Chiều ngày 7/9, liên quan đến bài viết phản ánh của Báo Giao thông “Kỳ lạ cầu tiền tỷ ở Đắk Lắk xây dang dở, bỏ hoang hơn 2 thập kỷ”, tại buổi họp báo định kì tháng 8, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phản hồi thông tin đến Báo Giao thông.
Thi công được 70% khối lượng rồi dừng
Theo Sở GTVT, năm 1998, tỉnh Đắk Lắk là một trong 8 tỉnh được Bộ GTVT xây dựng cầu treo dây văng thuộc chương trình giao thông nông thôn. Theo đó, Bộ GTVT hỗ trợ kết cấu thượng bộ cầu dây văng, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp xây dựng phần hạ bộ và đường dẫn. Dự án được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Sở GTVT Đắk Lắk làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 4,748 tỷ đồng.
Dự án được xây dựng theo thiết kế phê duyệt ngày 8/4/1999 với tiêu chuẩn kĩ thuật cầu treo dây văng nông thôn, tải trọng thiết kế H13, khổ cầu 4m không có lề người đi bộ, chiều rộng toàn cầu 4,4m, chiều dài nhịp là 140m. Sơ đồ kết cấu nhịp gồm: 2x18m + (24,5m+55m+24,5m), kết cấu nhịp chính là nhịp treo dây văng-dầm cứng, chiều dài toàn cầu là 147m. Mố trụ là bê tông cốt thép, tầng xuất thiết kế thủy văng 1%, đường đầu cầu hai bên dài 824,6m, xây dựng theo đường cấp 4 tiêu chuẩn Miền núi.
Công trình được triển khai thi công từ tháng 4/1999 đến tháng 3/2004 thì dừng thi công. Tại thời điểm dừng thi công, công trình đã thi công xong phần mố trụ cầu bao gồm: 1 mố cầu, 4 trụ cầu, riêng mố cầu phía xã Ea R’Bin đã thi công xong phần móng, cột thân mố, phần xã mũ mố chưa thi công.
Phần kết cấu nhịp dẫn đã đúc xong 4 dầm bê tông cốt thép nhịp 18m và đã lao lắp xong 2 nhịp dẫn (18mx2 nhịp); phần kết cấu nhịp dây văng đã gia cố chế tạo xong toàn bộ hệ kết cấu nhịp bằng thép theo sơ đồ 24,5m + 55m + 24,5m. Đường dẫn cầu đã thi công một phần phía Quảng Phú, giá trị khối lượng thi công đạt 70%.
Dừng... để tiết kiệm
Tại buổi họp báo, ông Lê Công Du, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nguyên nhân dừng dự án là tại thời điểm trên, thủy điện Buôn Tusa triển khai xây dựng có dự án đường công vụ, đường quản lý vận hành. Tuyến đường này kết nối với quốc lộ 27 đến xã Nam Ka và vượt sông rông Nô tại xã Nam Ka đến giao với tỉnh lộ 4 thuộc xã Quảng Phú (huyện Krông Nô).
Đây là cầu bê tông cốt thép có tải trọng H30 (30 tấn) nên đáp ứng được nhu cầu phục vụ giao thông thông thương của tỉnh Đắk Lắk. Như vậy, kết nối hai xã Ea R’Bin và Nam Ka đã được giải quyết. Do đó, UBND tỉnh quyết định dừng thi công. Sau đó, UBND tỉnh giao Sở GTVT kiểm kê, nghiệm thu khối lượng đã thi công, thực hiện thanh quyết toán theo quy định. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn để thanh toán”.
Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về việc xử lý hiện trạng cây cầu? Nhịp cầu dây văng đã được thi công xong chờ lắp được xử lý như thế nào?.
Ông Lê Công Du thẳng thắn nói: “Nếu tiếp tục đầu tư dự án thì không hiệu quả, do tải trọng cầu chỉ có 13 tấn. Hơn nữa, kết cấu cầu chính là kết cấu nhịp bằng thép, công tác quản lý bảo trì rất tốn kém. Thời gian tới, Sở GTVT sẽ kết hợp với các Sở, Ngành và địa phương tiến hành khảo sát và sẽ có báo cáo, tham mưu phương án cụ thể cho UBND tỉnh, có thể là cho tháo dỡ.
Đối với kết cầu nhịp cầu dây văng đã được gia công xong. Phần này, thời điểm đó được Bộ GTVT chỉ định cho Công ty SCCT&CKGT-Khu 5 (thuộc quản lý đường bộ V) sản xuất. Hiện tại nhịp cầu đã được nghiệm thu, thanh toán và đang để ở Công ty trên (hiện nay là Công ty quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân).
Trước đây, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép thanh lý sản phẩm trên. Tuy nhiên, trong thời gian đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính chưa có ý kiến, cho đến nay vẫn còn để dưới Công ty quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân”.
>>> Video: Cầu tiền tỷ xây dang dở rồi bỏ hoang hơn 2 thập kỷ ở Đắk Lắk:
Sau khi nghe Sở GTVT thông tin, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Tình trạng cây cầu để chơi vơi như vậy là không ổn. Báo chí phản ánh là đúng. Các công trình đầu tư rồi dừng lại, cần phải có hướng xử lý. Sở GTVT phải có cách xử lý cây cầu trên”.
PV Báo Giao thông đặt câu hỏi: “Cây cầu đầu tư dang dở rồi dừng, việc lãng phí đã thấy rõ. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?”.
Ông Nguyễn Tuấn Hà trả lời: “Những công trình không cần thiết để tiếp tục đầu tư nên dừng. Đó cũng là giải pháp để tiết kiệm nguồn lực của nhà nước. Còn vấn đề xử lý trách nhiệm thì để chúng tôi xem lại, vì chưa biết xử lý như thế nào. Vì từ năm 2004, mấy chục năm rồi, không thể nói ngay được”.
“Hôm nay chỉ nằm ở mức độ báo cáo thông tin, còn tổng mức đầu tư, quyết toán công trình, ứng báo nhiêu nhịp cầu dây văng phải kiểm tra lại. Tôi đề nghị Sở GTVT kiểm tra lại và thông tin đến báo”, Phó Chủ tịch UBND trả lời.
Như Báo Giao thông đã phản ánh, hơn 2 thập kỷ qua, trên dòng sông Krông Nô tồn tại một cây cầu đồ sộ với chiều dài hơn 100m, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắk Lắk (tại xã Ea R’bin, huyện Lắk) và Đắk Nông (tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) trong tình trạng xây dựng dang dở rồi bỏ hoang. Cây cầu “chết” đứng sừng sững giữa dòng Krông Nô khiến ai nhìn vào cũng xót vì sự lãng phí quá lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận