Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm |
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - “Cây đại thụ” cuối cùng trong bộ tứ nổi tiếng “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” đã rời cõi tạm lúc 10h27 ngày 15/6 tại Hà Nội.
Ông sinh ngày 20/10/1922 tại Nam Đàn, Nghệ An, từng là giảng viên Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Việt Bắc, giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957 - 1983).
Ông được giới chuyên môn trang trọng xếp vào nhóm “tứ trụ” thế hệ thứ hai của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, gồm các danh họa “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái), cùng nhóm “tứ trụ” thứ nhất “Trí - Vân - Lân - Cẩn” (Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn).
Ông ra đi để lại nhiều bí ẩn chưa giải mã trong các tác phẩm của mình đối với ngành Mỹ thuật Việt Nam và các thế hệ họa sĩ kế tiếp. Ông vẽ nhiều về các điệu múa cổ, Kiều - Kim Trọng và cuối cùng là 12 con giáp. Ngoài ra còn có Thánh Gióng, đề tài ông vẽ đi, vẽ lại suốt từ năm 1976 - 1990 như một cách khám phá, đào sâu thể nghiệm và không bao giờ cho phép bằng lòng với chính mình.
Người ta hay nhắc đến 2 tác phẩm là Con nghé quả thực và Chống thuế ở Nam Kỳ - hai bức sơn mài mang đậm tính thời sự chính trị vào thời đó và được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận