Thời sự Quốc tế

Cầu đường sắt cao hơn tháp Eiffel, có thể chịu động đất tới 8 độ richter

03/05/2023, 09:50

Ấn Độ vừa chính thức trở thành quốc gia có cây cầu đường sắt cao nhất thế giới.

Nằm ở độ cao 359m (cao hơn tháp Eiffel 29m) bắc qua sông Chenab tại vùng Jammu và Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, cầu đường sắt Chenab đã trở thành cầy đường sắt cao nhất trên thế giới.

Theo thông báo của Bộ Đường sắt Ấn Độ, sau hàng thập kỷ xây dựng, cây cầu tại phía Bắc Ấn Độ dự kiến chính thức được mở cửa vào tháng 12/2023 hoặc tháng 1/2024.

Cây cầu này dài 1.315m là một phần trong dự án quy mô lớn để nối liền Thung lũng Kashmir với hệ thống đường sắt Ấn Độ mang tên dự án đường sắt Udhampur-Srinagar-Baramulla.

img

Cầu đường sắt Ấn Độ cao hơn tháp Eiffel 29m

Ngoài cầu Chenab, dự án này còn có đường hầm dài nhất đất nước và cây cầu cáp đầu tiên của đường sắt Ấn Độ.

Đối với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, những dự án như cầu Chenab có thể được coi là công cụ mạnh mẽ để kết nối các vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận với các thành phố trọng yếu.

Các chuyên gia đánh giá, việc kết nối Kashmir với phần còn lại của Ấn Độ qua hệ thống đường sắt có thể chịu đựng mọi thời tiết sẽ đặc biệt thúc đẩy các ngành công nghiệp và nông nghiệp.

Trước đó, chỉ có một tuyến đường bộ duy nhất kết nối các khu vực của Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ với phần còn lại của đất nước là tuyến đường quốc lộ Srinagar-Jammu 300km nhưng tuyến đường này phải đóng cửa vào mùa đông và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

“Trước đây, lúc chỉ có tuyến đường bộ này, chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề nhưng khi được kết nối bằng đường sắt với phần còn lại của Ấn Độ, đây sẽ là cú huých lớn đối với nền công nghiệp và nông nghiệp”, ông Anil Kumar Mehendru, Phó chủ tịch Hiệp hội Hoa quả Kashmir chia sẻ.

Tại cuộc họp báo thông tin về kế hoạch mở cửa cho khách du lịch, chính quyền địa phương đã mô tả cây cầu này là tuyệt tác về kỹ thuật vì vị trí địa lý ở núi Himalaya đặt ra những thách thức rất mới và khó nhằn cho các kỹ sư Ấn Độ.

Để làm cầu Chenab, các kỹ sư sử dụng tới 28.000 tấn sắt và xây dựng nền móng với diện tích bằng nửa sân bóng đá từ đó tạo sự bền vững cho cây cầu.

Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt này sẽ giúp giảm thời gian hành trình từ Jammu tới Srinagar xuống chỉ còn 3-4 giờ đồng thời cầu có thể chịu động đất mạnh lên tới 8 độ richter và dự kiến có tuổi đời lên tới 120 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.