Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Trà Khúc ở huyện Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi trở thành "điểm nóng" thời gian qua nhưng chưa được xử lý, ngăn chặn triệt để, khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực quản lý, đảm bảo thực thi pháp luật của cơ quan chức năng, địa phương.
Luật rừng cát tặc "đánh bay" mỏ hợp pháp
Trao đổi PV, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ngãi cho hay, các bãi khai thác cát trái phép trên địa bàn thôn Trường Xuân (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh - Báo Giao thông đang phản ánh) từng nằm trong phạm vi mỏ cát được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng 240 vào tháng 7/2013, với quy mô 6,5 héc ta, với trữ lượng khai thác hơn 39.000 m3/năm.
Năm 2013, sau khi trúng đấu giá, Công ty TNHH Xây dựng 240 đã thực hiện nộp ngân sách Nhà nước 1,52 tỷ đồng và được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép khai thác mỏ. Nhưng khi triển khai, các hộ dân sống gần khu vực khai thác ngăn cản không cho Công ty TNHH Xây dựng 240 khai thác.
Chính quyền và các sở, ban, ngành địa phương nhiều lần tổ chức đối thoại với các hộ dân, ra quân xử lý tình trạng ngăn cản không cho đơn vị này khai thác cát. Tuy nhiên, kể từ khi được cấp phép đến khi giấy phép hết thời hạn, Công ty TNHH Xây dựng 240 vẫn không tiến hành triển khai dự án khai thác cát, buộc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi phải hoàn trả lại số tiền mà đơn vị này đã nộp vào ngân sách địa phương.
Theo đó, nhà nước không chỉ thất thu 1,52 tỷ đồng, mà mỗi năm tiếp tục bị mất hàng trăm triệu đồng thuế, phí tài nguyên. Cụ thể, căn cứ mức thuế phí khoáng sản tháng 8/2013, 1m3 cát quy định tính thuế tài nguyên là 40.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 10%...
Thất thu thuế, phí do mỏ bị ngăn cản hoạt động. Nhưng nạn cát tặc vẫn ngày đêm lộng hành, rút ruột tài nguyên trắng trợn. Theo Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi, chỉ riêng trữ lượng mỏ như của công ty 240 nếu được khai thác, áp theo tiền thuế năm 2021 (đối với cát vàng xây dựng được tính 15% khối lượng 39.000m3 x 105.000/1m3), thì số tiền thuế thu ngân sách mỗi năm khoảng hơn 600 triệu đồng.
Đáng lo ngại, không bị quản lý như điểm mỏ nên nạn cát tặc bành trướng, khai thác rầm rộ, khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngân sách nhà nước cũng thất thu hàng năm, nhưng kiểu "của chung không ai xót", chính quyền bất lực quản lý?
Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải đủ tải trọng vào, ra vận chuyển, mua bán cát khai thác trái phép ở khu vực sông Trà Khúc
Thất thoát tài nguyên, hụt thu ngân sách
Bà Đặng Thị Lai Thành, Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra số 1, Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi cho hay, đơn giá mà tỉnh quy định để tính thuế đối với cát vàng là 105 ngàn đồng/1m3, thực tế thị trường có giá cao hơn rất nhiều. Việc tính thuế trên cơ sở các đơn vị mỏ tự kê khai. Đặc biệt, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều nơi, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhưng chưa được chấn chỉnh, xử lý dứt điểm làm "chảy máu", thất thoát tài nguyên khoáng sản, mà còn gây thất thu nguồn thuế, phí cho ngân sách nhà nước.
Cũng theo bà Thành, thời gian qua, Cục thuế tỉnh có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị, chính quyền địa phương có giải pháp hữu hiệu trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, xác định khối lượng khoáng sản khai thác, buôn bán và trữ lượng khoáng sản thực tế tại mỏ. Tuy nhiên, những vấn đề này gần như chưa được thực hiện hiệu quả.
Theo Sở TN&MT Quảng Ngãi, việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Sở này đã có nhiều văn bản đề nghị chính quyền, lực lượng chức năng vào cuộc xử lý, nhưng hiện vấn nạn tình này vẫn diễn ra. Điểm nóng là tại khu vực sông Trà Khúc thuộc địa bàn huyện Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi.
Theo Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi, trong 2 năm 2019 và 2020, tổng số tiền thuế phí mà tỉnh Quảng Ngãi thu được từ tài nguyên cát trên địa bàn là hơn 35,6 tỷ đồng. Trong đó, thuế tài nguyên cát là hơn 28,4 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường cát là gần 7,2 tỷ đồng. Nhưng trên cơ sở các đơn vị khai thác tự kê khai.
Đại diện Sở TN&MT Quảng Ngãi cho hay, qua theo dõi thực tế, mỗi ngày những đối tượng khai thác cát trái phép ở khu vực xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh) và Tịnh Ấn Tây (thành phố Quảng Ngãi) "bỏ túi" hàng chục triệu đồng mà không hề phải đóng một khoản thuế phí nào cho ngân sách địa phương. Trong khi, giá 1m3 cát khai thác trái phép có giá bán 120-140 ngàn đồng, ngang ngửa, thậm chí cao hơn giá cát bán tại các mỏ khai thác cát được cấp phép.
Vấn nạn này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, mà còn gây bất ổn, sự cạnh tranh không lành mạnh cho thị trường mua bán cát xây dựng, ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp, đơn vị chủ mỏ khoáng sản cát sỏi trên địa bàn.
>> Video cận cảnh khai thác cát trái phép diễn ra ngang nhiên, thách thức chính quyền, lực lượng chức năng ở huyện Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi:
Báo Giao thông vừa đăng loạt tin, bài phản ánh việc khai thác cát trái phép lòng sông Trà Khúc từ xã Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi) và xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh) diễn ra rầm rộ, trở thành "điểm nóng cát tặc" của tỉnh Quảng Ngãi, lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, xử lý nhưng vấn nạn cát tặc vẫn diễn ra ngang nhiên cả ngày lẫn đêm.
Sau khi Báo Giao thông có bài viết phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, các đơn vị liên quan khẩn trương chấn chỉnh, xử lý.
Trực tiếp đến các bãi khai thác cát trái phép, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh chỉ đạo chính quyền xã Tịnh Hà, các lực lượng công an, dân phòng tăng cường công tác kiểm tra, chốt gác, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép, ngăn chặn không cho phương tiện vào ra khu vực bãi cát.
"UBND huyện Sơn Tịnh đã tính toán để triển khai xây dựng tuyến đường bê tông dẫn vào khu vực các bãi cát này và tiến hành gắn biển báo cấm tải trọng xe, cấm các loại xe tải lưu thông trên đoạn đường trong khu vực dân cư, nhằm ngăn chặn xe tải vào ra vận chuyển cát khai thác trái phép", ông Cường thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận