Chuyện dọc đường

Cắt que xét nghiệm và nỗi đau mang án HIV

13/12/2019, 06:47

Sự việc cắt đôi que thử HIV, viêm gan B ở Bệnh viện Saint Paul dẫn đến nguy cơ sai lệch kết quả xét nghiệm, âm tính thành dương và ngược lại.

img
Bệnh viện Đa khoa Saint Paul tổ chức họp báo nhưng không đưa ra được thông tin gì

Gần chục năm qua, anh Lê Mạnh Linh (40 tuổi, ở Ninh Bình) phải sống trong sự mặc cảm trước sự kỳ thị khắc nghiệt của dân làng bởi “bản án” oan mang tên HIV/AIDS!

Cuộc đời anh Linh cũng rẽ sang một ngả khác, kể từ khi xuất hiện thông tin anh nhiễm HIV năm 2011. Anh đi xin việc nhưng chẳng nơi nào nhận. Xin đi làm phụ hồ bị từ chối, chuyển sang buôn bán lặt vặt cũng không thành, vì chẳng ai dám mua hàng. Thậm chí, trong làng có cưới xin chẳng mấy ai mời anh. Cũng vì tin đồn ác nghiệt, vợ anh không chịu được đã ly hôn.

Dù trong suốt chục năm đó, anh Linh đã 4 lần đi xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với HIV, nhưng sự dè bỉu vẫn còn đó.

Mãi tới năm 2018, anh Linh mới tình cờ phát hiện “bản án” oan của anh xuất phát từ thông báo danh sách những người nhiễm HIV được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Ninh Bình gửi Trạm y tế phường anh sinh sống. Trong danh sách đó, tên anh Linh đính kèm kết quả xét nghiệm HIV dương tính (+).

Sau khi xét nghệm một lần nữa, kết quả khẳng định không nhiễm HIV, anh Linh mới tìm đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình và được giải thích: Mẫu máu dương tính mang tên tuổi, giới tính, địa chỉ của anh là do Bệnh viện (BV) Lao và bệnh phổi chuyển sang. Tuy nhiên, bệnh án của anh Linh ở BV Lao và bệnh phổi thì không có kết luận anh bị nhiễm HIV!

Song cho đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gián tiếp đẩy cuộc đời anh Linh trải qua gần 10 năm khốn khó, khổ sở.

Anh Linh chỉ là một trong rất nhiều người bị thay đổi cả cuộc đời, số phận vì “bản án oan” mang tên HIV/AIDS. Nhiều người trong số này, cũng như anh Linh, bị oan mà không biết từ đâu, kêu ai, làm thế nào để lấy lại cuộc đời, số phận đã bị “đánh cắp”.

Câu chuyện này cần được nhắc lại khi sự việc cắt đôi que thử HIV, viêm gan B ở Bệnh viện Saint Paul Hà Nội vỡ lở.

Rất có thể, một số bệnh nhân đi xét nghiệm HIV, viêm gan B tại BV Saint Paul Hà Nội thời gian qua, cũng bị thay đổi cả cuộc đời, số phận như anh Linh, vì sự gian dối này.

Điều tra của VTV24 cho thấy, một số nhân viên BV đã cắt đôi que thử để thực hiện mẫu xét nghiệm hoặc trộn 4 mẫu máu làm xét nghiệm bằng kỹ thuật Elisa. Các chuyên gia y tế đều cho rằng, sự gian dối này sẽ dẫn đến nguy cơ sai lệch kết quả xét nghiệm, âm tính thành dương và ngược lại.

Ở trường hợp ngược lại (âm tính giả), hệ lụy của nó cũng khôn lường. Theo đó, rất có thể có những bệnh nhân nhiễm HIV hoặc viêm gan B đã bị bỏ lọt. Họ không chỉ mất đi cơ hội điều trị kịp thời, mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho người thân hay cộng đồng.

Tôi không thể không tự hỏi, có bao nhiêu trường hợp đã làm xét nghiệm tại BV Saint Paul bị sai lệch kết quả do hành vi gian dối tại đây? Và hệ lụy với những trường hợp đó, nếu có, ai phải chịu trách nhiệm?

Thật khó tin khi nói rằng, những nhân viên y tế không biết đến những hậu quả nghiêm trọng từ hành vi gian dối của họ. Nhưng họ vẫn có thể nhắm mắt “ăn của dân không từ thứ gì”! Và đồng tiền kiếm từ đó, chỉ có thể gọi là đồng tiền xương máu!

Phẫn nộ đi kèm băn khoăn khi đặt câu hỏi: Ai, bộ phận nào đã buông lỏng quản lý để sự việc đó xảy ra cho đến khi được báo chí phát hiện?

Phản ứng của lãnh đạo BV như họp báo chớp nhoáng, trả lời ngụy biện… khiến người dân càng thêm lo lắng. Bởi, khi nào sai phạm nghiêm trọng như tại BV Saint Paul còn bị xem nhẹ, thì sức khỏe, tính mạng của người dân khó mà được coi trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.