Chiều ngày 25/11, PV Báo Giao thông có mặt tại cầu Hưng Yên và cầu ông Lĩnh (thuộc xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo ghi nhận, tại cầu ông Lĩnh, đơn vị thi công đã phá dỡ và sửa lại toàn bộ mặt đường đầu cầu phía mố M1. Ngoài ra, các loại vật liệu cần thiết cũng đã được tập kết sẵn chờ thời tiết tốt để gia cố lề, hoàn trả lại cọc tiêu, biển báo… Trong khi đó, tại cầu Hưng Yên chủ đầu tư cũng cho tập kết vật liệu sẵn tại chân cầu để sửa chữa, khắc phục một số hư hỏng vừa mới phát sinh.
Một người dân sống gần 2 cầu cho biết, địa hình nơi đây rất thấp trong khi năm nào cũng có mưa lũ. Chỉ cần mưa vừa cộng với nước lũ trên sông dâng lên là khu vực này ngập băng. Trước đây, khi chưa có cầu, nếu xảy ra mưa lũ thì khu vực này đều bị chia cắt hoàn toàn. Nay có cầu đường tuy ngập nhưng cầu vẫn đi lại được.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, huyện Hương Khê cho biết: Hai cầu ông Lĩnh và Hưng Yên thuộc dự án Lramp do Ban Quản lý dự án 4 (Tổng cục đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư, còn xã chỉ là đơn vị hưởng thụ. Cả hai cầu được bàn giao cho địa phương cách đây khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, đợt mưa lũ hồi tháng 9/2019 khiến đất phù sa bị sụt trượt dẫn đến cả 2 cầu xuất hiện 1 số hư hỏng ở đường dẫn và mố cầu.
Qua tìm hiểu của PV, trong lúc tình trạng sói lở, sụt trượt kè chưa được khắc phục thì thời gian gần đây UBND xã Lộc Yên đang tiến hành đổ đất gia cố lề đường nông thôn mới. Xe tải trọng nặng thường xuyên đi qua hai cầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến phần mặt đường dẫn bị hư hỏng nặng hơn.
“Hai cầu này có ý nghĩa dân sinh rất lớn với người dân nơi đây, nhưng việc cầu hư hỏng sau 3 tháng đưa vào sử dụng cũng ảnh hưởng đến tâm lý người dân rất nhiều. Cuối tháng 10 vừa rồi đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công và UBND xã đã đi kiểm tra hiện trạng. Tại buổi làm việc, chủ đầu tư cũng đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục sửa chữa những hư hỏng nói trên”, ông Hưng cho biết.
Xác nhận thông tin trên, ông Võ Tá Thanh - Giám đốc điều hành dự án, cho biết: Sau đợt lũ hồi tháng 9/2019, Ban nhận được thông tin cầu ông Lĩnh và Hưng Yên xuất hiện một số hư hỏng. Ngày 29/10, ban đã phối hợp với đại diện ban địa phương là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh; Đại diện tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn và Xây dựng cầu đường 37; đại diện tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn xây dựng Đại Việt; đại diện chính quyền địa phương là UBND xã Lộc Yên cùng đại diện nhà thầu là Công ty CP Xây dựng và thương mại 343 kiểm tra hiện trạng thực tế.
Qua kiểm tra, tại cầu Hưng Yên đoàn nhận thấy lề và taluy đường cầu mố M2 đã bị xói lở, có vị trí xói lở sâu 0,5m. Nguyên nhân do nước chảy tập trung từ mặt cầu về 2 phía đường đầu cầu, cỏ trồng trên taluy chưa bén rễ sâu nên gây xói.
Sau trận mưa lũ, phần đất tự nhiên trước mố M2 đã bị xói lở và có nguy cơ xói lở toàn bộ mái taluy tứ nón. Nguyên nhân được xác định nền đất tự nhiên là đất phù sa - loại đất sét pha chứa nhiều hạt cát nhỏ rất dễ bị xói lở khi có dòng nước chảy trực tiếp; cây cối thuộc phạm vi cầu đã được chặt bỏ để thi công cầu; lượng nước mưa từ ruộng phù sa phía phải tuyến chảy trực tiếp về vị trí cầu; sau đợt mưa lũ lớn, nước chảy làm xói hầu như toàn bộ phần đất tự nhiên trước mố.
Trong khi đó, tại cầu ông Lĩnh, bề mặt bê tông đường đầu cầu phía mố M1 bị lún, nứt vỡ. Nguyên nhân được xác định là thời gian qua nền đường bị ngập bão hòa nước, cộng với việc nhiều xe tải trọng nặng vận chuyển vật liệu qua cầu làm đường nông thôn mới gây nên tình trạng nứt vỡ bề mặt bê tông.
Cũng theo ông Thanh, trước thực trạng trên, để đảm bảo công trình cho nhân dân đi lại, Ban đã yêu cầu đơn vị thi công có giải pháp xử lý. Cụ thể, tại cầu Hưng Yên đắp đất đầm chặt tại những vị trí xói lở lề, taluy đường đảm bảo yêu cầu; trồng cỏ để gia cố mái taluy. Xử lý xói lở tứ nón trước mố M2 bằng phương án tạo cơ trước mố rộng 1,5m, dốc 4%; bạt mái taluy với độ docos1/1,0 đến cao đội xói hiện trạng; gia cố mái taluy bằng kết cấu BTCT f’c=16Mpa dày 10cm và chân khay bằng BTXM f’c=16Mpa trên bê tông đệm f’c=Mpa dày 5cm.
Về cầu ông Lĩnh, yêu cầu đơn vị thi công phá dỡ toàn bộ mặt đường đầu cầu phía mố M1. Đào dỡ bỏ phần đắt đất nền đường và đắp lại đầm chặt K95; phía trên sử dụng đá xô bồ tạm thời chờ thời tiết tốt để hoàn trả mặt đường BTXM theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
“Hiện cả 2 cầu đã bàn giao cho địa phương nên không thể lấy nguồn từ bảo hiểm để sửa chữa. Ban đã yêu cầu đơn vị thi công tự ứng tiền của đơn vị để sửa chữa rồi có báo cáo trình Tổng cục đường bộ Việt Nam. Việc ứng tiền sửa chữa nằm trong thẩm quyền của ban được Tổng cục cho phép”, ông Thanh nói.
Cầu Hưng Yên được thiết kế với chiều rộng 4m, dài hơn 102.19m có tổng kinh phí đầu tư 6,7 tỷ đồng. Trong khi đó cầu ông Lĩnh rộng 2.5m, dài 21.06m có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng. Đây là công trình nằm trong gói thầu HT05X1 thuộc dự án Lramp sử dụng vốn vay của ngân hàng thế giới (WB). Mục đích của dự án là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận