Sửa Nghị định để điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định
Bộ Tư pháp có văn bản trả lời Bộ GTVT về việc điều chỉnh hình thức Nhà nước định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cụ thể, đối với vấn đề hình thức Nhà nước định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Bộ Tư pháp cho biết đây là vấn đề kinh tế - kỹ thuật (chuyển từ hình thức định giá cụ thể sang hình thức định giá tối đa) không thuộc chuyên môn của Bộ Tư pháp.
Từ đó, Bộ này đề nghị Bộ GTVT thực hiện theo đúng quy định pháp luật bao gồm Luật Giá năm 2012 và các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giá cũng như Nghị định 30/2023 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo Bộ Tư pháp, để thay đổi hình thức định giá dịch vụ xe cơ giới cần ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 149/2016.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.
Do Nghị định 149/2016 quy định hình thức định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là mức giá cụ thể nên trường hợp thay đổi hình thức định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, cần ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 149/2016 để đảm bảo phù hợp với quy định trên và thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cấp thiết điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới
Về vấn đề này, tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) chiều 24/7, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư, Cục ĐKVN cho biết thêm, dự kiến trong tuần này, Bộ Tài chính sẽ có văn bản trả lời chính thức Bộ GTVT.
Sau đó, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ chấp thuận hình thức điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trước khi ban hành Thông tư về giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.
Theo ông Bình, bằng nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục ĐKVN, hoạt động kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc đã ổn định trở lại, đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới vẫn rất cần thiết, là cơ sở để đảm bảo cho hoạt động kiểm định được ổn định lâu dài, để các đơn vị đăng kiểm duy trì hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu người dân, để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ đăng kiểm viên tiếp tục gắn bó với nghề.
Ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch đầu tư, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: Tạ Hải.
Ông Bình cho biết, theo quy định tại Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13, các biểu phí của dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải được chuyển sang hoạt động theo cơ chế giá theo quy định của Luật Giá kể từ 01/01/2017.
Trên cơ sở đề xuất của Cục (ĐKVN và Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã ký ban hành 6 thông tư liên quan đến hoạt động đăng kiểm, trong đó có Thông tư số 238/2016 quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối (ATKT & BVMT) với xe cơ giới đang lưu hành trên cơ sở mức thu của các biểu phí đăng kiểm đã được ban hành từ năm 2013.
Ngày 24/8/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2022 về việc bổ sung, sửa đổi Thông tư số 238/2016 nhưng chưa xem xét việc điều chỉnh tăng giá mà chỉ điều chỉnh bổ sung thêm mức giá dịch vụ kiểm định 10.000 đồng/xe để phục vụ cho công tác thu lệ phí cấp giấy chứng nhận.
Nói về phương án điều chỉnh giá, ông Bình cho biết, Cục ĐKVN đề xuất lựa chọn điều chỉnh giá căn cứ vào các yếu tố chi phí cấu thành lên giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới ban hành từ năm 2013 và đề xuất điều chỉnh mức tăng giá trên cơ sở lựa chọn những yếu tố chi phí có nhiều biến đổi. Theo đó mức tăng giá dao động từ 26-28% so với giá hiện hành, đồng thời, đây là mức giá tối đa.
Bên cạnh đó, Cục ĐKVN đề xuất bổ sung mức thu đối với dịch vụ mới phát sinh khi ban hành Thông tư số 02 và Thông tư số 08, bao gồm: Giá lập hồ sơ phương tiện (áp dụng đối với những phương tiện được miễn kiểm định lần đầu trên dây chuyền) và giá dịch vụ in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định.
Khi giá kiểm dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thay đổi trong 10 năm qua dù nhiều yếu tố cấu thành lên giá dịch vụ kiểm định đã biến đổi, đặc biệt là chi phí tiền lương, chi phí điện, nước và nhiều chi phí khác. Cùng với việc ban hành hai Thông tư 02/2023 và 08/2023 của Bộ GTVT trong đó, quy định miễn kiểm định đối với phương tiện đăng ký lần đầu và giãn chu kỳ đăng kiểm đối với xe không kinh doanh vận tải dưới 10 chỗ ngồi đã làm cho khối lượng công việc và doanh thu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới hiện nay chỉ đạt 60-70% so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều đơn vị hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
“Do đó, việc xem xét điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành là việc làm hết sức cần thiết”, ông Bình tiếp tục nhấn mạnh.
Về đề xuất thay đổi hình thức ban hành giá, ông Bình cho biết, dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, cũng không phải hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước (vì hiện nay, 2/3 các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới thuộc khối tư nhân) nên việc ấn định một mức giá dịch vụ cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới về nguyên tắc không còn phù hợp.
Do đó, khi Chính phủ gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Cục ĐKVN đã chủ động đề xuất với Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi Luật Giá theo hướng đưa giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành ra khỏi danh mục giá do Nhà nước định giá và chuyển sang cơ chế cho phép các đơn vị đăng kiểm tự kê khai giá, tạo sự chủ động cho các đơn vị đăng kiểm cũng như tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.
Phương án này đã được Bộ trưởng Bộ GTVT cũng như nhiều doanh nghiệp đăng kiểm ủng hộ. Tuy nhiên, khi Luật Giá được đưa ra Quốc hội thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh hoạt động đăng kiểm đang bị ùn tắc tại nhiều địa phương thì giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới vẫn phải do nhà nước định giá theo mức giá tối đa.
Khi Luật Giá (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19/6 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã quy định hình thức nhà nước định giá đối với dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới là nhà nước định giá tối đa.
Việc thay đổi từ hình thức nhà nước định giá cụ thể sang hình thức nhà nước định giá tối đa nhằm tăng cường tính tự chủ của các doanh nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, tăng tính cạnh tranh của thị trường, bảo vệ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Thế nhưng hiện nay Luật Giá (sửa đổi) chưa có hiệu lực, theo quy định của pháp luật về giá hiện hành, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ lại do Nhà nước định giá cụ thể. Vì vậy, để có thể sớm ban hành Thông tư điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo hình thức giá tối đa trong giai đoạn hiện nay thì vẫn cần phải có văn bản chấp thuận của Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận