Bóng đá

Cầu thủ và đội bóng V-League ra sao trong “bão” Covid-19?

02/04/2020, 06:30

Các đội bóng tại V-League 2020 ít nhiều đều đang gặp khó khăn về mặt tài chính do giải phải hoãn trong thời gian dài.

img
Nhiều đội bóng ở V-League 2020 chưa tính tới chuyện giảm lương (Trong ảnh: Cầu thủ Hà Nội FC và Than Quảng Ninh tranh bóng trong trận đấu thuộc vòng 2 V-League 2020)

Mặc dù vậy, đa phần đều đang cố gắng đảm bảo lương cho cầu thủ ở giai đoạn trước mắt.

2/14 CLB V-League giảm lương

Cầu thủ Việt Nam không như cầu thủ nước ngoài có thể sống khỏe bằng lương. Lương cầu thủ Việt Nam chỉ đủ để duy trì cuộc sống, lo cho vợ con là đã phải chắt chiu rồi. Nếu giảm lương thì chắc chắn là thách thức không nhỏ cho chúng tôi. Nói vậy nhưng nếu lãnh đạo đội bóng có ý định giảm lương thì anh em cầu thủ cũng sẵn sàng chia sẻ, cùng đội vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”
Đội trưởng CLB Quảng Nam Đinh Thanh Trung


Dịch bệnh Covid-19 khiến bóng đá thế giới nói chung, bóng đá Việt Nam rơi vào cảnh “đóng băng”, mọi hoạt động đều bị đình chỉ, chưa hẹn ngày trở lại. Các đội bóng V-League vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ), Chủ tịch CLB Thanh Hóa, nghỉ đá nhưng toàn đội Thanh Hóa vẫn sinh hoạt tập trung, chi phí cơ bản cho vài chục con người khá tốn kém.

Ông Đệ phân tích thêm, không tổ chức các trận đấu, CLB không thực hiện được nghĩa vụ với nhà tài trợ nên chưa thể đề nghị giải ngân. Cũng theo bầu Đệ, nếu cứ đà này, nhiều đội bóng V-League sẽ lao đao. Tuy vậy, người đứng đầu đội bóng xứ Thanh chia sẻ, lãnh đạo CLB chưa tính tới chuyện giảm lương cầu thủ.

Không phải thuộc hàng đại gia nhưng CLB SLNA lại khá bình thản trước cơn khủng hoảng. Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch SLNA, đội bóng xứ Nghệ vẫn cân đối được chi tiêu: “Không thi đấu, đội cắt giảm được nhiều chi phí phát sinh như vé máy bay, khách sạn hay tiền thưởng. Những khoản chi cho sinh hoạt hay lương vẫn giữ nguyên. Chúng tôi có kế hoạch tài chính từ đầu mùa nên không quá lo lắng. Chắc chắn trong vài tháng tới, đội vẫn trả lương cho cầu thủ bình thường, dù giải có đá lại hay không”.

Nhà đương kim vô địch Hà Nội FC mới đây thông báo tạm giải tán đội nhằm đảm bảo thực hiện đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không tụ tập quá 10 người. Ngoài ra, ông Đỗ Vinh Quang, Chủ tịch Hà Nội FC chia sẻ, việc để cầu thủ về nhà cũng là biện pháp giảm bớt chi phí. “Nếu giải hoãn hết tháng 4, chúng tôi vẫn đảm bảo tài chính để trả lương cho cầu thủ. Tuy nhiên, nếu sang tới tháng 5, tháng 6 thì đội sẽ phải tính toán lại, giảm lương cũng là một biện pháp. Hy vọng rằng cầu thủ sẽ ủng hộ chủ trương của CLB”, ông Quang nói.

Chung quan điểm, Chủ tịch CLB Sài Gòn Vũ Tiến Thành nói, giảm lương có thể gây ra hiệu ứng xấu. Tuy nhiên, đội chủ sân Thống Nhất sẽ tùy tình hình để đưa ra quyết định bởi không thi đấu nhưng vẫn phải ôm chi phí, tới khi giải trở lại sẽ bị bội chi. CLB B.Bình Dương cũng muốn đợi diễn biến tiếp theo rồi mới quyết định còn hiện tại, nói như ông Lê Hồng Cường, Tổng giám đốc B.Bình Dương là “đội muốn cầu thủ yên tâm tập luyện, duy trì phong độ”. Câu chuyện tương tự diễn ra ở CLB Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, Than Quảng Ninh, Viettel…

Ở Tây Nguyên, HAGL tuy chưa công bố nhưng cũng đang có những động thái rục rịch giảm lương. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tính toán, mỗi đội V-League trung bình một mùa tiêu hết khoảng 40 tỷ đồng, trong đó gần một nửa dành cho trả lương, thưởng. Nếu cầu thủ giảm lương, chi phí cả mùa sẽ giảm xuống, bớt gánh nặng cho đội.

Ở một diễn biến khác, CLB TP HCM đã thông báo sẽ giảm lương. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng cho hay, các cầu thủ đều đồng tình, cùng chia sẻ khó khăn với đội. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể ra sao thì ông Thắng chưa tiết lộ. “Ban lãnh đạo và Ban huấn luyện đang bàn thảo để đưa ra quyết định cuối cùng. Việc giảm là chắc chắn nhưng về cơ bản sẽ không quá sâu để cầu thủ có thể đảm bảo cuộc sống”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, CLB Nam Định cho biết đội bóng sẽ giảm 25% lương của các thành viên, bao gồm cả ban huấn luyện lẫn cầu thủ. “Chúng tôi vừa họp chiều 31/3 để đưa ra quyết định. Tôi cũng đã tổ chức họp đội, thông báo cho cầu thủ. Các em đều rất vui vẻ ủng hộ. Cái may của chúng tôi là cầu thủ hầu hết là con em trong tỉnh nên dễ cảm thông. Trước mắt, đội sẽ giảm lương trong tháng 4, sau đó tùy tình hình để điều chỉnh”, HLV Nguyễn Văn Sỹ thông tin.

Lương cười, thưởng mếu

img
Nam Định giảm 25% lương của toàn bộ các thành viên. Ảnh: VPF

Thực tế, việc nhiều đội bóng V-League giữ nguyên lương cho cầu thủ mùa dịch không quá khó hiểu. Bởi lẽ, nguồn thu chính của các đội tới từ nhà tài trợ và một phần kinh phí địa phương. Hai nguồn này thường tới vào đầu mùa, rất ổn định nên khi xảy ra sự cố họ vẫn có thể xoay xở. Nhưng khi mùa giải kéo dài, các khoản chi phải đội lên, nhiều CLB sẽ phải tính toán lại vấn đề chi tiêu. Riêng trường hợp Nam Định, đội bóng này vốn có nền tảng tài chính vào loại thấp nhất giải, mấy mùa qua đều phải “giật gấu vá vai”, có thời điểm nợ lương cầu thủ.

Tới thời điểm này, đa phần các CLB đều chưa giảm lương nên về cơ bản cầu thủ ở V-League tạm thời có thể yên tâm. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, với những tuyển thủ quốc gia, thường xuyên được đá chính, mức lương rơi vào khoảng 40 - 50 triệu đồng/tháng. Còn mức lương phổ biến thường dao động từ 15 - 30 triệu đồng/tháng, tùy theo điều kiện của mỗi CLB. Ví dụ như CLB Nam Định, ngoài các ngoại binh, các cầu thủ nội đều chỉ nhận trên dưới 15 triệu đồng/tháng.

Tất nhiên, thu nhập của cầu thủ không chỉ gồm mỗi lương mà còn có thưởng theo từng trận hòa hoặc thắng và tiền quảng cáo. Với tiền thưởng, ở các CLB dư giả như: Hà Nội FC, TP HCM, Than Quảng Ninh, thường mỗi trận thắng sẽ nhận 500 triệu đồng tiền thưởng. Cầu thủ đá chính sẽ đút túi thêm khoảng 20 - 30 triệu đồng. Nếu thắng 4 trận/tháng, cầu thủ đá chính ở các đội trên sẽ xung két khoảng trên 100 triệu đồng. Ở những trận đấu quan trọng, Hà Nội FC có thể trao thưởng 1 tỷ đồng nếu thắng, mức chia cho cầu thủ sẽ tăng đáng kể. Những CLB khác mức thưởng không giống nhau nhưng cầu thủ ít nhiều đều được ghi nhận khi giành chiến thắng. Không thi đấu, đồng nghĩa cầu thủ sẽ không có tiền thưởng.

Trong khi đó, tiền quảng cáo chỉ tập trung vào nhóm cầu thủ ngôi sao, có lượng CĐV lớn. Theo một người đại diện có thân chủ đang chơi bóng ở V-League, thông thường, một ngôi sao hạng A, chỉ riêng việc đăng status trên Facebook cá nhân cũng giúp cầu thủ thu về trên dưới 100 triệu đồng. Trường hợp nhãn hàng mời dự sự kiện, có đăng status thì chi phí có thể gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Nếu đóng MV quảng cáo cho nhãn hàng, sao hạng A có thể kiếm về từ 250 - 300 triệu đồng, tùy nhãn hàng và kênh truyền thông phát tán MV. Trong khi trở thành đại sứ thương hiệu, con số chắc chắn ấn tượng hơn.

Đáng tiếc, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều nhãn hàng gặp khó khăn nên những hoạt động quảng bá sản phẩm, thương hiệu cũng bị đình chỉ. Vì vậy, sao V-League cũng ít cơ hội chạy sự kiện hay quảng cáo để có thu nhập. Cứ nhìn việc nhiều tuyển thủ Việt Nam sắm xế sang hàng tỷ đồng trong khi mức lương chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng thì đủ hiểu “lậu” mới là nguồn thu lớn nhất của các cầu thủ.

Tuy nhiên, bộ phận các cầu thủ kiếm được tiền từ các hoạt động bên ngoài bóng đá không nhiều, đếm sơ sơ cũng chỉ khoảng hơn chục cái tên có mác đội tuyển. Phần còn lại gần như chỉ sống dựa vào lương, thưởng. Bởi thế, khi thưởng đã không có, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài dẫn tới lương bị cắt giảm thì số này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Gánh nặng lương cho ngoại binh

Ông Bùi Xuân Hòa, Giám đốc điều hành CLB SHB Đà Nẵng đề xuất, nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, giải không sớm trở lại, các CLB có thể chấm dứt hợp đồng với các ngoại binh để giảm gánh nặng. Ý kiến của ông Hòa khá thiết thực bởi mỗi ngoại binh ở V-League nhận từ khoảng 100 triệu đồng tới hơn 200 triệu đồng/tháng. Ví như Hà Nội FC chỉ phải chi khoảng 6 tỷ mỗi mùa trả lương cho hơn 20 nội binh trong khi riêng 4 ngoại binh đã ngốn khoảng 4 tỷ. Nói là vậy nhưng việc đơn phương hủy hợp đồng không hề đơn giản, nhiều điều giàng buộc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.