Tăng Tuấn rời làng quê nông thôn nghèo ở Triệu Sơn, Thanh Hoá lên lò đào tạo trẻ Thanh Hóa khi mới 13 tuổi với ước mơ đổi đời. Năm 16 tuổi, Tăng Tuấn bất ngờ bị Thanh Hoá trả về vì lý do thể hình nhỏ bé.
Giữa ngã rẽ cuộc đời, Tuấn lại có mối duyên trời định khi được "mai mối" với bầu Đức. Tưởng chừng sẽ được thi đấu dưới màu áo của CLB phố núi, được gặp mặt thần tượng Kiatisak, Dusit, Taiwan, Thonglao... thì cầu thủ sinh năm 1986 mới tá hoả khi biết mình được tuyển vào đội bóng của Sở TDTT tỉnh chứ không phải đội bóng của HAGL.
Mãi 3 năm sau đó, năm 2006, Tăng Tuấn mới chính thức được đặt chân vào HAGL khi bầu Đức mượn lứa cầu thủ của Sở để tham dự giải U21 Quốc gia tại Đà Nẵng. Tuấn đá tốt, trở thành Vua phá lưới và được ký hợp đồng với HAGL.
Sau 5 năm gắn bó và hoàn tất bản hợp đồng với HAGL, Tăng Tuấn quyết định rời đến CLB Bình Dương để đảm bảo nỗi lo cơm áo gạo tiền và có cơ hội thăng tiến. Bởi, trong suốt 5 năm gắn bó với đội bóng phố núi, anh chỉ đá với đồng lương, thưởng cũng như không danh hiệu. Mặc dù, anh vẫn ưu tiên cho việc tiếp tục ở HAGL nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung vì số tiền mà đội bóng bỏ ra chỉ bằng 1 nửa so với đề xuất của những CLB đang muốn chiêu mộ Tuấn lúc đó.
Quá bực với sự ra đi của Tăng Tuấn, ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức) liền ám chỉ: “Cầu thủ Việt Nam càng lớn càng mất dạy” - câu nói để đời của chủ tịch HAGL trong buổi tọa đàm các ông bầu diện ra tại TP.HCM, hồi tháng 9/2011.
Giải thích về lý do "dứt áo ra đi", Tăng Tuấn từng cho biết, thực tế anh không phải sản phẩm của lò đào tạo HAGL, mà trưởng thành từ lớp năng khiếu bóng đá trực thuộc Sở TDTT Gia Lai, trước khi chuyển sang câu lạc bộ phố núi năm 2006. Tuấn hết hợp đồng và không đạt được thỏa thuận ký mới với đội bóng cũ, anh ra đi, và không nhận bất kỳ ân huệ nào từ tài chính. Câu nói của bầu Đức khiến Tuấn chịu nhiều áp lực.
Nếu như ở HAGL, Tăng Tuấn vừa phải lo về kinh tế, vừa lo về tương lai sân cỏ thì với Bình Dương, Tuấn như cá gặp nước, anh có tất cả: Từ sự quan tâm của lãnh đạo đội bóng đến tinh thần, kinh tế, tất cả mọi thứ trong thời gian gắn bó với Bình Dương. Điều này giúp anh thoải mái để yên tâm thi đấu, không phải lo về vấn đề về sau.
Tuy nhiên, nhưng sóng gió chưa một ngày buông tha anh dù đã rời phố núi. Anh đá tốt, đá hay nhưng chưa một lần được nằm trong danh sách lên ĐT Việt Nam. Có lần, một cầu thủ trẻ ở đội bóng cũ nói rằng "anh đừng bao giờ mong được lên tuyển" và Tuấn đã hiểu ra. Sau 4 năm khoác áo Bình Dương, Tuấn có tất cả. Nhưng anh vẫn quyết ra đi để đầu quân cho đội bóng quê hương Thanh Hoá. Kể cả khi Thanh Hoá rơi vào khủng hoảng, nợ lương cầu thủ trong nhiều tháng, Tuấn vẫn chọn ở lại với màu áo quê hương.
Có những bản hợp đồng chuyên nghiệp, Tuấn tiết kiệm và có “chút đỉnh” để tạo dựng cuộc sống mới sau khi giải nghệ. Anh cưới vợ làm công an, mua nhà ở Đà Nẵng và xây khách sạn. Nhìn lại sự nghiệp thăng trầm trong quá khứ, Tăng Tuấn của hôm nay cho biết anh không còn trách móc, oán hờn ai, không suy nghĩ nhiều mà hướng tới những mục tiêu mới trong cuộc sống.
Tuấn cũng đã mở được một Trung tâm bóng đá cộng đồng vừa là nơi để thỏa đam mê vừa làm bàn đạp cho những giấc mơ sau này của anh. Thế nhưng, ở tuổi 32, Tăng Tuấn bất ngờ tuyên bố giải nghệ dù vẫn nung nấu sự nghiệp sân cỏ để dành nhiều thời gian cho gia đình và con nhỏ.
Tăng Tuấn cũng như rất nhiều cựu cầu thủ HAGL khác từng phải đối mặt với nhiều sóng gió của cuộc đời. Nhưng, Tuấn hơn người ở chỗ anh đã vượt qua cái "ngưỡng" mà rất nhiều người khác không thể vượt qua. Tuấn của ngày hôm nay vẫn còn đó, kể cả khi giải nghệ, sự nghiệp "quần đùi, áo số" vẫn là mối duyên tiền định với cầu thủ xứ Thanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận