Tạm giữ, phong tỏa hàng nghìn tỷ
Trong kết luận điều tra (giai đoạn 2) vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cục C03 Bộ Công an xác định, bà Trương Mỹ Lan có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc là chủ mưu trong việc rửa tiền với hơn 445.747 tỷ đồng. Trong đó, trên 415.000 tỷ đồng có nguồn gốc do hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và 30.081 tỷ đồng có được từ hành vi lừa đảo nêu trên.
Ngoài đề nghị truy tố bà Lan và 33 bị can, cơ quan điều tra cũng kê biên, phong tỏa, thu giữ, tạm giữ nhiều tài sản liên quan đến các bị can để đảm bảo thi hành án.
Theo đó, Cục C03 thu giữ tổng số tiền hơn 224 tỷ đồng; ra lệnh phong tỏa 79 tài khoản của các bị can với tổng cộng trên 92 tỷ và 1.653 USD. Đồng thời, ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị can, người liên quan và pháp nhân liên quan với tổng số tiền hơn 824 tỷ và gần 262.000 USD.
Cơ quan điều tra cũng kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan cùng các bị can khác và cá nhân có liên quan, với tổng giá trị quy đổi là hơn 12.300 tỷ đồng.
Trong số này, hàng loạt cổ phần và phần vốn góp của bà Lan tại nhiều doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Twin Peaks, Công ty Cổ phần Sài Gòn Helios, Công ty liên doanh Vietcombank - Bonday - Bến Thành, Công ty CP Đầu tư Hợp Thành 1, Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam, Công ty CP Dược phẩm Đông Dược 5, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông...
Bên cạnh đó, hàng loạt bất động sản liên quan bà Lan và các bị can cũng bị nhà chức trách ra lệnh kê biên. Trong đó có nhiều bất động sản tại các khu đất vàng, khu vực trung tâm, giáp sân bay ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội.
Vạn Thịnh Phát nộp khắc phục bao nhiêu tiền?
Ở giai đoạn 2 vụ án, Cục C03 tiếp tục ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng đối với các tài sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, chuyển hồ sơ tài liệu cùng các thông tin, kết quả xác minh các tài sản đã thu giữ, có liên quan đến bị can để tòa án nhân dân xem xét, giải quyết trong vụ án.
Mới đây, ngày 22/5, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vừa có văn bản về việc đề xuất phương án xử lý, khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của các công ty liên quan đến tập đoàn. Tổng giá trị các gói này tương đương hơn 1.015 tỷ đồng.
Trong đó, Vạn Thịnh Phát cùng 13 công ty liên quan cam kết tự nguyện nộp khắc phục hậu quả với số tiền hơn 519 tỷ đồng, nộp/chuyển trực tiếp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Đối với các tài khoản của các công ty đang bị ngăn chặn giao dịch, tập đoàn đề xuất sử dụng toàn bộ số tiền đang bị ngăn chặn (hơn 290 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả cho vụ án. Với Công ty Cổ phần Bông Sen và Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc đang có nghĩa vụ nợ trái phiếu có tài sản đảm bảo đang lưu hành, Vạn Thịnh Phát đang tìm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo để tạo nguồn thu hoàn trả nghĩa vụ nợ trái phiếu.
Đồng thời, doanh nghiệp cam kết sử dụng số tiền gần 70 tỷ đồng của Công ty Bông Sen và hơn 133 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc dùng để khắc phục cho các trái chủ sở hữu trái phiếu của 2 công ty này.
Đến ngày 27/5, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản cập nhật tiến độ nộp tiền khắc phục hậu quả. Qua kiểm tra chứng từ, cơ quan chức năng xác định các công ty trực thuộc đã hoàn tất chuyển hơn 221 tỷ vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Đối với số tiền hơn 291 tỷ đồng trong các tài khoản được tập đoàn này và các công ty tự nguyện xin sử dụng để khắc phục hậu quả, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an duy trì việc ngăn chặn tài khoản và thống kê, chuyển tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận