Đã qua 11 tháng, công trình cầu vượt đường sắt Yên Lý vẫn đang còn ngổn ngang dù nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án trong 8 tháng. |
Dù lọt vào danh sách một trong số ít các công trình bị chậm tiến độ so với chỉ đạo của Bộ GTVT và cam kết của nhà đầu tư, hiện công trình cầu vượt đường sắt QL48 giao cắt QL1 và đường sắt Bắc-Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ kép. Ngoài nguyên nhân khách quan do vướng mặt bằng, việc nhà thầu thi công ì ạch cũng là yếu tố khiến dự án không thể cán đích lần một vào 19/5 vừa qua.
Công trình cấp bách nhưng thi công… ì ạch
Dự án xây dựng cầu vượt đường sắt QL48 giao cắt QL1 và đường sắt Bắc Nam (cầu vượt Yên Lý) được Chính phủ và Bộ GTVT đồng ý triển khai thi công bằng nguồn vốn dư từ Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát theo hình thức hợp đồng BOT. Vào thời điểm động thổ xây dựng dự án - tháng 7/2014, cả Bộ GTVT, UBND tỉnh Nghệ An đều khẳng định rằng đây là công trình cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc, TNGT và tăng cường an toàn chạy tàu. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương, phát triển KT-XH của khu vực Tây Bắc, tỉnh Nghệ An.
Một lý do khác khiến dự án bị chậm tiến độ chính là do nhà thầu thực hiện chậm. Nhiều vị trí huyện bàn giao mặt bằng sớm nhưng nhà thầu không thi công làm người dân bức xúc. Có lần chúng tôi đi kiểm tra thì máy móc không đủ, không có người thi công”. Ông Hà Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, kiêm Chủ tịch hội đồng bồi thường GPMB |
Vì vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư là liên danh Tổng công ty 319 (Bộ Quốc Phòng) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 phải chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung nhân lực thiết bị thi công dự án trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.
Cũng tại buổi lễ động thổ nêu trên, lãnh đạo Cienco 4 và Tổng công ty 319 đã cam kết hoàn thành dự án trong 8 tháng. Thế nhưng đã qua 11 tháng, công trình này vẫn đang còn dang dở. Nhiều hạng mục quan trọng như nút giao, đường dẫn và mặt cầu vẫn chưa được các nhà thầu thực hiện.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, chiều ngày 29/6, trên công trường dù mặt bằng khá rộng nhưng hầu như không có người thi công. Toàn chiều dài gần 1 km của dự án, chỉ có khoảng hơn 10 công nhân thi công trên mặt cầu. Máy xúc, máy lu đều trong tình trạng “đắp chiếu”. Ở phần đường dẫn phía Tây, hàng trăm mét đường dẫn vẫn chỉ dừng ở phần đắp đất nền đường. Hệ thống cống thoát nước đặt ngổn ngang trên công trường. Ngay tại đây, chúng tôi còn chứng kiến cả chục bao xi măng bị vứt chỏng chơ giữa trời nhiều ngày, đến nỗi vỏ bao mục, lộ ra phần xi măng bên trong đã đông chết cứng.
Theo một số người dân sinh sống gần đó, đoạn đường này đã được đắp đất từ vài tháng trước. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không thấy đưa máy móc vào thi công tiếp nữa. Ngã ba Yên Lý ùn tắc, bụi bặm mà cầu thì cứ làm mãi chẳng xong.
Chậm do vướng mặt bằng hay do nhà thầu!?
Trao đổi với Báo Giao thông ngày 30/6, ông Trần Nguyên Hà, Giám đốc Ban điều hành dự án cho biết: Khi tiến hành thi công dự án này, chúng tôi đã đặt quyết tâm rất cao để đưa công trình về đích sớm. Ban đầu, lãnh đạo đơn vị Cienco 4 đề ra tiến độ ngày 30/4 phải thông cầu, tuy nhiên do công tác đền bù giải phóng mặt bằng của huyện Diễn Châu gặp khó khăn nên đích dự kiến đã không thể thực hiện được.Ông Hà cho biết: “Ngày 23/4, chúng tôi mới nhận được mặt bằng để bắt tay vào thi công trụ T4, trụ cuối cùng của cầu vượt. Sau đó, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương, đến chiều 4/6 đã tiến hành cẩu lắp nhịp dầm cuối cùng nối thông cầu vượt”.
Cũng theo đại diện Ban điều hành, đến thời điểm này, các đơn vị đã thi công xong toàn bộ kết cấu trên cầu. Dự kiến 18/7 sẽ hoàn thiện phần thảm bê tông nhựa mặt cầu và lắp đặt xong hệ thống lan can, chiếu sáng và hệ thông đảm bảo ATGT. Do khối lượng công việc còn lại không nhiều nên đơn vị thi công chỉ duy trì đủ số nhân công thiết bị phục vụ thi công các hạng mục còn lại.
Qua tìm hiểu cho thấy, do đây là dự án liên danh nên khối lượng công việc được hai đơn vị phân chia rõ ràng. Nếu như phần cầu do ba đơn vị thành viên của CIENCO 4 cùng thực hiện thì phần đường do Xí nghiệp Cầu 9 thuộc Tổng công ty 319 đảm nhiệm. Lý giải về việc bỏ trống công địa ở đường dẫn phía Tây cầu vượt, Kỹ sư Nguyễn Hải Quân, Phụ trách điều hành dự án của Xí nghiệp Cầu 9 cho hay: Hiện tại trên những đoạn đã được bàn giao mặt bằng, chúng tôi đã thi công đến phần đắp đất K98, sắp tới sẽ tiến hành rải cấp phối đá dăm. Riêng về phần đường phía Tây cầu vượt do công địa quá ngắn nên nếu đưa toàn bộ thiết bị sang làm 100m đường thì sẽ không hiệu quả!?
Được biết, ở dự án này phía 319 được giao thi công 850m tuyến chính và hơn 400m tuyến nhánh. Suốt từ khi triển khai dự án đến nay đơn vị chỉ bố trí ba máy xúc, ba máy lu, một máy rải, một máy ủi để thi công. Thế nhưng khi chúng tôi tỏ ra băn khoăn về số lượng thiết bị ít ỏi trong giai đoạn nước rút có thể làm chậm tiến độ dự án, Kỹ sư Quân khẳng định: Khối lượng công việc trên công trường không nhiều. Với số thiết bị như hiện nay, mỗi ngày đơn vị thi công xong một lớp là bình thường và vẫn đạt đủ yêu cầu kỹ thuật. Nếu có toàn bộ mặt bằng thì chỉ 10 ngày sẽ thi công xong toàn bộ hai lớp cấp phối đá dăm, 5 ngày thảm xong bê tông nhựa.
Theo thống kê của hội đồng bồi thường GPMB huyện Diễn Châu, đến thời điểm này công tác GPMB đã cơ bản hoàn tất. Một số hộ dù chưa thống nhất phương án bồi thường tái định cư của huyện, nhưng đều nhất trí bàn giao mặt bằng trước cho nhà thầu thi công. Ông Hà Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, kiêm Chủ tịch hội đồng bồi thường GPMB cho biết: Đây là dự án đầu tiên huyện thực hiện GPMB phải tổ chức di dời, tái định cư tập trung với số lượng hộ dân ảnh hưởng lên đến 25 hộ, trong đó có nhiều hộ vừa được đền bù GPMB trong dự án mở rộng QL1, điều này khiến công tác GPMB bị chậm so với tiến độ đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận