Góc nhìn

Cấp vũ khí cho Ukraine: NATO bảo muốn, EU nói không

09/02/2015, 17:30

Hội nghị an ninh Munich có mặt của hơn 20 nguyên thủ, 60 Bộ trưởng bất đồng về việc cấp vũ khí cho Ukraine.

111

Cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ khiến tình hình càng trở nên mất kiểm soát

EU bất đồng

Hôm qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kêu gọi phương Tây ủng hộ thêm nữa, nhất là vũ khí để đối phó với phe ly khai đòi độc lập. Theo ông Poroshenko, đạn pháo vẫn tiếp tục được bắn ra và có vẻ như phe ly khai đang chuẩn bị cho một cuộc tiến công mới.

Đồng thời quân đội Ukraine cho biết, phe ly khai đang tập trung lực lượng xung quanh thị trấn chiến lược Debaltseve và ở Granitne nằm cách Mariupol khoảng 35 km về phía Tây Bắc, theo AP.

"Thật khó tưởng tượng tình hình sẽ trở nên như thế nào nếu quân đội Ukraine được trang bị thêm vũ khí sát thương. Về mặt quân sự, điều này sẽ không thể giúp chấm dứt cuộc xung đột. Vì thế, giải pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu”.

Bà Angela Merkel
Thủ tướng Đức

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, việc bơm vũ khí vào Ukraine không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở đây.

Trong khi đó, Tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove tuyên bố không loại trừ lựa chọn quân sự cho vấn đề Ukraine, đồng thời ám chỉ tới khả năng cung cấp vũ khí và trang bị quân sự cho Kiev hơn là điều quân tới nước này.

Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden thì nói sẽ "tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, Nga lên án cái mà ông gọi là “lời kêu gọi ngày càng nhiều ở phương Tây về việc cung cấp cho Ukraine đầy đủ vũ khí sát thương và cho nước này tham gia NATO".

Ông Lavrov cũng nêu rõ các biện pháp trừng phạt Moscow là “vô tác dụng” và ý định của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể đe dọa phá vỡ nỗ lực giải quyết hòa bình.

Quyền tự trị rộng hơn cho miền Đông

Hiện đề xuất hòa bình cho khu vực miền Đông do Tổng thống Pháp Francois Holland và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow hồi cuối tuần qua phải 2-3 ngày nữa mới biết được kết quả.

Tổng thống Pháp Hollande tiết lộ kế hoạch của Đức và Pháp về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng đề xuất một khu vực phi quân sự rộng từ 50-70 km và kêu gọi trao quyền tự trị rộng rãi hơn cho khu vực miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Putin rằng, Nga không muốn chiến tranh, muốn hợp tác với tất cả các bên; song đang tồn tại một âm mưu nhằm kìm hãm sự phát triển của Nga bằng nhiều biện pháp. Chiều tối qua, các nguyên thủ của Đức, Pháp, Ukraine và Nga có cuộc hội đàm qua điện thoại, song giới phân tích vẫn hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận.

Hôm nay, chắc chắn vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ được thảo luận giữa Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Đức tại Nhà Trắng. Nhưng giới quan sát cho rằng ông Obama khó lòng thuyết phục được bà Merkel. Bởi theo bà Merkel, nếu viện trợ vũ khí, dù ít hay nhiều, cũng dẫn tới nguy cơ phe ly khai được Nga tăng cường vũ khí. Cuộc xung đột không thể giải quyết được bằng quân sự mà phải tìm một giải pháp ngoại giao và châu Âu phải sử dụng thế mạnh của mình là sức ép về kinh tế.

Theo các nhà phân tích, hai vướng mắc chính khiến các cuộc đàm phán về Ukraine bế tắc chính là lập trường cứng rắn của Nga bất chấp mọi sức ép và sự ngoan cố của Mỹ. Vì thế, vai trò của EU sẽ mang tính quyết định trong việc thay đổi tình thế, cũng như việc cân bằng lợi ích các bên.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, giao tranh ở Ukraine đã giết chết gần 5.400 người kể từ tháng 4/2014, khi quân ly khai giành quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Luhansk và Donetsk sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.