Cả khu vực ĐBSCL mới có 40km cao tốc
Ngày 5/11, thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào, Sóc Trăng cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tới 80% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng TP HCM để xuất khẩu, nhưng đến nay mới có 40km đường cao tốc.
Giao thông ĐBSCL các tuyến trục dọc vẫn chưa được đầu tư, tạo thành những điểm nghẽn thường xuyên gây ùn tắc. Các tuyến trục ngang đã cơ bản hình thành nhưng quy mô và chất lượng đường chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải trong vùng.
Từ đó, đại biểu Đào kiến nghị sớm đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua 5 tỉnh, thành phố cực Nam của Tổ quốc là: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Bên cạnh đó, xây dựng tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề nhằm kết nối cảng nước sâu Trần Đề đến trung tâm TP Cần Thơ, đi qua các tỉnh, thành trong khu vực, kết nối với các trục dọc như QL1A, tuyến N1 và kết nối với cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu thuộc dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam.
“Khi hình thành các tuyến cao tốc sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa, góp phần phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt và nâng cấp hạ tầng du lịch khu vực ĐBSCL lên một tầm cao mới”, bà Đào đề xuất.
Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thanh Bình ( An Giang) cho rằng, ĐBSCL đang là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, có lợi thế bờ biển kéo dài, là vùng cửa ngõ quốc tế giao lưu với khu vực Đông Nam Á…Thế nhưng, ĐBSCL đang tụt hậu về kinh tế và trở thành gánh nặng cho ngân sách, GDP của vùng kém xa vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ.
Nguyên nhân của thực trạng này được ông Bình chỉ ra là do hệ thống giao thông vùng chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đại biểu đề xuất cần phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu và hệ thống giao thông gắn kết vùng để ĐBSCL sớm “cất cánh”.
Đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) cũng nêu quan điểm, vùng miền núi phía Bắc là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, giúp các địa phương phát huy lợi thế, phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của cả vùng.
Cần lựa chọn những dự án trọng tâm vùng
Đồng tình với quan điểm đầu tư hạ tầng giao thông là việc rất quan trọng, đi trước để tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội; giao thông chỉ có thể phát huy hiệu quả khi có tính kết nối, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đánh giá, chúng ta có đầy đủ các loại hình giao thông nhưng thời gian qua phát triển không đồng bộ dẫn tới hiệu quả của các loại hình chưa cao. Trong đó, tính kết nối vùng cũng chưa đạt hiệu quả cao.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, để tăng cường kết nối hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giữa các địa phương, vùng kinh tế trên cả nước, viện đã đề xuất với Bộ GTVT lập đề án Kết nối mạng giao thông của 4 vùng đó là: Đề án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề án kết nối giao thông các tỉnh khu vực Đông Nam bộ.
“Đây là tiền đề nghiên cứu, đề xuất giải quyết các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông cũng như định hướng phát triển sử dụng một phần trong nghiên cứu của 5 quy hoạch chuyên ngành mà Bộ GTVT đang chỉ đạo thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020”, ông Mười nói.
Theo ông Mười, các đề án cũng đề xuất ưu tiên lựa chọn và đầu tư công trình trọng điểm, cấp bách mang tính kết nối và là động lực lan toả cho cả vùng, quy mô phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực. Chú trọng phát triển chất lượng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc và đường nối cao tốc trên các tuyến hướng tâm, khai thác hiệu quả đường sắt, đường thuỷ và hàng không trong vùng, kết nối với các vùng khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận