Sự chuyển dịch khỏi Trung Quốc
Mới đây, đại diện của CapitaLand Investment cho biết doanh nghiệp dự kiến đầu tư thêm 100-150 triệu đô la Singapore (tương đương 73-110 triệu USD) tại Việt Nam trong 2 năm tới.
Theo CapitaLand Investment, nhiều doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đang cân nhắc việc chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất mới. Đồng thời, các nhà sản xuất điện tử, bao gồm những công ty từ Hàn Quốc, cũng đang xem xét mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Để đón đầu xu hướng này, CapitaLand Investment đang tích cực tìm kiếm và mua lại đất để xây dựng các nhà xưởng mới, hoặc mua lại cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện có để bổ sung vào danh mục đầu tư tại Việt Nam.
CapitaLand Investment hiện đang thảo luận với các nhà sản xuất Trung Quốc về việc thiết lập các nhà máy mới tại Việt Nam. Mục tiêu của hoạt động này là tăng cường cơ sở khách thuê tiềm năng cho các bất động sản công nghiệp tương lai của công ty.
Doanh nghiệp đã xây dựng một mạng lưới khách hàng tiềm năng mạnh mẽ tại Trung Quốc, nơi họ sở hữu và quản lý 6 khu logistics cùng 11 khu công nghiệp, phục vụ hơn 7.000 khách thuê và đối tác.
Kế hoạch mở rộng sang Việt Nam diễn ra trong bối cảnh CapitaLand Investment đang gặp nhiều thách thức tại thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, lợi nhuận của công ty đã giảm hơn 79%, còn 181 triệu đô la Singapore (khoảng 133 triệu USD), chủ yếu do suy giảm giá trị tài sản và giá thuê.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của CapitaLand Investment đạt khoảng 98,6 tỷ USD, với 34% từ Trung Quốc và 41% từ Đông Nam Á.
Chân dung nhà đầu tư bất động sản Singapore
CapitaLand Group là một trong những tập đoàn bất động sản đa dạng lớn nhất châu Á với trụ sở chính tại Singapore. CapitaLand sở hữu danh mục mở rộng đa dạng bao gồm các dự án phức hợp, khu bán lẻ, khu phức hợp văn phòng thương mại, dịch vụ lưu trú, khu dân cư và nhà ở, khu thương mại, khối tài sản hậu cần, khu công nghiệp và trung tâm dữ liệu.
Hiện diện trên hơn 260 thành phố và 40 quốc gia, với hai thị trường chính là Singapore và Trung Quốc, tập đoàn đã và đang tiếp tục mở rộng sang các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Việt Nam, Úc, châu Âu và Mỹ.
CapitaLand sở hữu một trong những hoạt động quản lý đầu tư bất động sản toàn cầu lớn nhất, quản lý 6 quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REITs) niêm yết và các quỹ tín thác kinh doanh cũng như hơn 20 quỹ tư nhân.
CapitaLand giới thiệu quỹ tín thác đầu tư REIT đầu tiên tại Singapore vào năm 2002 và cho đến nay đã mở rộng ra các quỹ tín thác khác bao gồm CapitaLand Integrated Commercial Trust, Ascendas Real Estate Investment Trust, Ascott Residence Trust, CapitaLand China Trust, Ascendas India Trust và CapitaLand Malaysia Mall Trust.
CapitaLand mở rộng quy mô quản lý đầu tư bất động sản thông qua CapitaLand Investment, và nhánh phát triển bất động sản được tư nhân hóa là CapitaLand Development.
CapitaLand Development (CLD) có danh mục đầu tư trị giá 21,6 tỷ đô la Singapore tính đến cuối tháng 3/2024. Tập trung vào ba thị trường cốt lõi là Singapore, Trung Quốc và Việt Nam, CLD đã đầu tư vào các dự án tích hợp, khu bán lẻ, khu tích hợp văn phòng, khu dân cư và nhà ở, khu thương mại, khu công nghiệp, các khối hậu cần và trung tâm dữ liệu.
Danh mục đầu tư của CLD tại Việt Nam bao gồm 1 khu bán lẻ, 1 dự án mô hình SOHO, 2 dự án phức hợp và khoảng 16.000 căn hộ tại 17 dự án nhà ở.
Tại Việt Nam, CapitaLand đang có tổng cộng 55 bất động sản trên 16 thành phố của cả nước, chủ yếu tập trung ở những khu vực trọng điểm như Hà Nội và các tỉnh lân cận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phan Thiết, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Một số dự án tiêu biểu tại TP.HCM và Hà Nội của CapitaLand là: Kris Vue, The Krista, The Vista, Seasons Avenue, Vista Verde, PARCSpring, Feliz en Vista, D1Mension, d'Edge Thao Dien, D2eight, De La Sol, Heritage West Lake, Define, Zenity.
(Còn tiếp)
Bài 2: Những thương vụ kín tiếng của CapitaLand tại Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận