Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường QL45 - Nghi Sơn có tổng chiều dài 43,28km qua địa phận huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) với tổng mức đầu tư 5.534,472 tỷ đồng. Dự án này do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư và được chia làm 3 gói thầu xây lắp (từ 01 - XL đến 03 - XL).
Cầu Yên Mỹ - là một trong những cây cầu của dự án cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn được xây dựng vượt qua lòng hồ Yên Mỹ (nối huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn) có chiều dài gần 1km đang dần được hình thành
>>> Hình ảnh cầu vượt hồ dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn:
Trên tuyến chính của dự án thành phần cao tốc QL45 - Nghi Sơn có 18 cầu. Trong đó cầu vượt hồ Yên Mỹ có chiều dài 995,8m thuộc gói thầu 03 - XL do Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thi công, giá trị xây lắp 240 tỷ đồng
Cây cầu đang trong quá trình hoàn thành để nối hai đầu tuyến đường bộ cao tốc thuộc dự án QL45 - Nghi Sơn. Nếu tính cả hai phần đường đầu cầu thì tổng chiều dài của cây cầu là hơn 1,1km
Phía nam cầu nối liền phần đường bộ thuộc gói thầu xây lắp 03 - XL đang được liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung và Tổng công ty Vinaconex thi công
Theo thiết kế, cầu Yên Mỹ có 24 trụ, 2 mố và 25 nhịp Super T (mỗi nhịp dài 40m). Mọi việc thi công đều được thực hiện tại chỗ từ khâu khoan cọc, đổ dầm, đổ mố vì do vị trí thi công ngay trên lòng hồ Yên Mỹ bằng hệ thống phao nổi
Ông Lê Thọ Cường, Tư vấn giám sát gói thầu 03 - XL ( thuộc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long) cho biết, theo tiến độ mới, cầu Yên Mỹ sẽ hoàn thành các hạng mục vào tháng 7/2023. Hiện nay nhà thầu Vinaconex đang tập trung thi công mố M1, M2 và từ trụ 23 trở đi đang trong quá trình hoàn thành
Theo ông Cường, việc thi công mố M1 gặp khó khăn do nằm sát trục đường giao thông nên khi thi công phải tính toán rất kỹ lưỡng vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình vừa đảm bảo an toàn cho người dân đi lại
Công nhân Lê Văn Hùng, quê ở tỉnh Sơn La đang điều khiển máy khoan mố M1 cho biết, do địa chất vướng vào đất sét dẻo nên độ sâu mới được hơn 30m, trung bình mỗi ngày chỉ khoan được 1 -2m
Công nhân Nguyễn Văn Sâm (58 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) tâm sự: "Bản thân tôi làm trong nghề xây dựng cầu đã được 18 năm. Đối với cầu Yên Mỹ, tôi phụ trách phần việc lao dầm cầu. Tổng số 170 phiến dầm chúng tôi lao gần hết".
Vừa kiểm tra phiến dầm mới đổ bê tông, công nhân Nguyễn Thế Bảo (57 tuổi, quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ, bản thân ông cùng đồng nghiệp trực tiếp đổ bê tông mặt cầu, lan can cầu. "Chúng tôi thi công vừa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhưng phải đảm bảo cả tính mỹ thuật vì sau này cây cầu sẽ là điểm nhấn giữa lòng hồ Yên Mỹ", ông Bảo nói
Anh Phạm Văn Duyệt, Phụ trách thi công cầu thuộc Tổng công ty Vinaconex cho hay: Chúng tôi đang triển khai 4 mũi thi công chính gồm thi công cọc, thi công trụ, thi công mặt cầu và đúc dầm. Trên công trường lúc nào cũng có 80 cán bộ, kỹ sư và công nhân thay nhau làm việc "3 ca 4 kíp" theo đường găng tiến độ đề ra
Theo ông Duyệt, tính đến thời điểm hiện tại, đã thi công được 158/168 dầm Super, 12/17 dầm bản và đang khoan để thi công mố M1, M2. Tổng sản lượng đến nay đạt 84,83%
Giờ tan ca buổi trưa của những công nhân thi công cầu Yên Mỹ dưới cái nắng gay gắt gần 40 độ C
Hồ Yên Mỹ là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá với diện tích rộng khoảng 2.800ha đi qua các huyện Nông Cống, Như Thanh và Thị xã Nghi Sơn. Năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ thuộc khu kinh tế Nghi Sơn. Dự kiến lượng khách du lịch vào khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ đến năm 2035 là 300.000 lượt khách
Tính đến thời điểm hiện tại, trên lòng hồ Yên Mỹ chỉ có duy nhất một cây cầu đang xây dựng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua. Chính vì vậy, sau này khi dự án cầu Yên Mỹ hoàn thành sẽ là một trong những cung đường đẹp, góp phần hoàn thiện quy hoạch về mặt kiến trúc của khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận