Sáng 4/9, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Hiện đã kết quả xét nghiệm đối với 30 trường hợp cách ly theo dõi về bệnh bạc hầu. Theo đó, có 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu, 30 trường hợp còn lại âm tính. Hiện sức khỏe của 3 trường hợp dương tính bạch hầu tiến triển tốt và đang được theo dõi đặc biệt tại bệnh viện”.
Đối với 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu gồm: bệnh nhân H’ Diễm (sinh năm 2017), Si Zin (sinh năm 2008), H’ Yên (sinh năm 1985) hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bác sĩ Võ Minh Thành, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, hiện phía bệnh viện đang tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân dương tính với bệnh bạch hầu. Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đang diễn biến tốt và dần ổn định. Bệnh viện tiếp tục điều trị cách ly cho các bệnh nhân này đủ 14 ngày theo đúng quy định.
Theo ông Lào, trước đó, cháu H’Si Yan (5 tuổi, ngụ xã Ea H'dinh, huyện Cư M'gar) mắc bệnh bạch hầu rồi tử vong. Sau đó, ngành Y tế đã lập khu vực cách ly, phun hóa chất khử trùng và tiêm phòng và cho uống thuốc đặc trị cho hơn 1.000 trường hợp sống gần nhà bệnh nhân. Ngành y tế đang phối hợp với địa phương lập danh sách tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho khoảng 7.000 người từ 7 đến 45 tuổi tại buôn H’ring, nơi phát hiện dịch.
Trước đó, như Báo Giao thông đưa tin, vào khoảng 12h15 ngày 29/8, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân H’Si Yan (sinh năm 2013, trú buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở khò khè, họng có nhiều giả mạc trắng, bóc ra chảy máu. Đến 14h30 cùng ngày, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Đến 23h30 cùng ngày, bệnh nhân lên cơn khó thở, phản xạ kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4. Đến rạng sáng 30/8, bệnh nhân tử vong.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỉ lệ tử vong khoảng 5 - 10%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận