Phát triển - Kết nối

Cầu dân sinh xóa “điểm nghẽn” giao thông nông thôn

19/08/2021, 08:10

Dự án cầu dân sinh (dự án LRAMP) đã và đang góp phần thay đổi diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số….

Hết cảnh đi bè, lội suối

Dưới cái nắng chang chang, ông Sùng Văn Hùng (57 tuổi, dân tộc H’mông) chạy xe máy bon bon qua cầu H’mông 2 (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), không giấu nổi niềm vui, chia sẻ: “Có cầu, có đường bê tông người dân chúng tôi đi lại thuận lợi, canh tác, thu hoạch, vận chuyển phân bón, nông sản dễ dàng.

Trẻ em không còn cảnh đi bè, lội suối để đến trường. Tôi vào đây sinh sống hơn 20 năm nhưng nằm mơ cũng không dám nghĩ có được cây cầu, con đường khang trang, chắc chắn để đi lại”.

img

Cầu H'mông 1 (xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) khang trang, chắc chắn giúp người dân đi lại thuận lợi, thoát cảnh đi bè, lội qua suối. Ảnh: Ngọc Hùng

Cũng theo ông Hùng, nhờ có cầu, có đường nên hàng hóa được thông thương, nhờ đó cuộc sống của người dân trong buôn ngày một phát triển, người dân có điều kiện mua thêm máy móc, đất để hăng hái sản xuất.

Trước đây, không có đường, có cầu người dân đi lại trên con đường đất trơn trượt, sình lầy, muốn qua được bờ phải lội suối hoặc đi bè khó khăn và nguy hiểm.

Vào mùa mưa, nước lớn vận chuyển nông sản, vật tư và không ít lần tài sản trôi theo dòng nước.

Cùng chung niềm hạnh phúc, người dân ở các xã Ea Uy, Vụ Bổn (Krông Pắk), Ea Ô, Cư Yang (Ea Kar), Ea Huar, Cuôr Knia, Ea Nuôi (Buôn Đôn), Đắk Phơi, Buôn Tría (huyện Lắk), Ya Trul, Khuê Ngọc Điền, Hòa Phong (Krông Bông),… cũng không giấu được niềm vui sau khoảng 10 năm đi lại trên những chiếc cầu gỗ tạm bợ, gập ghềnh nguy hiểm.

img

Đến nay, Đắk Lắk đã hoàn thành 84/97 công trình. Dự kiến cuối năm 2021 toàn bộ công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hùng

“Những ngày đi trên cầu gỗ ọp ẹp, vào mùa mưa vận chuyển nông sản, người và xe té ngã xuống suối, suýt mất mạng. Ngày nay, được đi lại trên những cây cầu bê tông khang trang, chắc chắn người dân rất phấn khởi”, ông Y Khun (xã Ea Uy, huyện Krông Pắk) nói trong niềm vui sướng.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết chia sẻ: “Dự án cầu dân sinh trên địa bàn đã mang lại hiệu quả nhất định đối với bà con nhân dân, nhất là bà con dân tộc, vùng sâu vùng xa.

Trên địa bàn được xây dựng 3 cây cầu, đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT cho người dân.

Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đi lại trong mùa mưa lũ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào H’mông trên địa bàn".

Dự án cầu LRAMP phát huy hiệu quả

img

Dự án cầu dân sinh (dự án LRAMP) góp phần xóa điểm nghẽn giao thông nông thôn. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Y Krang Liêng Hót, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Phơi (huyện Lắk) cho biết: "Trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng 2 cây cầu và mang lại hiệu quả rất lớn đối với người dân, đặc biệt là bà con dân tộc tại chỗ.

Những cây cầu đã kết nối được khu dân cư với khu sản xuất, nương rẫy của bà con nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, vật tư.

Từ đó, đời sống người dân được nâng lên, nhiều gia đình đã xây được nhà to, sắm thêm máy móc để phục vụ sản xuất.

Trước đây, cầu tạm vận chuyển hàng háo khó khăn, chỉ có xe công nông nhỏ đi lại được nhưng giờ các phương tiện lưu thông thỏa mái, tạo điều kiện thu mua nông sản, vận chuyển vật tư của người dân được dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân”.

Ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk có địa hình độ dốc lớn nên các dòng sông, suối nước chảy xiết.

Việc các cầu tạm bắt qua sông, suối rất nguy hiểm trong mùa mưa, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Hàng năm trong đợt mưa lũ các cây cầu tạm đều bị lũ cuốn trôi khiến việc vận chuyển nông sản, giao thông của người dân gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy rình rập.

Dự án cầu dân sinh (dự án LRAMP) xây dựng tại các vùng sâu, vùng xa đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa điểm nghẽo giao thông nông thôn.

Theo ông Bách, dự án xây dựng cầu dân sinh triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được đầu tư từ nguồn vốn ODA, nguồn vốn Ngân hàng thế giới (WB) do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, với mức vốn 235,66 tỷ đồng, xây dựng 97 công trình (53 cống và 43 cầu).

img

Dự án LRAMP đã xóa bỏ cầu tạm gập ghềnh, nguy hiểm. Ảnh: Ngọc Hùng

Dự án bắt đầu thi công xây dựng đầu năm 2018. Đến nay, dự án đã hoàn thành 84/97 hạng mục công trình, đạt 86% khối lượng. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Mục tiêu của dự án xây dựng cầu, cống phục vụ đi lại sản xuất của nhân dân, kết nối giữa các thôn buôn, xã nhằm lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Những cây cầu dân sinh hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Những vị trí được chọn để xây dựng cầu đều thuộc các thôn, làng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn giao thông cao… nên đã phát hiệu quả cao, là niềm vui của người dân.

Đơn cử, cầu Tân Quý (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) kết nối giữa thôn Tân Lợi 2 (xã Vụ Bổn) với thôn 14 (xã Ea Uy), số hộ dân được hưởng lợi trực tiếp khoảng 400 hộ; đối với cầu Ea Trul (huyện Krông Bông) kết nối 3 thôn, 6 buôn (xã Ea Trul) với 6 thôn (xã Hòa Tân) số hộ hưởng lợi trực tiếp khoảng 1.500 hộ.

Vì vậy, dự án LRAMP đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt đối với việc đi lại và phát triển kinh tế xã hội vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”, ông Bách nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.