Ngày 22/5, PV Báo Giao thông có mặt trên cầu đường sắt Bình Lợi (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cây cầu 117 tuổi đang chuẩn bị tháo dỡ sau khi thông xe cầu sắt Bình Lợi mới. Song song với cầu cũ, cầu Bình Lợi mới cũng đang được thi công khẩn trương. Hàng chục công nhân thi công các hạng mục trên bờ và dưới sông.
Theo chủ đầu tư xây dựng dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới, trước đó, dự kiến cầu sẽ hoàn thành vào tháng 3, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đến 31/7 mới có thể đưa vào khai thác. Khi cầu mới hoàn thành, đơn vị có nhiệm vụ tháo dỡ cầu cũ. Tuy nhiên theo kế hoạch là tháo dỡ hoàn toàn, đến nay một số sở ngành đề nghị giữ lại nguyên trạng một phần cầu Bình Lợi cũ để bảo tồn do yếu tố lịch sử.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao TP đề nghị giữ lại một phần cầu đường sắt Bình Lợi (gồm phần đầu cầu và một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức) và một tháp canh (bờ sông quận Thủ Đức) do có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TP.HCM và của ngành đường sắt Việt Nam.
Việc giữ lại một phần nguyên trạng cầu cũng nhằm lưu giữ dấu tích cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch trên địa bàn TP.
Cầu Bình Lợi được hoàn thành xây dựng từ năm 1902, thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang thời Pháp thuộc, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ, và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn - Biên Hòa, cầu có một nhịp quay (do hãng thầu Levalllois Perret thi công), dài 276m gồm 6 nhịp. Có thể nói, cầu Bình Lợi cũ in đậm trong tâm trí người Sài Gòn hàng trăm năm qua. Cầu góp phần rất lớn trong sự phát triển Sài Gòn xưa và nay...
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại cầu đường sắt Bình Lợi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận