Bãi cát trái phép ven bờ sông Hồng tại (xóm Bãi, thôn Đại Mạch) (ảnh lớn). Cát tặc vẫn hoành hành giữa ban ngày tại đây (ảnh nhỏ cắt từ clip) |
Dân hoang mang
Thôn Mai Châu, xã Đại Mạch có khoảng 60% diện tích đất dùng nuôi tôm, cá và trồng hoa màu. Dọc hai bờ sông Hồng (đoạn qua thôn) là những ruộng chuối xanh mướt.
Tuy nhiên, hàng ngày, người dân xóm Bãi luôn phải nơm nớp lo và canh chừng những chiếc tàu, thuyền máy nổ sùng sục hút cát gây nên vấn nạn sạt lở bờ sông có thể cuốn phăng bãi bồi và nhà cửa của họ bất cứ lúc nào. Ông Trần Văn Dưa (xóm Bãi, thôn Đại Mạch) bức xúc: “Mấy năm gần đây, cát tặc ngang nhiên cho tàu, thuyền vào hoạt động suốt ngày đêm mà cơ quan chức năng địa phương không dẹp nổi. Bà con đã nhiều lần làm đơn phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng họ làm ngơ, cát tặc hút hết chỗ này đổi sang chỗ khác”.
Khoảng 17h ngày 1/11, PV Báo Giao thông đã có mặt tại khu gần đê xóm Bãi 30 phút sau, một chiếc thuyền chở khoảng bốn - năm người đàn ông xuôi về giữa sông thuộc địa phận thôn Mai Châu, khi đến xóm Bãi, nhóm người này hối hả chuẩn bị dụng cụ hút cát và nhanh chóng hạ hai vòi hút xuống lòng sông. Chừng khoảng 15 phút sau có thêm một chiếc thuyền lớn khác xuất hiện cũng hạ xuống bốn vòi sục ở hai bên mạn thuyền để hút cát với khối lượng lớn. Việc hút trộm cát này diễn ra trong vòng 40 phút trước sự chứng kiến của nhiều người dân đứng ở hai ven bờ. Một người dân phản đối: “Các anh hút làm bờ sạt lở hết rồi”, thì bị một thanh niên quát vọng lên: “Đ.M, liên quan gì đến nhà ông, biến đi”!
Cùng lúc cát tặc đang lộng hành, ở phía bên kia bờ sông, chủ bãi vẫn vô tư bán cát, dòng xe tải lũ lượt vào ăn hàng và chạy đi công nhiên như chẳng hề có chuyện gì.
Theo quan sát của PV, gần 300 m ven bờ sông Hồng đoạn qua khu vực xóm Bãi đã bị cát tặc chiếm lĩnh, thậm chí còn ăn sâu vào nội đồng gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng phần diện tích đất canh tác của một số hộ dân và ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sản xuất trong khu vực vườn chuối của người dân khi mùa nước lên.
Cạnh bến bãi trái phép luôn có từ 2-3 tàu, thuyền neo đậu cung cấp cát. Những chiếc máy xúc, máy ủi làm việc hết công suất. Theo người dân địa phương, những hoạt động kể trên diễn ra từ nhiều năm nay, gây bức xúc dư luận vì gây sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân và đê điều nhưng không hiểu sao các cấp chính quyền vẫn không xử lý.
Chính quyền phớt lờ
Trao đổi với PV ngày 3/11, ông Bùi Quang Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Đại Mạch thừa nhận, việc khai thác cát trái phép đã diễn ra từ lâu và hiện đã giảm. Tháng 3/2014, UBND xã Đại Mạch và UBND huyện Đông Anh cùng với lực lượng cảnh sát đường thủy đã ra quân xử lý tình trạng trên nhưng nay vẫn còn lác đác một số cát tặc và hộ kinh doanh cát trái phép ven bờ lợi dụng lúc chính quyền, lực lượng chức năng địa phương không để ý vẫn cố tình hút cát và buôn bán.
Về công tác quản lý địa bàn và xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, ông Tuấn “đá quả bóng” trách nhiệm cho các cơ quan chức năng huyện Đông Anh và lực lượng cảnh sát.
Ông Tuấn cho biết, UBND xã chỉ có chức năng tuần tra, kiểm tra và quyền hạn xử phạt đối với tàu, thuyền hút cát và hộ kinh doanh ở mức cao nhất là 5 triệu đồng nên có thể vẫn chưa có tính răn đe. Hiện tại các bãi cát ven sông đã ngừng hẳn việc bán cát, không còn chiếc xe tải nào vào mua nữa. Để ngăn chặn triệt để tình trạng trên cần phải có sự tham gia đồng bộ của cấp trên và cơ quan liên ngành.
Lý giải về những thông tin, hình ảnh cát tặc và bãi cát trái phép ngang nhiên hoạt động do PV Báo Giao thông ghi lại được, ông Tuấn tỏ ra ngạc nhiên: “Trường hợp này chúng tôi chưa nắm được, chắc họ lợi dụng hết giờ làm việc hành chính đã tranh thủ làm liều (?!)”, ông Tuấn nói.
Còn khi PV đặt vấn đề, có hay không việc chính quyền “bảo kê” cho cát tặc lộng hành? Lãnh đạo UBND xã Đại Mạch đã từ chối trả lời.
Hữu Tuấn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận