Đồng bào Thủ đô tiễn Bác lên đường |
...Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng ta bồi hồi nhớ về những ngày tháng 5 cách đây 72 năm (1946); vào thời điểm vô cùng gian nan của Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gửi lời phó thác cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch Chính phủ trước giờ lên đường sang đàm phán với chính giới nước Pháp để giữ lại những cơ hội cuối cùng về hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam...
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, câu nói mà Bác phó thác với cụ Huỳnh Thúc Kháng trong thời điểm hết sức khó khăn ấy – ngày hôm nay có lẽ ai cũng thuộc, cũng biết, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, lời phó thác ấy đã được Bác gửi gắm ngay trước giờ cất cánh của một chuyến bay lịch sử...
Bác Hồ và Cụ Huỳnh Thúc Kháng áo đen hàng đầu bìa |
Từ lần đầu tiên đồng bào tiễn Bác đi xa...
...Ngày lên đường của Bác và phái đoàn sắp tới...
30 tháng Năm năm 1946, dưới trời mưa tầm tã, năm vạn đồng bào Thủ đô đội ngũ chỉnh tề, kéo tới Việt Nam học xá dự cuộc mít tinh. Mọi người giương cao những khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn tự chủ”, “Đất nước Việt Nam toàn vẹn”, “Ủng hộ Hồ Chủ tịch”, “Ủng hộ phái bộ”, “Gửi lời chào nhân dân Pháp”…
Lần đầu, trong một chuyến Người đi xa, đồng bào đến tiễn đưa Người.
7 giờ 30, Bác và phái đoàn cùng tới. Cùng dự mít tinh hôm đó có Xalăng, người đã được cao ủy Pháp chỉ định đi theo Bác trong cuộc hành trình. Bác nói:
- Theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân, tôi cùng đoàn đại biểu sẽ đi Pari để mở cuộc đàm phán chính thức… Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó, Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc chung, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng, cũng vì mục đích đó. Bất kì bao giờ, bất kì ở đâu, tôi chũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm cho ích nước lợi dân. Lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ cố gắng làm cho khỏi phụ lòng tinh của quốc dân…
Bác Hồ và Giáo sư viện sỹ Trần Đại Nghĩa |
Bác đề ra bốn điều cần làm để giúp cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi:
- Một là đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ.
- Hai là ra sức tiết kiệm cho khỏi nạn đói khó.
- Ba là ra sức giữ gìn trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
- Bốn là đối với các kiều dân nước ngài phải tử tế, ôn hòa.
Suốt buổi chiều và đêm hôm đó, những đoàn xe từ các ngả đường nối nhau chạy vào Hà Nội. Các tỉnh cử đại biểu về Thủ đô tiễn Bác và phái đoàn Chính phủ sớm hôm sau lên đường. Mỗi xe đều mang ảnh Hồ Chủ tịch và dán đầy khẩu hiệu.
Sáng 31, Bác dậy rất sớm. Người viết một bức thư gửi cho đồng bào Nam Bộ:
“… Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi!
Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng yêu nước. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1945 |
Tới lời phó thác trước chuyến bay trong điều kiện thời tiết rất xấu...
Các đồng chí trong phái đoàn đến Bắc Bộ Phủ với trang phục tề chỉnh. Bác ở buồng bên đi ra, vẫn bộ quần áo vải vàng thường ngày, chỉ khác một chút là bữa đó Bác đi một đôi giày da màu đen.
Tờ mờ sáng, đồng bào mang theo cờ, ảnh nườm nượp kéo sang Gia Lâm. Cờ bay đỏ cầu Long Biên. Thời tiết vẫn xấu. Bầu trời mây phủ kín, dường như cũng chia sẽ nỗi lòng của người dân đất nước sáng nay tiễn Bác đi xa.
Sân bay đông nghịt người. Hồ Chủ tịch đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người trước khi ra đi.
Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng và nói:
- Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn vạn thay đổi).
Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu. Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.
Bỗng Bác gọi các đại biểu trong phái đoàn lại. Mọi người tới đứng vây quanh Người. Một phút im lặng trang nghiêm. Bác nói:
- Anh em chúng ta mang trọng trách ra đi, đứng trước mặt quốc dân đồng bào đây, chúng ta phải hứa dù gặp gian nan thế nào, chúng ta cũng phải nhất trí đôàn kết để làm trọn nhiệm vụ đối với Tổ quốc.
Mọi người cùng giơ tay hô to: Xin thề!
Đất nước tiễn đưa Người ra đi gửi gắm vào Người một niềm tin toàn vẹn.
Hai chiếc máy bay quân sự chở phái đoàn nối nhau rời sân bay, khuất dần vào nền trời đầy mây.
Các đồng chí ở lại hôm ấy còn có thêm một nỗi lo lắng mà không ai dám nói ra. Hồi đó luôn luôn xảy ra những tai nạn máy bay. Nhà vua yêu nước Duy Tân khi từ Pháp trở về Việt Nam để ủng hộ Chính phủ Cách mạng cũng mới mất do một tai nạn máy bay ở dọc đường.
Dường như Bác hiểu rõ nỗi lo âu canh cánh của đồng bào nên qua mỗi chặng đường Bác lại gửi điện về. Bức điện đầu tiên của Bác đề ngày 2 tháng Sáu năm 1946, khi Bác tới Ấn Độ. Bác viết: “Chúng tôi đã tới Canquýtta, được bình yên cả sau một đêm ngủ ở Pêgu (Rănggun). Hôm tới chúng tôi sẽ lên đường. Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu thiếu niên, nhi đồng…”.
Trong mọi hoàn cảnh, dù hiểm nguy hay gian khổ, Bác đều dành những tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Chính phủ Pháp đón Bác tại sân bay |
Và lớp học đặc biệt trên chiến hạm trở về...
Ngày hôm nay, chúng ta vẫn thường nói, đối với ngành hàng không, một tai nạn đã là quá nhiều. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1946 ấy, không ai có thể giải thích rõ vì sao, Bác lại chọn một chiến hạm để trở về đất nước sau gần 4 tháng ở Pháp. Vào thời điểm ấy, xác xuất xảy ra các vụ tai nạn hàng không cao hơn nhiều so với các vụ tai nạn tàu thủy. Cũng có thể, vào thời điểm ấy, Bác nhận thấy rằng, đi về cũng với mình không chỉ có các đồng chí trong phán mà còn có những trí thức Việt kiều, những người sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa, phú quý, vợ đẹp, con khôn ở Pháp để trở về với Cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ của chúng ta sau này. Những trí thức quý báu, những bộ óc và trí tuệ tinh hoa ấy, vào thời điểm đó đối với Cách mạng Việt Nam rất quý báu phải được bảo tồn và sử dụng một cách trân trọng, không thể xảy ra sơ xuất gì. Điều gì sẽ xảy ra nếu có một tai nạn hàng không. Có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta, với những dự báo thiên tài trong suốt cuộc đời mình đã hình dung ra điều ấy. Đi tàu thủy có thể lâu hơn, nhưng an toàn hơn...
Ngày 16 tháng Chín năm 1946, chiếc chiến hạm Đuymông Đuyếcvin chuẩn bị rời cảng Tulông sang Đông Dương. Viên chủ huy bỗng được lệnh chuyển ngay tất cả những người đi tàu và hàng lên bờ để nhận nhiệm vụ mới.
Chủ tịch Hồ Chủ tịch về nước trên chiếc tàu này, ngoài những đồng chí phục vụ còn mấy anh em Việt kiều.
Sáng ngày 18 tháng Chín, chiếc chiến hạm nhổ neo chạy ra Đại Trung Hải.
Các thủy thủ trên tàu đều ngạc nhiên vì sự giản dị lạ lùng của vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người đi thăm nước Pháp không đem theo hành lí. Người chỉ có hai bộ quần áo thay đổi và người nói là mình tự giặt lấy. Những thủy thủ Pháp phục vụ Hồ Chủ tịch thấy Người hầu như không bao giờ sai bảo gì mình. Hồ Chủ tịch bỏ nhiều thời giờ để trò chuyện với các sĩ quan và binh lính trên tàu, thăm hỏi hoàn cảnh gia đình từng người. Qua các câu chuyện của Người, họ hiểu biết thêm về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hơn.
Suốt thời gian ở trên tàu, gần như là ngày nào cũng vậy, Bác dành ba buổi, sáng, chiều và tối để nói chuyện với anh em Việt kiều. Có người sau này nghĩ lại, mới nhận ra trong thời gian đó mình đã được dự một lớp học đặc biệt do chính Hồ Chủ tịch hướng dẫn.
Bác Hồ hỏi thăm các cháu thiếu nhi Pháp trong chuyến đi lịch sử |
“Học viên” có bốn người. Anh em đều là trí thức sống xa đất nước từ lâu. Đây là những người may mắn nhất trong số đông kiều bào ở Pháp đã bày tỏ nguyện vọng được theo Bác và phái đoàn trở về phục vụ Tổ quốc. Bài giảng là những câu chuyện. Tàu qua sứ nào, Bác nói chuyện về xứ ấy. Tàu tới Gibuti, Bác nói về sự bóc lột của thực dân Pháp ở châu Phi, về đời sống của người da đen và cuộc đấu tranh của họ. Tàu tới Côlômbô, Bác nói về những chính sách khác nhau đối với thuộc địa của thực dân Pháp và thực dân Anh, về phong trào đấu tranh đòi gải phóng của nhân dân Xâylan. Tàu qua biển Ấn Độ, Bác nói về sự đồng lõa của đế quốc Anh và đế quốc Pháp trong việc đán áp cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Ấn Độ. Ở một vài nơi, Bác nói cách mạng hiện nay chưa mạnh lắm, nhưng tương lại nhất định sẽ phải mạnh. Ngày nào Bác cũng nói về cuộc đấu tranh giành độc lập ở nước nhà. Bác kể rất nhiều chuyện về Cách mạng tháng Tám. Bác nêu gương những người lao động ngèo khổ đi theo cách mạng được tôi luyện và trưởng thành trong đấu tranh, đã trở nên những cán bộ xuất sắc, lập nên sự nghiệp vẻ vang.
Bác không chỉ chú ý đến sự hiểu biết mà còn săn sóc cả sinh hoạt, tác phong của anh em. Ở tàu, không có việc gì làm, mọi người hay dậy muộn. Sáng sớm, Bác đến, tất cả còn nằm. Bác hỏi thăm đêm qua ngủ thế nào. Từ đó, cứ tảng sáng là mọi người gọi nhau dậy. Bác hay nhắc chú ý làm công tác quần chúng. Việc này đối với anh em rất mới. Mọi người đều cảm thấy khó. Bác dẫn anh em đi gặp gỡ thủy thủ. Bác nói chuyện với họ để mọi người rút kinh nghiệm rồi theo cách đó mà làm.
Một hôm, Bác hỏi anh Phạm Quang Lễ (tên gọi của đồng chí Thiếu tướng, Giáo sư viện sỹ Trần Đại Nghĩa vào thời điểm ấy):
- Chú về nhà sẽ có cơ hội phục vụ tốt, song sẽ phải chịu khổ, chịu khó nhiều, có chịu nổi không?
- Thưa Bác chịu nổi.
- Có thể có kháng chiến. Cơ sở vật chất của ta còn khó khăn rất lớn, có quyết tâm giải quyết nổi không?
- Thưa Bác, cháu quyết tâm.
Mấy tháng sau, đồng chí Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) đã trở thành Cục trưởng Cục Quân giới của quân đội ta.
Trước khi tàu ghé bến ở Hải Phòng, lớp học đã hoàn thành.
Tác giả thứ hai từ phải sang thăm Đại tướng năm 2007 và được Đại tướng ký tặng vào Tổng tập Hồi ký |
Lời kết:
...72 năm đã trôi qua, nhưng những lời phó thác của Bác trước chuyến bay trong điều kiện thời tiết xấu, tư tưởng và những lớp học đặc biệt của Người trên chiến hạm của kẻ thù vẫn luôn là bài học lịch sử quý giá cho dân tộc Việt Nam. Bài học về sự tôn trọng trí tuệ, tri thức và phẩm giá con người; bài học lớn cho hiện tại và cả tương lai...
(Bài viết sử dụng tư liệu từ Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Lịch sử 60 năm Hàng không dân dụng Việt Nam)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận