Bóng đá

Cầu thủ Nam Mỹ đang bị đồng hóa ở châu Âu?

09/12/2020, 09:18

Dường như sau Lionel Messi, bóng đá Nam Mỹ chưa giới thiệu được cái tên nào đủ tầm tạo ảnh hưởng lên lục địa già.

img

Neymar là cầu thủ giỏi nhưng không tạo ra được tầm ảnh hưởng lớn tại châu Âu. Ảnh: Sky Sports

Cầu thủ trẻ đến từ Nam Mỹ được các đội bóng châu Âu săn đón từ rất sớm, được đào tạo theo phong cách châu Âu, chơi thiên về chiến thuật, thực dụng hơn nên không còn “chất” Nam Mỹ cũng như không tạo được sức ảnh hưởng.

Đâu rồi những kẻ chinh phục từ Nam Mỹ

Sau những rắc rối liên quan tới chuyện đi hay ở cùng gánh nặng tuổi tác, tiền đạo Lionel Messi không còn thể hiện phong độ chói sáng ở mùa giải năm nay.

Tại La Liga, anh mới ghi 4 bàn, xếp tận thứ 11 trong danh sách các chân sút phá lưới nhiều nhất giải đấu số 1 Tây Ban Nha. Chính màn trình diễn kém thuyết phục của M10 là một phần nguyên nhân khiến Barcelona sa sút, hiện đang xếp tận thứ 9 trên bảng xếp hạng.

Mới nhất, đội chủ sân Nou Camp để thua đối thủ tí hon Cadiz với tỉ số 1 - 2. Nhiều ý kiến nhận định, triều đại của Messi tại Barcelona đã đến hồi kết, chấm dứt hơn 10 năm tiền đạo này làm mưa làm gió, tạo nên tầm ảnh hưởng vô cùng lớn với bóng đá châu Âu. Đã có những thời điểm, Messi ra sân là đồng nghĩa chiến thắng nằm trong tay đội bóng xứ Catalan.

Vấn đề ở chỗ, dường như sau Lionel Messi, bóng đá Nam Mỹ chưa giới thiệu được cái tên nào đủ tầm tạo ảnh hưởng lên lục địa già. Tầm ảnh hưởng ở đây không đơn thuần là phong độ cá nhân chói sáng mà cầu thủ đó còn phải có đóng góp quyết định giúp đội bóng chủ quản giành các danh hiệu lớn. Ngoài ra, cầu thủ còn phải tạo ra những quy chuẩn ở vị trí của mình.

Neymar (PSG) từng nhận nhiều kỳ vọng sẽ thay thế vị trí Messi để lại nhưng tiền đạo Brasil tới nay vẫn chưa thể bứt khỏi vỏ bọc một thần đồng. Chân sút Brasil xuất sắc, nhưng lại chơi bóng quá bản năng, thiếu sự kiềm chế vừa đủ để phát triển vượt bậc.

Một số cái tên sáng giá khác như: Gabriel Jesus (Man City), Paolo Dybala (Juventus) hay Roberto Firmino (Liverpool) cũng không thể tạo ra sức bật về mặt chuyên môn.

Tại Man City, Jesus chưa bao giờ là tay săn bàn hàng đầu, anh cũng thường xuyên gặp chấn thương. Dybala chẳng thể trở thành ngôi sao số 1 trong màu áo Juventus. Firmino đúng là có bước tiến đáng kể từ khi chuyển tới Liverpool nhưng anh vẫn đứng sau cái bóng của Mohamed Salah.

Khá đáng buồn cho thực trạng này, bởi trong quá khứ, rất nhiều danh thủ Nam Mỹ từng làm khuynh đảo lục địa già. Ngay trước Messi, người hâm mộ cũng được chứng kiến những Ronaldinho, Rivaldo, Ronaldo, Roberto Carlos… tạo ra ảnh hưởng vô cùng lớn.

Họ đều sở hữu những “đặc sản” vạn người mê. Ví như Ronaldinho là những pha bóng lắc lư hay Carlos là những pha lên biên và sút xa dũng mãnh.

Trái ngược với sự sa sút của cầu thủ Nam Mỹ, cầu thủ châu Âu lại đang cho thấy mình mới là chủ nhân thực sự ở lục địa già. Nhìn quanh một lượt các nhà vô địch 5 giải đấu hàng đầu châu Âu mùa trước, không khó để nhận ra những ngôi sao đóng góp lớn nhất đều đến từ châu Âu. Đó là Kylian Mbappe (PSG), van Dijk (Liverpool), Cristiano Ronaldo (Juventus), Robert Lewandowski (Bayern Munich) hay Karim Bezema (Real Madrid).

Cầu thủ Nam Mỹ bị đồng hóa

Theo chuyên gia Pauly Kwestel của tờ Thecomeback, sở dĩ cầu thủ Nam Mỹ không duy trì được tầm ảnh hưởng ở châu Âu là bởi họ bị bóng đá châu Âu đồng hóa.

Pauly Kwestel cho rằng, những cầu thủ Nam Mỹ trong quá khứ đều mang đến sự bùng nổ trong các pha xử lý, khiến cả sân vận động phải đứng dậy vỗ tay, kể cả CĐV đối thủ. Ronaldinho là ví dụ rõ nhất, anh từng khiến CĐV Real phải tán thưởng khi phô diễn kỹ thuật thượng thừa.

“Cầu thủ Nam Mỹ giờ đây bị các đội bóng châu Âu săn đón từ rất sớm, họ không có đủ thời gian để phát triển theo phong cách Nam Mỹ. Ngược lại, họ được đào tạo theo phong cách châu Âu, chơi thiên về chiến thuật hơn, thực dụng hơn nên không còn “chất” Nam Mỹ. Trong bóng đá, khi bạn không khác biệt, đương nhiên bạn không thể thành công. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các đội bóng Nam Mỹ hoàn toàn lép vế ở những kỳ World Cup gần nhất. Kể từ năm 2006, World Cup đã trở thành cuộc chơi của riêng châu Âu”, Pauly Kwestel phân tích.

Trong khi đó, tờ Fivethirtyeight lại có cái nhìn tương đối khác biệt. Cụ thể, tờ báo này nhận định, bóng đá châu Âu ngày một coi trọng yếu tố chiến thuật hay nói cách khác là thứ bóng đá nặng về tính tổ chức. Ngược lại, cầu thủ Nam Mỹ thường chỉ phát huy tối đa khả năng khi được đặt vào môi trường bóng đá phi cấu trúc, thiên hướng tự do.

“Lionel Messi sở dĩ trở thành biểu tượng ở Barcelona là do anh ta được tạo điều kiện tối đa, chơi bóng theo ý mình. Nhưng hàng nghìn cầu thủ Nam Mỹ khác ở châu Âu không có may mắn đó. Họ bị gò bó theo khuôn khổ và bỏ quên những gì tốt nhất của mình trước khi vào sân”, Fivethirtyeight viết.

Còn theo Parkinson, cây bút của tờ NewsEU, không thể bỏ qua sự phát triển nhanh chóng của bóng đá châu Phi cũng như châu Á, hai lục địa trước đây vốn yếu thế so với Nam Mỹ, châu Âu.

“Nhìn tổng thể, châu Phi và châu Á chưa thể tạo ra thế so kè với châu Âu hay Nam Mỹ nhưng họ cũng đã có những cầu thủ xuất sắc, mang tầm ảnh hưởng nhất định ở châu Âu. Tiêu biểu như Sadio Mane của Liverpool hay Son Heung-min của Tottenham. Rõ ràng, cầu thủ Nam Mỹ giờ vấp phải nhiều sự cạnh tranh hơn so với trước đây”, Parkinson kết lại.

Cây bút Gary Parkinson của tờ NewsEU lại đưa ra nhận định, sự phát triển vượt bậc của bóng đá châu Âu trong những năm trở lại đây giúp họ tạo ra những cầu thủ xuất sắc, lấn át cầu thủ Nam Mỹ. “Giai đoạn 1975 - 1986, đa phần các đội bóng châu Âu đều không có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thế giới. Nhưng hiện tại, 6/10 đội bóng trong top 10 thế giới tới từ châu Âu. Sự vượt trội trong đào tạo từ dinh dưỡng tới áp dụng khoa học kỹ thuật giúp bóng đá châu Âu ngày có nhiều tài năng xuất chúng”, Parkinson nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.