Cựu binh Lê Minh Thoa kể về những ngày tháng không thể nào quên được tại Gạc Ma năm ấy. |
Chúng tôi gặp cựu binh Lê Minh Thoa trong một ngày tháng ba đầy nắng bên quán phở nhỏ mang tên Gạc Ma tại TP.Quy Nhơn (Bình Định). Thời gian đi qua, lần giở từng trang nhật kí, hồi ức Gạc Ma ùa về, nguyên vẹn...
64 chiến sĩ nằm xuống... máu loang một vùng
Học chuyên ngành sửa chữa máy móc tàu thủy, năm 18 tuổi, anh Thoa nhận nhiệm vụ tăng cường cho tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma - Trường Sa đúng ngày 11/3/1988. Sau 2 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển, đến 16h chiều 13/3/1988 thì thả neo cách đảo Gạc Ma chừng 500m...
“Tàu vừa đến đảo Gạc Ma, vài chục phút sau chúng tôi thấy một tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc. Loa phóng thanh phát oang oang với những câu cho rằng đảo Gạc Ma là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu chúng tôi phải rời đảo", ông Thoa nhớ lại.
Cựu binh Lê Minh Thoa trong một lần tưởng niệm những nạn nhân tại hải chiến Gạc Ma. |
Nhưng chiến sĩ của ta quyết tâm bám trụ, giữ vững chủ quyền biển đảo Quốc gia, nhất định không chịu rời đi. Ngay trong đêm đó, anh em cắm lá cờ tổ quốc lên đảo. Ngay sớm hôm sau (ngày 14/3/1988), lính Trung Quốc tràn lên đảo, giật lá Quốc kỳ mà chiến sĩ ta vừa cắm. Chiến sĩ của ta khoác vai nhau, tạo thành một vòng tròn vây quanh, bảo vệ Quốc kỳ.
Biết không thể làm lung lay ý chí của ta, lính Trung Quốc bắt đầu nã đạn vào các chiến sĩ Việt Nam. "Ba chiếc tàu chiến của Trung Quốc từ 3 phía chĩa súng vào tàu của ta và liên tục bắn xối xả... Khoảng 6h sáng 14/3/1988, ba tàu chiến Trung Quốc đồng loạt nã pháo sang tàu các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 của Hải Quân Việt Nam. Riêng tàu HQ 604 bị cháy ca bin ngay quả pháo đầu tiên, lập tức mất liên lạc. Trung Quốc nã pháo như mưa, chẳng mấy chốc hai tàu HQ 604 và HQ 605 bốc cháy và bị chìm”, ông Thoa ngậm ngùi nhớ lại.
Trong làn mưa đạn đó, 64 chiến sĩ của ta đã nằm xuống dưới lá Quốc kỳ, máu của họ hòa chung với biển, loang ra một vùng, như lời thề quyết giữ từng mét nước chủ quyền.
3 năm 8 tháng tù đày
Tàu HQ 604 vỡ rồi chìm, lúc ấy ông Thoa đang ở hầm máy, nhưng kịp ngoi lên thoát được ra bên ngoài.
"Tôi bị thương ở chân, bỏng ở lưng nhưng may mắn vớ được 2 quả bí làm phao, rồi cứ thế nổi lênh đênh trên mặt biển. Đến 5h chiều cùng ngày, tàu Trung Quốc thả xuồng đến chỗ tôi (trên xuồng có 1 tên lái, 2 tên cầm súng), ra dấu cho tôi đầu hàng, nhưng tôi quyết không chịu. Thấy tôi ôm 2 quả bí, lính Trung Quốc không dám đến gần vì tưởng là thuốc nổ, nên dùng cây sào móc kéo tôi lên xuồng, bịt mắt, trói tay chở đến tàu. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy bên cạnh là 8 đồng đội bị trói chặt tay, nằm xếp hàng, trên người bê bết vết máu bởi những mảnh đạn thấu xương”, ông Thoa kể.
Các chiến sĩ của ta bị bắt lên tàu, tiếp tục lênh đênh trên biển, sau 3 ngày đêm, tàu này cập bến đảo Hải Nam. Tại đây, các anh được mổ để gắp những mảnh đạn trong người ra. Sau đó, tiếp tục chuyển tàu chở về nhà tù Lôi Châu, Quảng Đông.
Ở nhà tù Lôi Châu, các chiến sĩ ta bị biệt giam, mỗi tuần chỉ được ăn hai bữa cơm đạm bạc, còn lại là cháo trắng trong khi các anh bị bắt làm những việc nặng như vác đá, trộn bê tông khiến các anh thường xuyên đau ốm, sức khỏe giảm rõ rệt.
“Hơn 3 năm 8 tháng ở tù là khoảng thời gian chúng tôi thường xuyên đối mặt với những câu hỏi đại loại như: Ra đảo làm gì? Vì sao lại chiếm lãnh thổ của Trung Quốc...?". Tôi trả lời thẳng rằng không hề có chuyện xâm chiếm bởi đây là lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam. Sau mỗi lần như vậy, tôi lại bị đánh.
Cựu binh Lê Minh Thoa (hàng ngồi, thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh cùng đồng đội sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc. |
Một ngày của năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến nhà tù và tiếp cận được những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt nhốt ở đây. Khi Hội chữ thập đỏ vào cuộc thì công việc lao động hằng ngày và chế độ ăn uống của ông và đồng đội mới được nhà tù quan tâm hơn.
Lúc đó, Hội Chữ thập đỏ cho mỗi người 9 đồng nhân dân tệ để mua thức ăn trong nhà tù lúc thiếu thốn. Ðến tháng 11/1991, ông Thoa cùng các đồng đội được trao trả về nước. Kết thúc những tháng ngày bị tù đày, cơm chan nước mắt mãi không quên của vị cựu binh già này.
Quán phở Gạc Ma
Cựu binh Lê Minh Thoa cũng trở về cuộc sống bình thường với quán phở Gạc Ma như gợi nhớ mãi về những tháng năm hào hùng ấy, cũng là để tri ân những đồi đội mãi mãi nằm lại.
Trong dòng người ghé thăm, vẫn có những đồng đội cũ từ các tỉnh lân cận về đây thưởng thức món phở Gạc Ma do chính tay ông nấu.
“Tên quán Gạc Ma - Trường Sa chất chứa bao kỷ niệm trong tôi về những đồng đội đã hy sinh để bảo vệ quần đảo. Những điều này tôi luôn khắc sâu trong tim. Điều vui nhất là những đồng đội tôi còn sống vẫn hay giữ liên lạc, có điều kiện thì ghé ăn phở rồi ôn lại chuyện cũ ở Gạc Ma”, ông chia sẻ.
Chinh biến tan rồi, mỗi người mỗi số phận, mỗi công việc, nhưng hải chiến Gạc Ma và những người đồng đội hy sinh để bảo vệ từng tấc đất chủ quyền của tổ quốc năm ấy, sẽ mãi là hoài niệm, là quá khứ không thể nào quên trong kí ức những người cựu binh già như Lê Minh Thoa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận