h chiều 27/9 với khoảng trên 12.000 hộ dân với gần 50.000 người, phương án di dân đa số là di dân chỗ, xen ghép ở các khu dân cư, nhà yếu thế đến nhà kiên cố, chỉ một số ít mới di dân lên tại các trường học, công sở. Chúng tôi đang tập trung cho bão và sạt lở”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Phương cũng cho biết, phương án “4 tại chỗ” được phát huy cao độ, bởi vì khi bão gió lớn sẽ không có các hoạt động tác nghiệp trên đường được, các phương án liên quan đến an toàn của người dân đã được các cấp chính quyền chuẩn bị chu đáo. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 27 và 28/9; các chợ truyền thống ngừng hoạt động từ 15h chiều 27/9.

“Tỉnh đã có quy định 21h tối 27/9 cấm ra đường, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, rất có thể gió lớn sớm hơn, chúng tôi cũng sẽ có chỉ đạo kịp thời", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và TP Huế, Trung tâm Công viên cây xanh triển khai cắt tỉa, gia cố cây xanh tại các khu đô thị.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện; đảm bảo cung cấp điện cho các Trung tâm chỉ huy: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, bệnh viện... Khi bão đổ bộ, sa thải lưới điện toàn bộ để đảm bảo an toàn.

Các lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ đã hỗ trợ nhân dân gia cố đảm bảo an toàn nhà ở; cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; cố định cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn; hệ thống pano, áp phích..

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiểm tra khu vực nguy cơ sạt lở núi

Sáng 27/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại huyện miền núi Trà Bồng và thăm hỏi động viên các hộ dân đang di dời tránh bão số 4 và sạt ở núi.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đi kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở núi tại thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm. Tại đây, bà Vân đã động viên, thăm hỏi tình hình đời sống, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của 19 hộ dân với 87 nhân khẩu được chính quyền di dời ở tạm tại điểm trường mầm non của thôn để tránh nguy cơ sạt lở núi do ảnh hưởng của bão số 4.

Bà Vân mong muốn người dân yên tâm tạm trú để tránh nguy hiểm do bão số 4 và lưu ý không người dân được tự ý trở về nhà khi bão chưa tan và chưa có sự cho phép của chính quyền địa phương. Đồng thời, giao các lực lượng chức năng của địa phương và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ nhà cửa và tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị chính quyền xã Trà Lâm nói riêng và huyện Trà Bồng nói chung phải đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm, điện và đảm bảo cấp nước cho người dân trong suốt thời gian tránh bão; bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Được biết, thôn Trà Lạc có 30 hộ phải di dời, trong đó có 19 hộ di dời tập trung, 11 hộ di dời xen ghép.

Tại buổi kiểm tra, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi tìm hiểu nguyện vọng của bà con để tỉnh có phương án bố trí di dời về nơi ở tái định cư lâu dài, nhằm ổn định cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã tặng 30 phần quà gồm mì tôm, chăn mền giúp người dân yên tâm tránh bão.

Đà Nẵng cấm xe đi qua hầm chui khi ngập nước

Phó giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, Sở vừa chỉ đạo cấm phương tiện lưu thông qua các cầu, đường, hầm chui khi gió to, ngập nước để đảm bảo an toàn.

Theo đó, đối với các cầu trên sông Hàn (cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng), cầu Phò Nam và tầng 3 cầu vượt ngã ba Huế khi gió đạt cấp 6 phải tổ chức chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khi qua các cầu. Khi gió đạt cấp 7, cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để triển khai phương án cấm xe mô tô, xe máy. Khi gió đạt cấp 10 thì phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu.

Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn khi có sự cố ngập nước, cần thiết phải cấm các phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn.

Sở GTVT đề nghị Công an thành phố, UBND các quận huyện chỉ đạo Công an các quận Hải Châu, Thanh Khê bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn đảm bảo giao thông; đề nghị chủ đầu tư hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, cụm nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý nạo vét hệ thống thu nước, hố ga, lưới chắn rác, kiểm tra toàn bộ thiết bị bơm, các máy bơm dự phòng, hệ thống phát điện, máy phát điện dự phòng để đảm bảo hệ thống bơm hoạt động liên tục.

Đồng thời bố trí nhân sự trực thường xuyên, có mặt tại nhà điều hành kết hợp theo dõi qua phần mềm giám sát hoạt động các trạm bơm; chuẩn bị sẵn sàng barrie để chốt chặn 2 đầu hầm, bố trí lực lượng đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra tình trạng nước ngập trong hầm.

Trong một diễn biến liên quan, Sở GTVT TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động các tuyến buýt trợ giá trên địa bàn; dừng các hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe để phòng, chống bão Noru.

Sở này cũng yêu cầu đưa toàn bộ tàu du lịch về nơi trú tránh bão trên sông Cổ Cò để đảm bảo an toàn.

Quảng Ngãi di dời xong 75.000 dân vùng xung yếu

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Giao thông trong quá trình kiểm tra công tác phòng chống bão trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, tính đến 11h ngày 27/9, toàn tỉnh đã tổ chức di dời hơn 75.000 dân vùng xung yếu đến nơi trú tránh an toàn.

Theo ông Minh, ngoài tổ chức di dời người dân có nhà yếu, nhà không đảm bảo an toàn đến nơi trú tránh an toàn, tỉnh còn tổ chức di dời người dân các khu vực trũng thấp có nguy cơ bị tác động do lũ gây ra do tác động của bão dẫn đến mưa lớn trên diện rộng.

“Đến thời điểm này tỉnh Quảng Ngãi chủ động tốt trong công tác phòng chống bão số 4. Tuy vậy, diễn biến bão khó lường nên công tác phòng chống cũng không thể đạt mục tiêu tuyệt đối. Tỉnh sẽ làm hết sức mình để người dân vượt qua thiên tai an toàn”, ông Minh nhìn nhận.

Người dân Lý Sơn không ra khỏi nhà từ 10h sáng

Sáng 27/9, trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh này tổng rà soát, kiểm tra đưa người dân vùng xung yếu đến nơi an toàn. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng to, gió lớn.

Bên cạnh đó, ông Minh yêu cầu các lực lượng kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, trụ sở làm việc, nhà xưởng, cột tháp ăng-ten viễn thông… để đảm bảo an toàn.

img

Lực lượng Đoàn viên thanh niên Quảng Ngãi được huy động để hỗ trợ di dời người già yếu, bệnh tật đến nơi trú tránh bão an toàn.

Chủ tịch tỉnh giao Sở GTVT khẩn trương kiểm tra các tuyến đường bị hư hỏng, kịp thời bố trí lực lượng canh gác, thiết bị cảnh báo tại các điểm sạt lở, ách tắc, khu vực nước sâu… đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt là các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu nghiêm cấm người dân đi lại qua các vị trí sạt lở hoặc có dấu hiệu sạt lở để không xảy ra sự cố đáng tiếc.

“Riêng huyện Lý Sơn tổ chức thông báo và nghiêm cấm người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 10h ngày 27/9/2022 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh dưới cấp 6”, ông Minh chỉ đạo.

Người dân nơi "cửa ngõ đón gió" thứ 2 ở Quảng Ngãi phòng chống bão thế nào?

Trưa ngày 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đi kiểm tra công tác di dời dân và phòng chống bão số 4 tại xã Bình Hải, nơi được xem là “cửa đón gió” của Quảng Ngãi sau huyện đảo Lý Sơn.

Tại đây, một số người dân khỏe mạnh được địa phương huy động vào tổ hỗ trợ phòng chống bão số 4 tỏ rỏ sự vui mừng và cảm ơn chính quyền tỉnh đã quan tâm, đầu tư tuyến kè biển qua thôn Lệ Thủy và Phước Thiện đã ngăn chặn những con sóng bạc từ biển xa.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh kiểm tra kè biển Bình Hải và công tác phòng chống bão tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, nơi được dự báo sẽ là vùng tâm bão.

Theo người dân địa phương, trước đây mỗi khi bão đến, người dân rất lo sợ bởi ngoài sập nhà, mất tài sản thì vấn nạn triều cường xâm thực gây mất đất và thậm chí kéo sập nhiều nhà cửa của người dân ra biển, nhất là trong năm 2021. Tuy nhiên, từ khi kè biển hòan thành, nỗi lo đã không còn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tuyến kè biển kiên cố có chiều dài khoảng 400m như “tấm khiêng” bảo vệ những ngôi nhà sát bên mép biển. Dọc dài đoạn qua khu dân cư những con sóng đã bi “đánh tan” trước khi ập vào bờ.

Tại buổi kiểm tra thực tế, ông Minh đã động viên người dân trong vùng xung yếu phải hết sức bình tĩnh và tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi bão đổ bộ. Đồng thời, cảnh báo người dân không được chủ quan trước thiên tai mà phải xác định những hiểm họa do bão gây ra.

Đối với dự án kè biển Bình Hải, ông Minh cho biết, dự án có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, đến nay giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác đã lập những kỳ tích trong bảo vệ người dân vùng xung yếu. Giai đoạn 2 đang tổ chức thi công và cũng cơ bản hỗ trợ an toàn, chống triều cường xâm thực.

“Trong quá trình kiểm tra trước khi bão số 4 đổ bộ, người dân đã di dời đến nơi an toàn, chính quyền địa phương cũng làm rất tốt. Tôi đánh giá cao nỗ lực của chính quyền, sự đồng hành của người dân và nhất là hỗ trợ của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất chung tay cùng chính quyền chăm lo cho nhân dân lúc thiên tai, hoạn nạn”, ông Minh nói.

Bình Định lên kế hoạch sơ tán 18.995 hộ dân

Tại Bình Định, công tác ứng phó bão số 4 được triển khai khẩn trương, quyết liệt.

Tỉnh Bình Định sẽ huy động lực lượng tại chỗ gồm 42.249 người. Trong đó, quân đội 1.042 chiến sĩ, Biên phòng 279 chiến sĩ, công an 1.640 chiến sĩ, lực lượng xung kích 8.805 người.

Phương tiện tại chỗ thường trực hiện có 3 xe thiết giáp, 3 xe chữa cháy, 8 tàu các loại, 515 xuồng, 18 ca nô, 14 xe chuyên dùng phòng chống thiên tai; phương tiện huy động gồm 379 máy xúc, 918 ô tô tải, 540 xe ben, 214 xe ủi.

Tỉnh cũng đã xác định 13 khu vực nguy cơ cao sạt lở đất; chủ động phương án, kế hoạch sơ tán 18.995 hộ/ 65.404 người dân bị ảnh do bão số 4. Các công tác chuẩn bị phải được hoàn thành trước 13h 27/9.

Hiện tại, có 216 tàu/1.610 người nằm trong vùng nguy hiểm đã nhận được thông tin về cơn bão số 4 đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão trên địa bàn tỉnh cũng đang tiếp nhận 5.600 tàu thuyền đang neo đậu. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có mặt tại trụ sở Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 4.

Quảng Ngãi: Tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người tại các nhà máy xí nghiệp

Kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh lưu ý: UBND huyện Bình Sơn, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn phải duy trì sản xuất liên tục nhưng cũng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động; có biện pháp đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại tối đa về tài sản của nhà máy do bão gây ra. Tinh thần chung là hạn chế thấp nhất về tài sản và kiên quyết đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, không được để xảy ra sự cố về nhân lực.

img

Người dân các xã ven biển huyện Bình Sơn được Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất hỗ trợ chỗ trú tránh bão và lương thực thực phẩm

“Người dân đang cần các doanh nghiệp và chính quyền trong công tác phòng chống bão, do đó đề nghị UBND huyện Bình Sơn, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn lãnh đạo cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, hỗ trợ người dân phòng, chống bão hết mình để mang lại hiệu quả cao nhất. Quan trọng nhất trong phòng chống bão số 4 là bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân và nhà nước”, ông Minh chỉ đạo.

Đối với UBND huyện Bình Sơn, ông Minh yêu cầu chậm nhất là đến 14h ngày 27/9 phải hoàn tất việc di dời dân đến nơi trú, tránh bão an toàn.

“Chúng ta lập phương án tốt rồi nhưng không được chủ quan, lơ là. Phải hết sức linh hoạt trong phòng chống bão, không cứng nhắc, rập khuôn theo kịch bản đặt ra, trong trường hợp bão lớn hơn dự báo thì phải có phương án ứng phó hiệu quả”, ông Minh lưu ý.

img

Nhân viên Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất hỗ trợ di dời người dân từ vùng trũng thấp vào nơi trú tránh bão tại nhà máy.

Kiểm tra tại dự án Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao việc làm của công ty đã chủ động xây dựng nơi trú tránh bão cho người dân trong vùng dự án. Nhất là chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, lương thực hỗ trợ người dân trú ẩn tại nhà máy cũng như chuẩn bị đầy đủ các vấn đề liên quan khác như hỗ trợ cùng chúng quyền trong sơ cấp cứu, vận chuyển người dân đến nơi trú tránh an toàn.

Xử lý nghiêm tư thương găm hàng hóa đầu cơ thu lợi bất chính trong thiên tai

Trao đổi với Phóng viên Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, bên cạnh huy động các lực lượng và người dân cùng phòng, chống bão, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành rà soát diễn biến thị trường hàng hóa, nhu yếu phẩm trong thời gian trước, trong và sau bão số 4 cũng như lũ lụt dự báo sẽ xảy ra trên địa bàn tỉnh.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo đó, ông Minh yêu cầu Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hoá; phối hợp với các địa phương kịp thời điều tiết hàng hóa trước và sau bão, đảm bảo nhu cầu của nhân dân; Chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh, các nhà phân phối có biện pháp tăng cường dự trữ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Phải lập đoàn kiểm tra, phòng ngừa việc thiếu hụt, khan hàng trên địa bàn tỉnh cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường trong thời điểm cả tỉnh căng mình chống chọi với thiên tai. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm”, ông Minh chỉ đạo.

Ngoài ra, ông Minh cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng để kịp thời sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu xây dựng, tổ chức các điểm bán hàng đúng giá niêm yết tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh phục vụ người dân sửa chữa lại nhà sau bão.

Quảng Nam: Người dân không được ra khỏi nhà từ 18h tối nay

Sáng 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ra công văn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h00 ngày 27/9/2022 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc kể từ 12h00 ngày 27/9 đến hết ngày 28/8 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai và các lực lượng khác do thủ trưởng đơn vị quyết định).

Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động,... được nghỉ làm việc kể từ 12h00 ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 nhằm đảm bảo phòng, chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình.

Đà Nẵng cấm dân ra khỏi nhà từ 20h tối nay

Theo đó, chỉ trừ lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ, người dân trên địa bàn thành phố phải ở trong nhà, không ra ngoài đường.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Đà Nẵng yêu cầu các hộ dân kinh doanh, nuôi trồng, người dân không được ở trên các tàu thuyền, lán trại tạm, công trình đang thi công. Việc di dời, kiểm đếm hoàn thành trước 14 giờ ngày 27/9. Đây cũng là thời điểm thành phố hoàn thành cuộc di tản dân ở các vùng thấp trũng, nhà không kiên cố về các nơi trú tránh an toàn, với tổng số hơn 80.000 người, khoảng 10% dân số Đà Nẵng.

img

Người dân TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) kéo ghe vào bờ an toàn trước thời điểm bão số 4 đổ bộ. Ảnh: VNN

Cũng trong sáng 27/9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, các đơn vị, địa phương đã tăng cường và thường xuyên thông báo tin bão đến nhân dân để biết, chủ động phòng chống bão.

img

CSGT kiểm tra các tuyến đường thuỷ

Theo đó, đến nay, lực lượng chức năng cơ bản hoàn thành công tác cắt tỉa, chằng chống cây xanh tại các tuyến đường chính. Công tác neo đậu tàu cá ổn định cho hơn 800 tàu cá néo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê.

img

Lực lượng chức năng giúp dân kéo thuyền tránh bão

Bên cạnh đó, 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ. Các địa phương đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng vũ trang khẩn trương hỗ trợ công tác ứng phó bão tại địa phương, đơn vị; hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa; sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân trong thiên tai.

Quảng Ngãi cảnh báo “mưa như trút nước” đến 500mm sẽ gây thiên tai kép

Sáng 27/9, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi, bao gồm huyện đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17. Sóng biển cao 911m, biển động dữ dội.

Đến trưa chiều ngày 27/9, vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 15-16; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m.

Đối với khu vực ven biển Quảng Ngãi (đặc biệt cần chú ý phía bắc tỉnh) có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10; sau tăng lên cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15, từ đêm nay các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8 sau tăng lên cấp 9 -10; giật cấp 11 - 12.

Ông Sỹ cũng lưu ý các vùng xung yếu ven bờ biển, cửa biển người dân cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 1,2-1,7m và mực nước dâng kết hợp với thủy triều cao 2-2,5m và có sóng lớn.

Ngoài ra, do nhiều tác động nên nhiều khu vực ven biển Quảng Ngãi khả năng cao xảy ra lốc xoáy.Ngoài ra, ông Sỹ cũng cho biết, do ảnh hưởng bão số 4 nên trong 2 ngày 27 và 28/9, trên diện rộng toàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa toàn đợt phổ biến 200 - 400mm, phía bắc tỉnh có nơi trên 500mm. Cần chú ý đề phòng có lũ lớn, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp.

Nguy cơ sạt lở do mưa lớn sau bão, phương án chống ùn tắc trên các tuyến quốc lộ qua Đắk Lắk, Đắk Nông thế nào?

Ngày 27/9, ông Nguyễn Văn Lãnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.5 cho biết: Để chủ động công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão Noru, Chi cục đã có văn bản gửi các Nhà thầu quản lý, bão dưỡng thường xuyên đường bộ, các Nhà đầu tư BOT/Doanh nghiệp dự án chủ động công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão.

Chi cục đề nghị các đơn vị liên quan phân công lịch trực bão lũ tại các Hạt, Văn phòng Công ty; chuẩn bị rào chắn di động, biển báo, cọc tiêu di động, dây phản quang, đèn ban đêm để chuẩn bị cho công tác phân làn, phân luồng rào chắn khi có điểm nước ngập, sạt, sụt lở gây tắc đường...

Chuẩn bị máy đào, máy xúc, ô tô, cưa lốc vật tư dự phòng để kịp thời khơi thông, hót dọn đất, đá khi sạt lề hoặc cây gãy đổ ra đường. Đồng thời, chủ động khơi thông cống, rãnh thoát nước; đảm bảo thoát nước tốt, không để ùn ứ dòng chảy thoát nước công trình đường bộ.

Sau khi mưa bão đi qua phải kiểm tra lại tình trạng cầu, cống, mặt đường để kịp thời phát hiện, xử lý các hư hỏng (nếu có).

Ngoài ra, Chi cục đã có phương án điều tiết, phân luồng giao thông khi mưa lũ gây ách tắc giao thông trên tuyến QL26, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 19C và đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông.

Khi trên các tuyến quốc lộ do Chi cục QLĐB III.5 quản lý hoặc các tuyến Cục QLĐB III quản lý bị ách tắc giao thông, Chi cục QLĐB III.5 sẽ báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão của Cục biết để chỉ đạo và báo cáo Ban phòng chống lụt, bão địa phương để có sự phối hợp trong quá trình đảm bảo giao thông và phân luồng, điều tiết giao thông.

Theo ông Nguyễn Văn Lãnh, Chi cục đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra tình trạng các công trình giao thông, đặc biệt là kiểm tra tình trạng cầu, đường trước mùa mưa bão. Trong đó chú trọng các các cầu yếu, các vị trí xung yếu, các cầu yếu, vị trí có khả năng sụt trượt, đứt đường.

Thực hiện tuần đường thường xuyên, liên tục để báo cáo kịp thời các sự cố xảy ra trên tuyến về Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão các cấp. Đối với các công trình đang thi công trên tuyến, thường xuyên theo dõi, kiểm tra nhà thầu thi công về việc thực hiện đảm bảo ATGT trong quá trình thi công. Yêu cầu nhà thầu thi công phải xây dựng phương án phòng chống lụt, bão để chủ động ứng phó tại các công trình đang thi công.

Viên chức Quảng Ngãi được nghỉ làm từ trưa nay

Sáng 27/9, theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT (Cơ quan Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi), tỉnh này xây dựng các kịch bản ứng phó bão gồm: Các huyện Bình Sơn và các xã ven biển TP.Quảng Ngãi ứng phó tương ứng cấp độ 4 (bão mạnh cấp 11, 12, giật cấp 13), huyện Lý Sơn ứng phó tương ứng bão mạnh cấp 12, 13, giật cấp 14, 15; các huyện, xã còn lại ứng phó tương ứng cấp độ 3 (bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, 12).

Về kịch bản ứng phó mưa lớn, sạt lở đất gồm trọng điểm là các xã thuộc các huyện miền núi: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng với 142 điểm có nguy cơ cao sạt lở (Minh Long 12 điểm, Ba Tơ 45 điểm, Trà Bồng 42 điểm, Sơn Tây 22 điểm, Sơn Hà 21 điểm). Tổng số dân cần di dời, sơ tán là 2.258 hộ/ 9.032 khẩu (Trà Bồng 924 hộ/ 3.956 khẩu, Minh Long 101 hộ/ 369 khẩu, Ba Tơ 736 hộ/ 2.608 khẩu, Sơn Tây 173 hộ/ 660 khẩu, Sơn Hà 324 hộ/ 1.439 khẩu).

img

Huyện Bình Sơn khẩn trương di dời dân là người già yếu, bệnh tật đến nơi trú tránh bão Noru sáng 27/9

Tính đến 4h ngày 27/9/2022, tất cả các tàu, thuyền trên biển đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo ứng phó bão, lũ; tăng cường công tác truyền thông, nhất là qua hệ thống truyền thanh cơ sở và truyền thông lưu động để tất cả người dân nắm rõ thông tin diễn biến bão để có biện pháp trú tránh an toàn.

Tại cuộc hợp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác ứng phó bão Noru, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thống nhất cho phép cán bộ, công chức, viên chức được tạm nghỉ việc ở cơ quan để thực hiện tốt công tác phòng chống bão số 4 và trở lại làm việc khi có thông báo mới.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh

Tại huyện đảo Lý Sơn, nơi được xác định sẽ là điểm đầu tiên bão đổ bộ, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, công tác sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú, vũng neo đậu tàu thuyền an toàn.

Bà con ngư dân, các chủ tàu, chủ nuôi trồng thủy hải sản trước khi bão đổ bộ không được ở trên tàu, thuyền, lồng bè và ra đường.Huyện tiền tiêu này cũng chuẩn bị các nhu yếu phẩm và thuốc men cùng đội ngũ bác sỹ, y tá trực 24/24 và chấp hành nghiêm chỉnh phương án phòng chống thiên tai 4 tại chỗ của huyện.

Đồng thời, hoàn thành di dời 17 hộ, 55 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tại huyện Bình Sơn, đến sáng nay công tác di dời dân được địa phương khẩn cấp thực hiện, nhất là di dời sớm các trường hợp già yếu, người tàn tật tại các xã ven biển như Bình Hải, Bình Thạnh, Bình Đông… đến các điểm trú bão tập trung được chỉ định trước đó.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, huyện đã chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân tại các điểm trú ẩn tập trung. Đồng thời, rà soát chi tiết từng hộ gia đình khu vực có nguy hiểm, mất an toàn yêu cầu phải thu dọn tài sản giá trị cao và rời nhà từ trưa ngày 27/9 để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm không cá nhân nào được ở lại nhà, nhất là các nhà sát mép biển khi bão đổ bộ.

Thừa Thiên Huế: Hoàn thành sơ tán dân tránh bão trước 12h ngày 27/9

Liên quan đến tình hình triển khai ứng phó với bão số 4 (bão Noru), sáng 27/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, công tác tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9h ngày 27/9 và hoàn thành trước 12h ngày 27/9. Ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước thời điểm bão vào.

Các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán vào lúc 14h ngày 27/9. Yêu cầu các chủ doanh nghiệp có phương án bố trí ca, kíp làm việc đảm bảo an toàn công nhân khi có gió bão, mưa lớn (từ 12h 27/9/2022 đến 13h ngày 28/9).

Yêu cầu người dân không được ra đường (cấm đường hoàn toàn) từ 21h ngày 27/9 đến khi có thông báo mới (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học (280.315 học sinh) vào các ngày 27 và 28/9 để đảm bảo an toàn.

Đại Học Huế cho sinh viên nghỉ học (40.000 sinh viên) vào các ngày 27 và 28/9.Toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản. Trong đó có 612 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.

Đến nay toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn.Toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2tỷ m3 (tổng công suất lắp máy là 459MW). Hiện nay mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện (dung tích đạt từ 20-30% tổng dung tích), các hồ đang vận hành đảm bảo an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo tăng cường phát điện qua tuabin để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng đón lũ.

Về diện tích lúa, đến nay đã thu hoạch xong (hơn 25.000 ha). Hoa màu gieo trồng 1.300 ha, đã thu hoạch 1.000 ha, còn lại 300 ha. Sắn đã trồng 4.200ha, đến nay đã thu hoạch được 1.000 ha (vùng thấp trũng), diện tích còn lại là 3.200ha.

Về thuỷ sản tổng diện tích thả là 9.215 lồng. Hiện còn khoảng 3.519 lồng bè nuôi trên sông, hồ chứa, đầm phá chưa thu hoạch hết sản phẩm thương phẩm hoặc đang nuôi thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch (Phong Điền 96 lồng, Quảng Điền 509 lồng, Hương Trà 650 lồng, TP Huế 321 lồng, Hương Thủy 88 lồng, Phú Vang 565 lồng, Phú Lộc 1.290, A Lưới 17 lồng, Nam Đông 5 lồng).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo.

Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo cho 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, 4h sáng nay (27/9), vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

img

Vị trí và hướng di chuyển bão số 4 - Noru . Ảnh: NCHMF

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 300km, Quảng Nam khoảng 250km, Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị-Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16.

Cảnh báo nguy hiểm trên biển

Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông.

img

Lực lượng dân quân tại Phù Mỹ giúp đưa tàu thuyền của người dân lên bờ tránh bão chiều 26/9

Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa).Khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Cảnh báo nước dâng

Sáng nay, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.

Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,0-1,5m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 2,0-2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền

Từ tối và đêm nay (27/9), ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15.

Các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Từ ngày hôm nay đến ngày mai (28/9), khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt.Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.

img

Các tàu cá của tỉnh Quảng Bình về neo đậu tại nơi an toàn trước khi siêu bão Noru đổ bộ. (Ảnh: ĐĐK)

Tạm đóng cửa 5 sân bay

Các chuyến bay đến và đi 5 sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku trong thời gian ảnh hưởng của bão sẽ tạm ngừng

Cụ thể, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng tiếp nhận tàu bay trong thời gian từ 7h00 sáng 27/9 đến 6h59 ngày 28/9.

Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12h00 ngày 27/9 đến 11h59 ngày 28/9/2022.

Các chuyến bay đến và đi các sân bay trên trong thời gian ảnh hưởng của bão vì thế sẽ tạm ngừng.

Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng dự kiến phải điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh hưởng của bão.

Một số chuyến bay khác chịu ảnh hưởng dây chuyền. Hành khách trên các chuyến bay chịu ảnh hưởng được hỗ trợ theo chính sách dịch vụ của hãng.

Trước đó, để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay, Cục Hàng không VN đã có công điện yêu cầu ứng trực 24/24 giờ; thực hiện nghiêm quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng, liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.

img

Các chuyến bay đến và đi 5 sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku trong thời gian ảnh hưởng của bão sẽ tạm ngừng

Các cảng hàng không, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru để điều chỉnh kế hoạch bay tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão và đảm bảo tuyệt đối hoạt động bay.

Các đơn vị cũng cần chủ động phòng chống, rà soát, thống kê các trang thiết bị chằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ công trình nhà ga, kho hàng... nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra; Cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan, căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.

Đường sắt tạm dừng chạy tàu khách Thống Nhất

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đường sắt tạm dừng đôi tàu khách Thống Nhất SE5/SE6 trên tuyến Bắc - Nam để đảm bảo an toàn chạy tàu do ảnh hưởng của bão Noru.

img

Đường sắt tạm dừng chạy đôi tàu khách Thống Nhất do ảnh hưởng bão Noru. Ảnh: minh họa

Cụ thể, ngày mai (27/9), tạm dừng chạy chuyến tàu SE5 xuất phát tại ga Hà Nội và tạm dừng chạy chuyến tàu SE6 xuất phát ga Sài Gòn.

Tàu SP1 Hà Nội đi Lào Cai ngày 30/9/2022 cũng tạm dừng chạy; Hành khách đi tàu SP1 được điều chuyển sang tàu SP3 xuất phát đi Lào Cai cùng ngày.

Hành khách có vé đi tàu trong ngày tàu dừng chạy liên hệ trực tiếp nhà ga để được trả vé không mất phí.

Ngoài ra, đường sắt dừng chạy đôi tàu SE35/SE36 giữa Hà Nội - Vinh từ ngày 2/10/2022.

Trước đó, ứng phó với bão Noru, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các công trình ở khu vực hay có lũ đột xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.