Chất lượng sống

Cặp vợ chồng chênh nhau 52 tuổi và đám cưới kéo dài... 28 ngày

27/10/2017, 07:45

Chục năm trước, đám cưới của bác sỹ Trọng 80 tuổi với cô học trò 28 tuổi gây xôn xao, hoài nghi dư luận.

12

Vợ chồng bác sỹ Trọng hạnh phúc cùng hai con

Lặng lẽ vun vén cho tổ ấm của mình, đến nay cặp vợ chồng “bố em ít hơn tuổi anh” đã chứng minh cho mọi người thấy, tình yêu bất chấp tuổi tác khi họ vẫn sống hạnh phúc cùng hai con “đủ nếp, đủ tẻ” được sinh ra khi người bố đã ở tuổi U90.

Người đàn ông kỳ lạ

Ngày 24/10, có mặt tại khu trang trại ngập cỏ, cây thuốc của bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng ở chân núi Tản Lĩnh (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội), chúng tôi thấy ông đang tất bật khám bệnh, bốc thuốc. Những khi bớt bệnh nhân, ông lại xăm xắn bước ra chỉ đạo đội thợ xây nhà, tự tay bê cả bao xi măng, xếp gọn những viên gạch. Nhìn vóc dáng khỏe mạnh, giọng nói sang sảng và nhịp độ làm việc nhanh gọn ấy, rất khó để tin, ông đã bước sang tuổi 90.

Chỉ tay vào vườn cây thuốc rộng lớn, ông Trọng bảo việc chính bây giờ của ông nghiên cứu cây thuốc, tiếp đón người bệnh. Ông vừa được giao làm Chủ tịch Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh, nên cứ cuối tuần, ông lại hát hò, tiếp rượu bạn thơ, bạn hát. Thỉnh thoảng, ông chở vợ con đi các tỉnh chơi; hoặc một mình phóng xe lên các vùng núi để tìm các cây thuốc hay, giao lưu và vận động hát dân ca, quan họ…

"Chồng tôi là trụ cột chính trong gia đình, anh ấy không chỉ giỏi làm kinh tế, bốc thuốc, mà còn am tường nhiều nhạc cụ, giỏi thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh. Vì vậy, hai đứa trẻ rất bám bố, thường được bố kể chuyện, dạy đàn, dạy vẽ. Cuộc sống của chúng tôi như bao gia đình khác thôi, vợ chồng con cái yêu thương, chăm sóc và bên nhau."

Chị Đinh Thị Bảy

Luôn sát cánh phụ chồng lúc thì bốc thuốc, lúc bê đỡ nguyên vật liệu, khi ân cần đưa chồng ly nước… là người vợ trẻ của ông Trọng, chị Đinh Thị Bảy (tên ở nhà là Thoan), năm nay mới 38 tuổi. Khác với chục năm trước, chị Thoan không còn gọi chồng là thầy, xưng em, mà hiện cặp vợ chồng lệch 52 tuổi ấy xưng hô thay cho con, gọi nhau là “bố”, “mẹ”. Nhìn cảnh hai vợ chồng líu ríu bên nhau, không khác gì những cặp vợ chồng son mới cưới.

Bác sỹ Trọng bảo, ông luôn sống quên bệnh tật, tuổi tác, hận thù, luôn nghĩ mình mới 30 tuổi và vẫn làm được mọi việc “như trai 30 tuổi vẫn làm”. “Vợ tôi trẻ, ngoan, có học, yêu chồng, nên khi cưới cô ấy, tôi vẫn nghĩ, mình phải làm được chồng, được cha tốt thì hãy cưới, không được để người ta khổ. Đến giờ, dù bản thân tôi vẫn đang khỏe mạnh, nhưng tôi vẫn nghĩ mình không thể đi hết cuộc đời cùng cô ấy và các con được. Tôi xây căn nhà mới khang trang để cô ấy và các con yên tâm về mọi mặt”, ông Trọng kể.

Bác sỹ Trọng theo học ngành Y từ những năm 1959-1960, ông đã từng là học trò của cố Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư Phạm Ngọc Thạch; học trò của Giáo sư, bác sỹ Hoàng Sử (Thầy thuốc của Nam phương Hoàng hậu); từng là Chủ nhiệm Khoa X quang Bệnh viện K Trung Ương... sau đó về công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học công nghệ). Về hưu, ông chuyên tâm nghiên cứu chữa bệnh từ cây thuốc nam. 

Nhưng sự nghiệp, tài kinh doanh của ông hanh thông bao nhiêu thì cuộc sống riêng tư lại trắc trở bấy nhiêu. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với người vợ “môn đăng hộ đối” ở Quảng Ninh không có tình yêu, do “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” nên sớm kết thúc khi chưa có người con chung nào. Bước sang tuổi 40, ông có cuộc hôn nhân thứ hai với người vợ kém 20 tuổi và có với nhau ba người con. Vì những hiểu nhầm và do tự ái của hai người quá lớn, họ chia tay nhau và ông đã chống chếnh một thời gian dài trước khi gặp người vợ thứ ba ở tuổi 67. Người vợ này khi đó mới 18 tuổi, được ông cứu thoát khỏi quán hát karaoke trá hình. Nhưng người phụ nữ này cũng chỉ gắn bó với ông ba năm thì bỏ đi cùng một khoản tiền lớn, để lại đứa con chung mới 2 tuổi.

“Khi đã trải qua ba cuộc hôn nhân với rất nhiều tổn thương, mất mát, tôi khép chặt lòng mình, định sống đơn côi đến cuối đời. Nhưng Thoan đã đến, thắp lên trong tôi ngọn lửa yêu đương”, bác sỹ Trọng trìu mến nhìn người vợ trẻ nói.

Tình yêu của người vợ trẻ

Nhiều người nhìn vào sự chênh lệch độ tuổi giữa hai vợ chồng thì luôn nghĩ bác sỹ Trọng là người theo đuổi, trói buộc người vợ trẻ ấy. Nhưng sự thật, chị Thoan mới chính là người “cảm nắng”, tỏ tình trước.

Vẻ bẽn lẽn, chị Thoan kể, khi chị đang học năm cuối Đại học Thái Nguyên thì thầy Trọng đến thỉnh giảng, nói chuyện trên giảng đường. Kiến thức uyên bác, con người hào hoa, phúc hậu ở thầy để lại ấn tượng sâu đậm với cô sinh viên quê Phú Thọ rụt rè ấy. Kết thúc buổi nói chuyện, chị nán lại, tiến đến bắt tay thầy để chào ra về và cảm nhận bàn tay thầy rất mềm, rất ấm, ánh mắt đôn hậu, hiền từ. “Vốn ít nói, nhút nhát, chả hiểu sao hôm đó tôi mạnh bạo xin số của thầy để xin học nghề thuốc”, chị Thoan khẽ cười, nhớ lại.

Được mệnh danh là “chân nhân núi Tản”, bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng đã nửa thế kỷ sống dưới chân núi Tản (Ba Vì) nghiên cứu bào chế các vị thuốc về vô sinh và chữa bệnh phòng the cho nam giới. Và phương thuốc của ông gần nửa thế kỷ nay đã giúp hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn có được hạnh phúc trọn vẹn.

Đồng ý tiếp nhận chị Thoan theo học nghề thuốc, bác sỹ Trọng đưa chị về trang trại thuốc ở chân núi Ba Vì này. Nhờ cần mẫn và hết lòng vì trang trại thuốc, chị Thoan được ông Trọng tin tưởng giao cho quản lý toàn bộ trang trại. Lúc đó, ông vẫn đang sống ở Hà Nội, chỉ ghé thăm trang trại vào dịp cuối tuần.

Một đợt lâu ông Trọng bận công chuyện không ghé thăm trang trại, chị Thoan thấy nhớ thầy cồn cào, bèn đánh bạo gọi điện nói: “Hôm nào thầy xuống em có việc quan trọng muốn thưa”. Ngày hôm sau, ông Trọng đến, tưởng cô học trò chỉ hỏi han về thuốc hay báo cáo gì về trang trại, nhưng ông bất ngờ khi chị Thoan nói: “Em muốn được làm vợ của thầy”. Hạnh phúc ngập tràn, ông bàn tính luôn với chị chuyện làm đám cưới. Tuy nhiên, mối tình của họ bị nhà gái phản đối kịch liệt.

“Cả nhà mắng tôi “lấy chồng 80 tuổi về để làm bố à, tuổi đó lấy vợ về chỉ để hầu hạ, cơm nước thôi chứ”. Nhưng tôi cứ nài nỉ mãi, sau nhiều lần, bố tôi đành chấp nhận có một buổi ra mắt, chứ cũng chưa cho phép điều gì xa hơn”, chị Thoan kể. 

Đám cưới kéo dài 28 ngày

Ngày ra mắt, gia đình chị Thoan ngạc nhiên thấy bác sỹ Trọng 80 tuổi nhưng phong độ, khỏe mạnh như tuổi trung niên. Lại thấy được sự đôn hậu, tử tế của ông Trọng và tình yêu đích thực của hai người, nên đồng ý cho làm đám cưới. Quá phấn khởi, bác sỹ Trọng đề nghị được cưới luôn trong ngày hôm sau và gia đình nhà vợ cũng đồng ý.

Sau một ngày tổ chức đám cưới ở quê vợ, ông Trọng và vợ dẫn nhau về Hà Nội. Trên đường đi, ông Trọng liên tục gọi điện báo hỷ và mời bạn bè, đồng nghiệp đến dự đám cưới của mình. Do nhận lời mời quá gấp gáp, bất ngờ, nên nhiều người báo không về được. Bác sỹ Trọng lập tức thông báo sẽ tổ chức đám cưới 28 ngày liên tục, ai đến được ngày nào tôi tiếp ngày đó. “Trong 28 ngày đó, cứ có khách đến là tôi và vợ lại mặc áo dài tiếp khách, tổ chức làm cơm đón khách. Chúng tôi đón tất cả 4.000 khách đến dự lễ cưới của mình. Đó chính là lý do vì sao đám cưới tôi lại dài nhất Việt Nam”, ông Trọng kể lại.

Hỏi vì sao quyết định lấy một người ở tuổi “cổ lai hy” làm chồng, chị cười khẽ bảo: “Chỉ là thấy thầy tài giỏi mà cô đơn quá, muốn sống cùng thầy, được chăm sóc thầy suốt đời. Lúc ấy, nhiều người cũng nói ra nói vào lắm, nhưng tôi chỉ nghĩ, không ai sống được thay mình”, chị Thoan tâm sự.

Ngay cả khi chị Thoan mang bầu, cũng chịu nhiều sức ép từ dư luận và chính người thân trong gia đình. Họ cho rằng em bé này không phải con của bác sỹ Trọng, bởi đàn ông ngoài 80 tuổi sao có thể sinh con. Nhưng rồi bé gái Kim Phúc ra đời xinh xắn, khỏe mạnh, càng lớn càng giống bố như đúc đã xóa tan những lời gièm pha ác ý. Vài năm sau, bé trai Hữu Đức chào đời trong niềm hân hoan tột độ của ông bố U90 cùng người vợ trẻ cũng như mọi người xung quanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.