Giao thông

Cầu Đại Ngãi phá bỏ thế độc đạo tuyến QL1, kéo gần miền Tây với TP.HCM

25/03/2019, 18:35

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

img
Ông Nguyễn Chung Khánh báo cáo tình hình chuẩn bị đầu tư dự án với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật

Sáng nay (25/3), trong chuyến làm việc tại Trà Vinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đi khảo sát dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Tham dự đoàn công tác, về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Nhật.

Rút ngắn khoảng cách 80km so với tuyến QL1 hiện hữu

Báo cáo đoàn công tác, ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA7 cho biết, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài 15,2km, điểm đầu giao với QL54 thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Công trình gồm phần cầu dài 3,42km (cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56km, cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86km) và phần đường dài 11,78km.

Về quy mô đầu tư, dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, đảm bảo đồng bộ với toàn tuyến QL60, tốc độ thiết kế 80km/h. Trong đó, phần cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) đầu tư với quy mô hoàn chỉnh ngay trong giai đoạn 1 với 4 làn xe, mặt cắt ngang 17,5m. Riêng phần đường của dự án, giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe, nền đường rộng 12m, giai đoạn 2 đầu tư 4 làn xe, nền đường 20,5m.

Theo ông Khánh, dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.040 tỷ đồng, gồm hơn 7.054 tỷ đồng vốn ODA và 986 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước. “Dự án cầu Đại Ngãi được đầu tư xây dựng sẽ nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP.Hồ Chí Minh, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa mở rộng giao thương và phá bỏ thế độc đạo của tuyến QL1”, ông Khánh nói và cho biết, dự án cầu Đại Ngãi được đầu tư sẽ rút ngắn khoảng cách 80km so với tuyến QL1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP. Hồ Chí Minh.

img
Cầu Đại Ngãi được đầu tư xây dựng sẽ xóa cảnh "qua sông phải lụy phà", phá bỏ thế độc đạo của tuyến QL1 và rút ngắn khoảng cách 80km so với tuyến QL1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP. Hồ Chí Minh.

Khẩn trương thẩm định để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư

Liên quan đến tình hình thực hiện chuẩn bị đầu tư, ông Khánh cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản tại Văn bản số 2743 ngày 22/3/2017. Đến ngày 5/5/2018, Bộ GTVT có Văn bản 4824 đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ công tác nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức viện trợ không hoàn lại.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 2181 ngày 8/3/2018 và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, ngày 18/6/2018, Bộ KH&ĐT có Văn bản 4136 báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Sau đó, Bộ GTVT đã hoàn thiện nội dung giải trình và chỉ đạo Ban QLDA7 cùng tư vấn cập nhật, chỉnh sửa nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và có Tờ trình 8608 ngày 6/8/2018 đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Tiếp đến, Bộ KH&ĐT đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn bản 8026 ngày 12/11/2018 xin chủ trương tiến hành phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Văn bản 659 ngày 25/01/2019 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có dự án xây dựng cầu Đại Ngãi.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo Nghị quyết 99 ngày 03/02/2019 của Chính phủ, Bộ GTVT đã có Văn bản 2161 ngày 11/3/2019 gửi Bộ KH&ĐT cập nhật tiến độ dự án, xác định nhu cầu vốn và các nội dung liên quan. “Hiện Thủ tướng Chính phủ đang chờ ý kiến báo cáo của Bộ KH&ĐT đối với dự án để tiến hành xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định”, ông Khánh báo cáo đoàn công tác.

Sau khi thị sát thực tế và nắm bắt tình hình chuẩn bị đầu tư dự án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành công tác thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo tại dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.