Đại tướng Trần Đại Quang gặp lại thày Phạm Thạnh, một trong những thày giáo cũ, trong lần thăm trường THPT Kim Sơn B năm 2014 |
Trò nghèo học giỏi
“Ngày ấy, ở trường huyện nghèo này, hình như nhà trò nào cũng nghèo, nhưng anh Quang có hoàn cảnh khó khăn hơn cả”, ông Phan Thanh Ngọ (trú xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), bạn học 3 năm cấp III với ông Trần Đại Quang bắt đầu câu chuyện với PV Báo Giao thông.
Theo lời ông Ngọ, gia đình Chủ tịch nước có 6 người con. Ông Ngọ cho biết: "Hàng ngày, bố anh đi đơm đó (đơm bắt tôm cá trên sông-NV), mẹ đi bán chuối, tảo tần nuôi 4 người con trai và 2 người con gái ăn học. Năm anh Quang mới vào tiểu học, người con út trong gia đình còn đang ẵm ngửa thì bố mất, cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn".
“Thuở ấy, chúng tôi ai cũng phải chăn trâu cắt cỏ, chăn gà chăn vịt, nuôi lợn nuôi gà... Nhưng do nhà anh Quang bố mất sớm, mẹ ngược xuôi bán hàng nuôi 6 người con, nên anh ấy càng nhiều việc hơn, hầu như chẳng có thời gian nghỉ ngơi”, ông Ngọ nói.
"Thấy nhà trường cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, nhất là phòng máy tính của trường hầu hết đã hư hỏng, đến thời hạn thay mới và thư viện cũ kỹ, ít sách, bác Trần Đại Quang đã tặng trường một thư viện hơn 1.000 đầu sách mới và một phòng học với 50 bộ máy tính. Đây là món quà thiết thực, quý giá và giàu ý nghĩa đối với nhà trường”. Thày Vũ Xuân Sinh |
Trong ký ức của ông Ngọ, nhà nghèo nhưng cậu học trò Trần Đại Quang học rất giỏi. “Năm cấp III, anh ấy đã được nhà trường tặng một chiếc xe đạp của Đức. Ngày ấy, chiếc xe đạp là cả một tài sản cực lớn, trong mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ tới”, ông Ngọ tự hào kể.
Ông Ngọ vẫn nhớ, người bạn học cũ không chỉ học giỏi, chăm chỉ, mà còn cư xử rất điềm tĩnh, trầm tính. “Tôi vẫn nhớ hình ảnh trường bị đánh phá, phải sơ tán lên xã Ân Hòa, học tại một ngôi miếu nhỏ. Cả lớp mỗi người phải mang một bó rơm từ nhà đi để quết bùn trát đất dựng lớp học, anh Quang làm rất nhanh”, ông Ngọ nói.
Từng ngồi chung bàn suốt 3 năm cấp III cùng bạn học Trần Đại Quang trong những năm học tại trường THPT Kim Sơn B, PGS. TS Trịnh Xuân Ngọ, hiện đang công tác tại trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn ấn tượng về người bạn học cũ học giỏi. “Anh Quang cao to nhất lớp, quần áo cứ cộc hớn, hay đội cái mũ cát giống mũ của Bác Hồ. Có lần, tôi và anh Quang tranh chỗ ngồi học của nhau. Cô giáo dạy văn khi đó đang giảng về tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, thấy tôi và anh Quang mất trật tự, cô dừng lại hỏi: “Quang với Ngọ làm gì đấy, thế Quang đã nắm được bài chưa?”, anh Quang nhanh nhảu: “Thưa cô em chịt được rồi”. Anh Quang quen nói từ địa phương, bài vở mà cậu ấy nói “chịt” (chộp - NV) như thể đã bắt được cá vậy, khiến cả lớp cười ồ”, PGS. TS Ngọ kể.
Rời mái trường cấp III, ông Trịnh Xuân Ngọ không đủ sức khỏe vào bộ đội nên đi học Đại học Nông nghiệp ngoài Hà Nội, còn bạn cùng lớp Trần Đại Quang vào ngành Công an. “Tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường Đại học Nông nghiệp, rồi tăng cường vào giảng dạy ở Tây Nguyên. Sau đó, từ Đại học Tây Nguyên, tôi đi làm tiến sỹ bên Tiệp Khắc. Biền biệt suốt thời gian dài, đến năm 1993, khi hoàn thành tiến sỹ ở nước ngoài về, tôi mới có dịp gặp gỡ bạn bè cũ, mới có cơ hội gặp lại anh Quang. Anh Quang rất bận, chỉ đến chút xíu nhưng cảm giác vẫn chân tình, thân thiện như xưa”, ông Ngọ chia sẻ.
Đại tướng Trần Đại Quang đã tặng 50 máy tính cho Phòng Tin học Trường THPT Kim Sơn B |
Ân tình thày cũ, trường xưa
Nói về những ngày làm chủ nhiệm lớp 9B trường THPT Kim Sơn B mà cậu học trò Trần Đại Quang theo học, thày Lê Tiến Toàn (SN 1938, ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình), cựu giáo viên trường THPT Kim Sơn B cho biết, những ngày đó địch đánh phá ác liệt, trường lớp phải sơ tán về một miếu thờ ở thôn Duy Hòa, xã Ân Hòa, dựng nhà tranh vách đất làm lớp. Cứ mưa gió, lớp học đổ, thày trò lại dựng lại.
“Hoàn cảnh thời đó khó khăn lắm, nhà trò Quang lại càng khó khăn hơn. Ngày tôi đang dạy trò Vinh, anh trai đầu của trò Quang ở trường cấp II Hùng Tiến thì bố các cậu ấy mất. Lúc đó, trò Vinh đang là lớp trưởng, cũng học giỏi lắm, nhưng khi bố mất đã định xin nghỉ học vì nhà nghèo quá. Tôi đã phải đến tận nhà động viên Vinh trở lại lớp. Thời điểm ấy, trò Quang học tiểu học, còn cậu út tên Tỏ mới được 3-4 tháng, đang ẵm ngửa. Tôi rất thương cảm với hoàn cảnh gia đình trò Vinh, trò Quang khi mẹ các em một nách nuôi 6 đứa con thơ, nên đã làm bài thơ động viên mẹ trò Quang: “Tin rằng sầu sẽ bớt vơi. Nuôi con khôn lớn nên người mai sau. Đời bà tần tảo chuối rau. Nuôi con khôn lớn để sau được nhờ”, thầy Toàn kể.
Sáng 2/4, với 460/465 đại biểu (chiếm 93,12% tổng số ĐBQH) bỏ phiếu tán thành, ông Trần Đại Quang chính thức được bầu làm Chủ tịch nước. Ông Trần Đại Quang sinh năm 1956, quê quán huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ông Trần Đại Quang từng giữ các chức vụ Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh. |
Trong ký ức của thày Toàn, trò Quang cao lớn, thông minh, khôi ngô và học giỏi. Bận rộn công việc mà Đảng và nhân dân giao trọng trách, dù ít khi gặp mặt, nhưng hàng năm người học trò cũ đều gửi thiệp, gửi quà chúc mừng thày. Giọng xúc động, thày Toàn cho hay: “Tôi vừa trải qua ca mổ tim. Khi tôi lên cơn đau, người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Thấy thủ tục vượt tuyến có phần phức tạp, lo sợ cha tuổi cao sức yếu, con gái tôi đã mạo muội bấm máy gọi cho trò Quang. Trò Quang khi ấy đang công tác ở nước ngoài đã lập tức điện về cho phía bệnh viện và nhắn tôi cứ yên tâm điều trị, cậu ấy còn gửi cho tôi 10 triệu đóng viện phí. Thật là một người học trò có đức có tài. Có được người học trò như vậy, tôi tự hào lắm”.
Chung tâm trạng tự hào vì trong trang sử của nhà trường, có tên một học trò là Chủ tịch nước, thày Vũ Xuân Sinh, Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B cho biết, nhà trường vinh dự đón Đại tướng Trần Đại Quang đến thăm lần gần nhất vào năm 2014.
“Thấy nhà trường cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, nhất là phòng máy tính của trường hầu hết đã hư hỏng, đến thời hạn thay mới và thư viện cũ kỹ, ít sách, bác Trần Đại Quang đã tặng trường một thư viện hơn 1.000 đầu sách mới và một phòng học với 50 bộ máy tính. Đây là món quà thiết thực, quý giá và giàu ý nghĩa đối với nhà trường”, thày Sinh cho biết.
Em Nguyễn Thị Linh, học sinh lớp 12A3 trường THPT Kim Sơn B cho biết: “Em và các bạn thường xuyên luyện Toán, Tiếng Anh online, rồi dự thi trên mạng nhưng máy tính chậm, hỏng nên ảnh hưởng đến kết quả thi. Từ khi được bác Trần Đại Quang tặng một phòng toàn máy tính mới có kết nối mạng, em không còn lo máy hỏng, máy chậm khi thi hay thực hành online nữa. Thư viện nhiều sách hơn cũng giúp chúng em có thêm nhiều tư liệu học tập, tham khảo, đỡ được bao nhiêu tiền đi mua và thuê sách ở ngoài”, Linh phấn khởi cho hay.
“Ngày về thăm trường gần nhất, bác Trần Đại Quang đã bày tỏ mong muốn các em học sinh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, biết “tôn sư, trọng đạo”, học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước. Được thế hệ đi trước dù bận công tác, nhưng vẫn dành sự quan tâm tới quê hương, trường cũ như vậy, thày và trò chúng tôi vừa tự hào, vừa thêm động lực phấn đấu, nỗ lực đạt kết quả để xứng đáng với sự tin yêu của Chủ tịch nước”, thày Vũ Xuân Sinh hứa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận