Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, lãnh đạo các địa phương và các đại biểu nhấn nút khởi công cầu Thái Hà |
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam đều là những địa phương thuần nông, còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do đặc biệt quan tâm đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nên những năm gần đây có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, công trình cầu Thái Hà nằm trên tuyến Vành đai V vùng Thủ đô, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đến 2020. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn, tăng khả năng kết nối của các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế các địa phương thuần nông. "Mỗi lần thực hiện khởi công hay khánh thành đưa vào một công tình hạ tầng giao thông, tất cả chúng ta đều rất phấn khởi, vui mừng. Với những công trình như thế này, góp phần cho con đường đi tới mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp thêm ngắn lại", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT và các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án |
Cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhu cầu cho phát triển hạ tầng đồng bộ hiện nay rất lớn, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng đủ vốn. Vì vậy, việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư nền kinh tế, trong đó tập trung vào tái đầu tư công, thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoài ngân sách phục vụ phát triển là hết sức quan trọng. Phó Thủ tướng đặc biệt biểu dương ngành GTVT, các bộ, ngành chức năng, các địa phương và nhà đầu tư đã rất năng động, sáng tạo, nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án BOT giao thông nói chung và cầu Thái Hà nói riêng.
Ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đánh giá đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm tải cho QL5 và QL10. Đặc biệt, trên tuyến QL10 hiện nay đang quá tải lớn và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và TNGT. Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong vùng Đồng bằng Bắc bộ nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Để đảm bảo tiến độ cho dự án hoàn thành đúng yêu cầu, ông Sinh cam kết chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư và các nhà thầu thi công. “Chúng tôi cam kết sẽ bàn giao mặt bằng của dự án đúng tiến độ, đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn tại các khu vực nhà thầu thi công”, ông Sinh khẳng định.
Ông Mai Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, cầu Thái Hà sẽ là động lực cho địa phương phát triển |
Trong khi đó, ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, dự án có 2,5km đi qua Hà Nam trên địa phận huyện Lý Nhân. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng cam kết chỉ đạo chính quyền huyện Lý Nhân và các xã có dự án đi qua bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho nhà thầu thi công.
Theo quyết định được phê duyệt của Bộ GTVT, Dự án xây dựng công trình cầu Thái Hà bao gồm phần cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng và phần đường dẫn phía Thái Bình, Hà Nam với tổng chiều dài toàn tuyến là 5,5km. Trong đó, điểm đầu của dự án kết nối vào tuyến nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, thuộc địa phận xã Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), điểm cuối tuyến vượt sông Hồng, kết nối với tuyến phía Thái Bình thuộc địa phận xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Dự án do liên danh Công ty TNHH Tiến Đại Phát - Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân - Công ty CP Đầu tư và XNK Bình Minh là nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Tuyến chính của dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, chiều rộng cầu 12m, vận tốc thiết kế 100km/h bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Cầu gồm 46 nhịp, kết cấu phần trên gồm một dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép (BTCT) dự ứng lực được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng. Cầu Thái Hà có nhịp chính lên đến 120m, được thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng, thuộc loại dài nhất Việt Nam hiện nay.
Ông Ngô Tiến Cương - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tiến Đại Phát cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, công tác GPMB và tái định cư được tách thành dự án riêng do UBND tỉnh Thái Bình và tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án thành phần GPMB, tái định cư, bao gồm dự phòng chi phí khoảng hơn 102 tỷ đồng (Thái Bình: 47,6 tỷ đồng và Hà Nam: 54,9 tỷ đồng). Thời gian thi công dự án trong vòng 24 tháng.
Nhà đầu tư huy động nhiều thiết bị hiện đại, trong đó có cam kết chỉ đưa các xe đúng quy định về tải trọng vào thi công dự án |
"Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình, mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Hồng, đường Vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án cũng nối trực tiếp hai tuyến cao tốc lớn của khu vực phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình nên tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông, phát huy hiệu quả cho hai tuyến cao tốc. Trong thời gian thi công, dự án sẽ huy động một số lượng lớn nhân công, lao động góp phần tạo công ăn việc làm cho các địa phương có công trình đi qua. Tất cả những điều đó sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam, Thái Bình nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung", ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, nhà đầu tư đã huy động đủ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí. Dự kiến địa điểm xây dựng trạm thu phí của dự án đặt tại Km5+539 (cuối dự án cầu Thái Hà) thuộc địa phận xã Tiến Đức (Hưng Hà, Thái Bình). Doanh thu thu phí để tính hoàn vốn cho dự án được xác định trên cơ sở dự báo lưu lượng xe, thời gian dự kiến tính từ quý I/2017, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng hơn 19 năm.
Đ.Thắng - Đ.Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận