Cầu Bạch Đằng (nối Hải Phòng với Quảng Ninh) là một trong những cây cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay do người Việt Nam tự thiết kế, thi công - Ảnh: Đỗ Phương |
Với hàng trăm kilômét cao tốc, nhiều cây cầu lớn trải dài từ Bắc chí Nam, tạo ra đột phá lớn về hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Các đại dự án giao thông đồng loạt đưa vào khai thác
Dự án giao thông lớn đầu tiên được khánh thành trong năm 2018 (tháng 5/2018) sau hơn 4 năm xây dựng là cầu Cao Lãnh, cây cầu thứ ba bắc qua sông Tiền nằm trên địa phận tỉnh Đồng Tháp. Với kết cấu cầu chính dài hơn 2km và phần đường nối khoảng 23,45km (tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng), dự án được đưa vào sử dụng không chỉ xóa cảnh đò ngang cách trở mà còn giảm tải cho tuyến QL1, hình thành nên một trục cao tốc phía Tây từ TP HCM đến Kiên Giang trong tương lai.
“Cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác đã hiện thực hóa ước mơ bao đời của nhân dân đôi bờ sông Tiền, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân vùng ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi giữa TP HCM, các tỉnh Đông Nam bộ với ĐBSCL”, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.
Bộ GTVT hoàn thành 23 công trình, khởi công 16 dự án Theo thống kê của Cục QLXD&CLCTGT, năm 2018, Bộ GTVT hoàn thành và đưa vào khai thác 23 công trình, dự án giao thông (tổng mức đầu tư 68.114 tỷ đồng) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, gồm: Cầu Vàm Cống, đường Hòa Lạc - Hòa Bình, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, cầu Việt Trì - Ba Vì, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí,… Cũng trong năm 2018, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng 16 công trình, dự án (tổng mức đầu tư 13.386 tỷ đồng), gồm: Dự án Xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội); Dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2; Tiểu dự án 3 - dự án nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; Dự án xây dựng cầu Đà Rằng, cầu Sông Chùa trên QL1 cũ, tỉnh Phú Yên,… |
Khởi công xây dựng vào năm 2013, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án trọng điểm của ngành GTVT triển khai trên địa bàn miền Trung trong nhiều năm qua. Công trình với chiều dài 139km, được thiết kế với vận tốc 120km/h, tổng mức đầu tư lên tới 34.000 tỷ đồng đã đưa vào khai thác trước 65km đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (hợp phần sử dụng vốn JICA) từ tháng 8/2017. Đến ngày 2/9/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành đoạn tuyến 74km từ Tam Kỳ đến Quảng Ngãi (hợp phần vốn WB), thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc đầu tiên tại khu vực miền Trung.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) nói: “Từ khi toàn tuyến cao tốc đi vào khai thác rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống còn khoảng 1 giờ, so với khoảng hơn 3 giờ khi lưu thông trên tuyến QL1. Đặc biệt, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn giảm tải rất lớn cho QL1 khi khu vực miền Trung xảy ra tình trạng mưa lũ, ngập lụt”.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, Quảng Nam là địa phương có tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua dài nhất, sau 4 tháng thông xe toàn tuyến đã góp phần phát triển thông thương, nâng cao năng lực thông hành qua địa bàn. Hạ tầng giao thông nâng cấp, đồng bộ, mạng lưới liên hoàn, kết nối sâu rộng đến các vùng kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn... góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam đạt kết quả tích cực, thu ngân sách hơn 21.000 tỷ đồng. Hệ thống cảng biển Chu Lai - Trường Hải, cảng Kỳ Hà tăng mạnh sản lượng hàng hóa thông qua cảng. Chỉ riêng cảng Chu Lai - Trường Hải tăng từ 1,7 triệu tấn năm 2017 lên 3 triệu tấn trong năm 2018.
“Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi góp phần phân lưu, giảm tải cho QL1, đảm bảo ATGT, giao thông thông suốt trong các mùa mưa lũ. Thời gian qua, QL1 thường xuyên có các điểm bị cắt đường, nước lũ chia cắt cục bộ. Tuy nhiên, nhờ tuyến cao tốc nên các phương tiện ô tô không bị gián đoạn hành trình, tình hình TNGT được kiềm chế”, ông Thu nói.
Đánh giá về tuyến cao tốc trọng điểm này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là tuyến đường huyết mạch chiến lược, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào vận hành tạo cơ hội mới để phát triển kinh tế toàn diện các địa phương trong vùng, nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Cùng với đó, sẽ nâng cao đời sống người dân, để họ được hưởng những lợi ích mà công trình mang lại”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tại khu vực phía Bắc, sau hơn 4 năm triển khai thi công, tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình (dài gần 26km) được xây dựng theo tiêu chuẩn tiền cao tốc, tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng khánh thành vào đầu tháng 10/2018, rút ngắn khoảng cách, thời gian, chi phí đi lại, “mở toang” cánh cửa để Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. Ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đánh giá: “Giao thông đi trước mở đường kéo theo sự phát triển về KT-XH. Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình kể từ khi khánh thành đưa vào khai thác đã kết nối Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn cho tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc”.
Cũng theo ông Tỉnh, trước đây, các nhà đầu tư tìm đến Hòa Bình đều bày tỏ e ngại giao thông đi lại khó khăn, chưa thuận tiện. Đến nay, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã hoàn thành, giao thông được kết nối là yếu tố quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư, kể cả những nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Hòa Bình và Tây Bắc.
Tính đến nay, trên cả nước đã có khoảng 950km đường cao tốc hoàn thành và đưa vào khai thác (Trong ảnh: Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian đi lại giữa hai địa phương này xuống còn 1 giờ, đồng thời giảm tải rất lớn cho QL1) - Đồ họa: Nguyễn Tường - Ảnh: Sỹ Hiền |
Cú hích phát triển KT-XH
Bên cạnh các đại dự án giao thông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, năm 2018 còn ghi dấu ấn đậm nét của các địa phương trong công tác đầu tư hạ tầng khi hàng loạt dự án giao thông lớn triển khai bằng nguồn vốn xã hội hóa, vốn ngân sách được khánh thành đưa vào khai thác như: Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tháng 9/2018), cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tháng 12/2018),…
Đáng kể nhất là dự án BOT cầu Bạch Đằng, một trong những cây cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay và là cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ ba trên thế giới hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ từ thiết kế đến thi công, giám sát. Cây cầu dài hơn 5,4km (tổng mức đầu tư 7.270 tỷ đồng) nối liền hai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hải Phòng - Hạ Long đã rút ngắn quãng đường từ thành phố lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh đến Hà Nội từ 180km xuống 130km, giảm thời gian đi ô tô theo chiều Hà Nội - Hạ Long xuống còn 1,5 giờ thay vì 3,5 giờ như trước đây.
Ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, giờ Quảng Ninh không cần phải trải thảm đỏ nữa mà các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến vì đây là mảnh đất màu mỡ và phát triển bền vững. “Khi chưa có tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Tập đoàn Amata (Thái Lan) còn chần chừ, soi lên, xét xuống về thời điểm đầu tư. Nhưng khi tuyến cao tốc này hình thành và đưa vào sử dụng, ngay trong tháng 12/2018, Tập đoàn Amata đã chính thức báo cáo UBND tỉnh về công tác khởi công dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai vào ngày 21/12/2018. Như vậy, từ thế bị động, nay Quảng Ninh đã chủ động việc bố trí dự án. Các nhà đầu tư đã phải “thúc” tỉnh chứ tỉnh không phải giục nhà đầu tư nữa”, ông Diện cho hay.
Theo ông Diện, trong chiến lược phát triển, tỉnh Quảng Ninh vẫn xác định cần tiếp tục thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ để sớm triển khai các công trình trọng điểm như đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục và các dự án, sản phẩm dịch vụ du lịch mới. Tuy nhiên, Quảng Ninh sẽ không bằng mọi giá thu hút đầu tư, dứt khoát phải là những nhà đầu tư làm thật, việc thật và có hiệu quả.
Tại TP Hải Phòng, trong năm 2018 khánh thành và đưa vào sử dụng hai bến khởi động của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Hai bến khởi động này là hai cầu cảng thuộc cảng container quốc tế Hải Phòng có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn tấn, đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây. Ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng nói: “Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng cùng với cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hoàn thành đưa vào sử dụng biến Cát Hải từ một hòn đảo tách biệt lạc hậu trở thành một khu vực phát triển kinh tế năng động”.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ: “Cảng Lạch Huyện và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện cùng hệ thống giao thông kết nối tương đối hoàn thiện hiện nay đã có tác động to lớn đối với KT-XH của Hải Phòng và cả miền Bắc. Theo thống kê lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng tăng theo từng năm. Cụ thể năm 2016 đạt 78,8 triệu tấn đến 2017 khoảng 92 triệu tấn (tăng 16,67%), năm 2018 đạt khoảng 107 triệu tấn. Cảng Lạch Huyện cùng hệ thống giao thông kết nối trọng điểm do Bộ GTVT triển khai như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tạo nên cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển KT-XH của Hải Phòng và cả khu vực”.
Cùng với các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, TP Hải Phòng đã xây dựng hàng loạt cây cầu như: cầu vượt Nguyễn Văn Linh, cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu vượt nút giao Lê Hồng Phong trên QL5, tạo ra hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, giúp thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Nhiều công ty đã bố trí cơ sở quanh cảng Lạch Huyện. Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup đã triển khai xây dựng nhà máy ôtô Vinfast tại khu kinh tế cảng Lạch Huyện. Ngoài ra, công ty Mitsui O.S.K. Lines, doanh nghiệp vận tải biển Nhật Bản cũng dự kiến mở tuyến hàng hải trực tiếp từ Lạch Huyện tới Bắc Mỹ.
Tỷ lệ giải ngân cao nhất trong 3 năm qua Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, năm 2018, Bộ GTVT được giao kế hoạch giải ngân các nguồn vốn 26.887 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/12/2018, Bộ GTVT đã giải ngân được 20.246 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch, cao hơn gần 10% so với mức bình quân giải ngân của cả nước (66,35%). Dự kiến kết quả giải ngân trong năm 2018 của Bộ GTVT (tính đến hết ngày 31/1/2019) khoảng 24.000 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch. “So với mức bình quân của năm 2016 đạt 84,5% và năm 2017 đạt 84,5%, dự kiến tỷ lệ giải ngân năm 2018 của Bộ GTVT sẽ cao hơn hai năm trước đó”, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết. Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đủ điều kiện vận hành Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt cho biết, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (sau 7 năm triển khai thi công) đã vận hành thử từ trung tuần tháng 9/2018. Biểu đồ chạy tàu được thực hiện theo kế hoạch, từ đơn giản lên phức tạp, với tần suất tàu tăng hơn ban đầu. Thời gian vận hành thử 3 - 6 tháng trước khi vận hành thương mại. Đến nay, các yếu tố kỹ thuật của dự án gần như đã đủ điều kiện để vận hành, vận chuyển hành khách. Sẽ có 9 đường bay đến CHK Vân Đồn trong năm 2019 CHK quốc tế Vân Đồn được quy hoạch và xây dựng phục vụ các loại máy bay lớn nhất hiện nay và các đường bay tầm trung, tầm xa, đặc biệt là các chặng bay khoảng từ 6-10 tiếng. Là sân bay cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, CHK quốc tế Vân Đồn có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới. Sân bay có công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/ năm; Khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn hàng hóa/năm. Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Sun Group cho biết, dự kiến sẽ có 9 đường bay tới Vân Đồn được mở ngay trong năm đầu khai thác, bao gồm cả các đường bay nội địa và quốc tế. |
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh:
Trong đó, các công trình giao thông lớn như: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hạ Long - Hải Phòng; Hạ Long - Vân Đồn; cầu Bạch Đằng; cầu Ba Vì - Việt Trì, CHK quốc tế Vân Đồn... hoàn thành trong năm 2018 và được đưa vào sử dụng đã thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giúp các tổ chức, cá nhân tiết giảm chi phí vận chuyển, giảm ùn tắc và tai nạn, nâng cao hiệu quả KT-XH và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mặc dù hạ tầng giao thông có bước tiến và được cải thiện, nhưng giữa các loại hình giao thông gồm đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, hàng không chưa có liên kết hiệu quả. Trong bối cảnh nhu cầu về đầu tư hạ tầng ngày càng tăng trong khi ngân sách ngày càng eo hẹp, khó khăn, cơ chế huy động vốn còn vướng mắc… sẽ là những thách thức rất lớn cho ngành giao thông. Trước mắt, ngành GTVT cần ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có nhu cầu vận tải lớn, phát huy ngay hiệu quả; trong đó ưu tiên tập trung thực hiện nhanh dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua. Cùng với đó, triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành, khai thác hiệu quả các CHK, cảng biển, các tuyến đường sắt, đường bộ hiện hữu. Cùng với đó, cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách đầu tư hấp dẫn để thu hút các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Hoài Thu (Ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận