Chiều 6/7, nhiều tàu cuốc vẫn ngang nhiên hút cát trên sông Hồng qua địa bàn xã Cẩm Đình |
Bức xúc không biết kêu ai
Sáng 5/7, bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ động chia sẻ với báo chí clip ghi lại cảnh các tàu cát tặc lộng hành tại địa bàn huyện Phúc Thọ. Đây là clip được Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn gửi qua điện thoại cho ông Chung. Ông Chung sau đó cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra xác minh.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vì đây là địa bàn giáp ranh giữa 3 địa phương Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ nên tình hình khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp. Dù UBND TP Hà Nội, Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã có ký kết về việc trao đổi và phối hợp đấu tranh ngăn chặn khai thác cát trái phép tại khu vực này, nhưng trước tình hình phức tạp như hiện nay, ông Chung cho biết trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phối hợp giữa các tỉnh để đôn đốc các cơ quan chức năng làm tốt hơn nhiệm vụ này. |
Tuy nhiên, đến ngày 6/7, có mặt tại bờ đập thôn Cựu Đình, xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, PV Báo Giao thông ghi nhận vẫn có 3 tàu cuốc khổng lồ đang nổ máy ngang nhiên hút cát dưới lòng sông Hồng mà không hề có bất kì lực lượng nào tới kiểm tra xử lý. Lúc này, có hàng trăm người dân trong thôn đứng trên bờ đập quay video, bàn tán và bày tỏ bức xúc. Ông Đỗ Văn Nhự (77 tuổi, ở cụm 1, thôn Cựu Đình) cho biết: “Khoảng 3 tháng trở lại đây, tình trạng các tàu cát tặc tụ tập hoạt động một cách ngang nhiên, hút cát suốt từ 4h sáng cho tới 20h hàng ngày. Hút từ tàu cuốc lên, họ sang cát bán luôn trên sông”. Theo ông Nhự, với tốc độ hoạt động như thời gian qua, chẳng mấy nữa mà nhà cửa, đất đai của người dân trong thôn cũng sụt lở theo dòng nước.
Ông Lê Hữu Hồng, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Cẩm Đình cũng tỏ ra bức xúc không kém: “Có thể gọi nạn cát tặc cũng giống như “giặc” vậy, hiện đang hoành hành tại xã Cẩm Đình. Nhà nước mới xây dựng tuyến kè, đập thì đến bây giờ chân kè đã bị hở hàm ếch, trong khi mùa mưa đã đến gần. Các tàu cát tặc tập trung ở đây hút cát không chỉ trên bề mặt lòng sông, mà chủ yếu cắm gầu thục xuống hút cát vàng dưới đáy sâu khoảng 25 - 30 m. Mấy hôm trước, ở đoạn tuyến sông này có đến cả trăm tàu cuốc. Có thể họ thấy “động” nên hôm nay chỉ còn lại vài tàu”.
Còn bà Nguyễn Thị Vẽ (72 tuổi), nhà sát bờ sông phản ánh: “Hàng ngày chứng kiến cảnh đó mà chúng tôi không biết kêu ai, vì chẳng thấy lực lượng nào ra xử lý, bắt giữ cả. Hôm rồi hàng chục hộ đã kéo nhau lên gặp chủ tịch huyện và đề nghị huyện cần phải vào cuộc dẹp bỏ để người dân yên tâm”.
Chính quyền “bó tay”?
Theo ông Lê Hữu Hồng, chứng kiến cảnh cát tặc ngang nhiên lộng hành, trực tiếp ông đã nhiều lần điện thoại báo cho lực lượng cảnh sát đường thuỷ biết để xử lý. “Khi tàu cảnh sát đường thuỷ đến cũng chỉ chạy lòng vòng bắt mấy cái sà lan, thuyền nhỏ còn tàu cuốc thì không bị xử lý. Khi họ về thì “đâu lại vào đấy”, ông Hồng ngao ngán.
Được biết, ngay cả khi chủ tịch UBND, công an xã Cẩm Đình xuống hiện trường nhận được tin báo của người dân thì cũng... chỉ đứng nhìn mà không làm gì được. Một lãnh đạo công an xã Cẩm Đình phân trần, rất khó xử lý dù biết sự việc diễn ra hàng ngày. Bởi lẽ, địa phương không đủ thẩm quyền, trong khi phương tiện, thiết bị không có nên cũng chỉ biết làm báo cáo gửi công an huyện về thực trạng nạn cát tặc hoạt động trên địa bàn.
Làm việc với PV, ông Đặng Đình Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phúc Thọ khẳng định, huyện cũng như thành phố không hề cấp phép cho bất kì một đơn vị hay doanh nghiệp nào khai thác cát trên sông qua địa bàn huyện. “Những tàu cuốc, xà lan, thuyền hút cát trên đoạn sông qua xã Cẩm Đình là vi phạm nghiêm trọng. UBND huyện cũng đã nắm được và đã có văn bản gửi công an huyện tiến hành xử lý”, ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Công an huyện Phúc Thọ thừa nhận, tình trạng cát tặc hoạt động trên địa bàn rất phức tạp. Ngay cả khi nhận được tin báo từ cơ sở, công an huyện cho tổ công tác xuống kiểm tra, bắt giữ thì đều bị “chim lợn” bám đuôi. Khi công an huyện xuống tới địa bàn, họ không hoạt động nhưng khi không có công an thì “đâu lại vào đấy”.
“Các đối tượng cát tặc hoạt động tinh vi, trang bị đầu máy nổ phục vụ hút cát có công suất lớn, làm rất nhanh, chỉ trong vòng 30-45 phút là hút xong một sà lan hoặc một thuyền cát và khi công an huyện đến nơi thì tất cả đã rút đi. Chỉ cần công an đi xuồng máy trên sông là các đối tượng cát tặc đã biết. Vì vậy, để xử lý, cảnh sát phải hoá trang thuê tàu, thuyền của dân vạn chài, thuyền hàng của tỉnh bạn đi qua, các đối tượng cát tặc không phát hiện công an thì mới bắt được. Tuy nhiên, do sợ các đối tượng cát tặc trả thù nên nhiều chủ tàu không muốn phối hợp”, vị lãnh đạo công an huyện nêu thực tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận