Tài chính

Cây ATM vắng lạ thường dịp cận Tết

30/01/2024, 06:41

Những ngày cận Tết, các cây ATM ở Hà Nội không còn tái diễn cảnh dòng người xếp hàng chờ rút tiền. Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến đã dẫn tới sự thay đổi này.

Uống trà đá, mua rau đều quét mã

Trước đây, chị Nguyễn Thị Thanh, chủ cửa hàng rau ở chợ Nhổn (Hà Nội), luôn phải tích trữ nhiều tiền lẻ để trả lại khách hàng. Với số tiền giao dịch mỗi lần không quá lớn, chị cũng e ngại khi khách hỏi xin số tài khoản để thanh toán. Nhưng hơn một năm nay, khách ít khi trả tiền mặt, hầu hết thanh toán qua ứng dụng chuyển tiền.

Cây ATM vắng lạ thường dịp cận Tết- Ảnh 1.

Cây ATM Vietcombank ở Nam Từ Liêm, Hà Nội vắng khách dịp cuối năm.

Gian hàng của chị Thanh và các tiểu thương bán dưa cà, mắm muối, thịt cá ở chợ Nhổn đều có sẵn mã QR để nhận thanh toán các khoản lớn bé.

"Thanh toán chuyển khoản rất nhanh và tiện lợi. Khách chuyển xong là điện thoại thông báo ngay. Khi nhập hàng cũng vậy, tiền mặt có bao nhiêu trả bấy nhiêu, nếu thiếu thì tôi chuyển khoản, không phải đi rút", chị Thanh nói.

Ông Lê Văn Đức, tài xế xe ôm ở khu vực cổng Đại học Hà Nội, cũng in sẵn QR code dán ở mũ bảo hiểm. Kết thúc hành trình, khách quét mã nên không còn lo thiếu tiền trả lại. Những lúc uống trà đá chờ khách, ông cũng thanh toán qua ứng dụng ngân hàng.

"Uống nước, hút thuốc hết 5.000 - 7.000 đồng, chỉ cần quét mã là xong. Chủ quán cũng bớt được cảnh cuối ngày đếm tiền lẻ nên người bán, người mua đều thuận tiện", ông Đức chia sẻ.

Là người sử dụng dịch vụ, em Viết Dũng, sinh viên năm thứ 4 của Đại học Văn hóa Hà Nội kể, tất cả các khoản phí sinh hoạt như nhà trọ, điện, nước đều được thanh toán qua smart banking. Tiền mặt chủ yếu được sử dụng để tiết kiệm thời gian khi đổ xăng.

Cây ATM thưa người đến rút tiền

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là lý do giúp các cây ATM không còn quá tải.

Ba năm trước, lượng người rút tiền tại các cây ATM ở cụm công nghiệp vừa và nhỏ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) luôn đông đúc, nhất là dịp gần Tết. Khách hàng thường phải xếp hàng, có lúc hàng chục người, gây bất tiện. Nhưng hiện nay, cụm 4 cây ATM của ngân hàng Vietcombank luôn vắng khách.

Một cây ATM khác của Vietcombank ở chân tòa Comatce Tower số 61 Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng thưa thớt người đến giao dịch. Nhân viên bảo vệ tại đây cho biết, tháng cao điểm Tết này mới có khoảng 15 - 20 người đến rút tiền, những tháng trước ít hơn.

Cây ATM TPBank nằm gần chợ Hà Đông và tòa nhà chung cư Hud 3 Tower, cho phép khách mở tài khoản và trả ngay thẻ vật lý. Khi cần hỗ trợ dịch vụ, khách hàng có thể trao đổi trực tiếp nhân viên ngân hàng qua màn hình. Tuy nhiên, không có người đến đây giao dịch.

Theo số liệu năm 2023 của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), giao dịch trên ATM giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch. Tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.

Còn theo Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2023, số lượng giao dịch qua cây ATM khoảng 900.000 món, giảm 8,84%; giá trị giao dịch khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022.

Có nên cắt giảm số lượng cây ATM?

Thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều ngân hàng đã đầu tư các giải pháp thanh toán số để phù hợp với thói quen thanh toán của người dân.

Cây ATM vắng lạ thường dịp cận Tết- Ảnh 2.

Xu hướng thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến.

Năm 2023, 27 tổ chức đã phát hành 12,9 triệu thẻ phương thức điện tử, 27 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động. Ngoài ra, Việt Nam có 57 triệu ví, trong đó có hơn 30 triệu ví đang hoạt động với số dư 3.000 tỷ đồng. Mobile money (ví điện tử không có tài khoản ngân hàng, định danh bằng số điện thoại thuộc sim chính chủ của các nhà mạng) đạt gần 6 triệu tài khoản, với khoảng 47 triệu giao dịch, giá trị trên 2.400 tỷ đồng...

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, số lượng món giao dịch không dùng tiền mặt xấp xỉ 11 tỷ giao dịch, giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Giao dịch trên internet đạt 2 tỷ giao dịch, giá trị hơn 52 triệu tỷ đồng. Kênh mobile trên 7 tỷ giao dịch, giá trị giao dịch trên 50 triệu tỷ đồng.

Thanh toán qua Napas đến cuối năm 2022 khoảng 4,8 tỷ món, nhưng đến cuối năm 2023 là trên 7,4 tỷ món, tăng 54%. Giá trị giao dịch đạt 54,1 triệu tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2022.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng cần thu nhỏ hẹp lại hoạt động của cây ATM.

Theo ông Hùng, trước đây, người dân rút tiền mặt nhiều, cần phải có nhiều cây ATM để phục vụ nhu cầu giao dịch và phát triển số lượng tài khoản, phát hành thẻ. Nhưng hiện nay, quét mã thanh toán QR phát triển mạnh, không mấy người dùng tiền mặt thì các ngân hàng nên thu hẹp lại số lượng cây ATM để giảm thiểu các chi phí vận hành, bảo vệ, thuê mướn địa điểm...

"Hiện nay chỉ cần đặt cây ATM tại những khu vực phát sinh nhiều giao dịch như trung tâm thương mại, siêu thị giống các nước tiên tiến như Singapore. Sự thay đổi này sẽ giảm lãng phí trong hoạt động ngân hàng", ông Hùng nói.

Ở góc độ cung cấp dịch vụ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, sẽ tiếp tục các đầu tư, bảo trì các cây ATM. Ngân hàng này đánh giá tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chưa thể thay thế hoàn toàn trong ngắn hạn. Cây rút tiền ATM cũng có những lợi thế riêng như giao dịch tiền mặt giá trị thấp, không bị giới hạn thời gian giao dịch (ATM hoạt động 24/7)...

Căn cứ thực trạng mạng lưới ATM và nhu cầu kinh doanh của từng chi nhánh, điểm giao dịch, Vietcombank sẽ nghiên cứu, tính toán số lượng ATM cần đầu tư mới hoặc thay thế để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Ngày 28/10/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 1813 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định nhiệm vụ cụ thể, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng.

Theo đề án này, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.