Khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, học sinh bắt đầu trở lại trường học, có một cậu bé 13 tuổi được bố mẹ dẫn tới Bệnh viện Mắt Aier Quảng Châu, trực thuộc Đại học Tế Nam, Trung Quốc khám trong tình trạng mắt bị khô, khó chịu suốt 1 tháng nay.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện cậu bé bị bệnh khô mắt. Khi nghe chẩn đoán này, bố mẹ cậu bé vừa thắc mắc vừa cảm thấy khó hiểu: “Một đứa trẻ 13 tuổi làm sao có thể mắc bệnh này?”
Bệnh khô mắt không còn xuất hiện ở mỗi người lớn
Trước câu hỏi này, bác sĩ Trương Tái Tái tại đây nói rằng: “Khô mắt là một bệnh đa yếu tố, có nhiều nguyên nhân gây ra. Các triệu chứng thường xuất hiện bao gồm khô mắt, mỏi mắt, cảm giác có dị vật trong mắt, sợ ánh sáng, sợ gió, ngứa ran, đỏ mắt, nóng rát, đau nhức, thị lực dao dộng, tầm nhìn mờ… Nếu thấy xuất hiện cùng lúc các triệu chứng này, cần cảnh giác bệnh khô mắt xuất hiện”.
Trong khi hầu hết các bậc phụ huynh cho rằng, bệnh khô mắt chỉ xuất hiện ở người lớn và người già, thì nay trẻ em cũng có thể bị.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị điện tử, môi trường sử dụng mắt kém, thói quen không lành mạnh khi thường xuyên nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại… tỷ lệ mắc bệnh khô mắt ngày càng tăng theo từng năm. Ngoài ra xu hướng mắc bệnh cũng trẻ hóa do sử dụng quá nhiều các sản phẩm điện tử, lạm dụng mắt, dẫn tới khô mắt.
Trẻ em thiếu hiểu biết về hội chứng khô mắt. Bác sĩ Trương chia sẻ rằng, khi trẻ bị khô mắt, chúng có thể sợ ánh sáng, chảy nước mắt, lác và đỏ mắt, cảm giác rất khó chịu.
Khi nhận thấy con mình có những biểu hiện nay, bố mẹ cần kiểm tra xem trẻ có mắc các bệnh về mắt hay không, tốt nhất nên đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt, nếu không tình trạng khô mắt sẽ nặng thêm.
Không nên coi thường tác hại của bệnh khô mắt, nó có thể gây giảm thị lực, bệnh kết mạc, thậm chí là mù lòa.
Điều đáng nói nhất là do trong các ngày lễ, trẻ sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử, việc mắt thường xuyên nhìn vào các thiết bị này khiến nó bị tổn thương. Khi trở lại trường học, áp lực học hành, bài vở khiến cho mắt bị khô hơn.
Cách phòng tránh bệnh khô mắt
Làm sao để trẻ phòng tránh được bệnh khô mắt hoặc làm thế nào để giảm bớt triệu chứng khô mắt? Bác sĩ Trương đã đưa ra những gợi ý sau đây.
- Để mắt hoạt động một cách hợp lý, có khoa học
Duy trì thói quen cho mắt hợp lý, hạn chế tối đa thời gian nhìn vào các thiết bị điện tử như điện thoại di động, ipad, máy tính…. Ghi nhớ nguyên tắc “20-20-20” khi sử dụng mắt, tức là sau khi đọc, viết và nhìn vào điện thoại di động và máy tính trong 20 phút, nhìn lên khoảng cách 20 feet (khoảng 6 mét) ít nhất 20 giây.
Ngoài ra, mắt cũng cần có các bài tập hỗ trợ như chớp mắt, thực hiện mỗi lần 1 phút, 10 lần 1 ngày để làm giảm sự bay hơi của nước mắt, giảm khô mắt hiệu quả.
- Thói quen sinh hoạt lành mạnh
Bố mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen ngủ sớm dậy sớm, không thức khuya, ngủ đủ giấc để mắt được nghỉ ngơi.
Mặt khác, bố mẹ có thể sử dụng máy lọc không khí và máy làm ẩm trong nhà, thông gió thường xuyên để cải thiện sự bay hơi của màng nước mắt trên bề mặt mắt do không khí khô, đồng thời giữ ẩm cho mắt.
Ngoài ra, bố mẹ nên cho trẻ hoạt động thể thao ngoài trời, nâng cao thể lực, chống khô mắt.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Khẩu phần ăn của trẻ nên hạn chế các loại thực phẩm giàu chất bép, tăng cường các món ăn dễ tiêu, giàu vitamin, tránh ăn cay, đồ uống có ga…
- Tinh thần thoải mái
Áp lực học tập, cảm xúc căng thẳng, lo lắng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khô mắt. Vì thế, bố mẹ cần tránh những điều này cho trẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận