Chất lượng sống

Cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh giá 26 tỷ đồng đắt hay rẻ?

29/03/2017, 16:00

Cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh vừa được đấu giá công khai trên thị trường, giá thành công là gần 26 tỷ đồng.

1.1

Tổng giá trị của cây sưa lên đến 26 tỷ đồng, song vẫn được đánh giá là quá rẻ? - Ảnh: Báo Thanh niên.

Mới đây, một cây sưa hơn 200 tuổi ở Bắc Ninh đã bị đốn hạ và chuyển giao cho chủ xưởng gỗ ở tỉnh Bắc Ninh. Vào ngày 1/8/2016, Công ty CP Đấu giá Việt Nam (Hà Nội), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo xã Hà Mãn và huyện Thuận Thành đã tổ chức bán đấu giá cây sưa 200 năm tuổi.

Giá khởi điểm của cây sưa được đưa ra tại phiên đấu giá này là trên 23,96 tỷ đồng, không có thuế giá trị gia tăng.

Ngày 25/3, cây sưa 200 năm tuổi nằm ở trước cổng đình làng Đông Cốc đã được chặt hạ và chuyển giao xong cho ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) với mức giá là 24,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết, sau khi thống nhất với địa phương, chủ nhân của cây sưa 200 tuổi đã đồng ý hỗ thợ thêm cho địa phương 1,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng giá trị của cây sưa 200 tuổi này được nâng lên 26 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiến, một số phần rễ, cành cây sưa đã bị thối, hỏng nên lượng gỗ thu về cũng không được nhiều. Vì vậy, 26 tỷ đồng là cái giá có thể chấp nhận được. "Việc chặt hạ cây sưa nhận được sự đồng thuận của cấp trên, nhân dân. Số tiền thu về sẽ được dùng vào việc xây dựng, tu bổ, kiến thiết ở địa phương", ông Hiến nói.

1.2

Cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh - Ảnh: VTC news.

Về mức giá trên, chia sẻ trên tờ VTC News, ông Mạnh Phường, một chủ buôn gỗ tại Bắc Ninh đánh giá, cây bán với giá đó là rẻ. "Nếu tính theo giá thị trường, cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh có thể cao gấp rưỡi giá hiện tại vì có thể làm được nhiều thứ với cây gỗ này. Tôi biết sẽ có nhiều tỷ phú sẵn sàng chi tiền để mua nó", nguồn trên dẫn lời ông Phường.

Còn với cá nhân ông Hùy thì lại đang lo lỗ, vì lượng gỗ hụt so với tính toán ban đầu và thời gian đấu giá quá lâu, giờ mới chặt cây.

Một đại gia tham gia phiên đấu giá cây sưa này nhận định trên tờ Người đưa tin, mức giá 24,5 tỷ là khá cao vì "thời giá bây giờ khó nói".

Tiến sĩ Lê Bá Toàn (Trưởng khoa lâm nghiệp thuộc Trường đại học Nông lâm TP.HCM) chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ, gỗ sưa thuộc nhóm 1A, là loại cây có giá trị đặc biệt và quý hiếm và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Ông dẫn thông tin từ các nhà khoa học trong ngành khẳng định "giá trị thực của gỗ sưa thấp hơn nhiều so với lim, gụ, sến…".

Giá trị của gỗ sưa nằm ở “lõi gỗ”. Lõi gỗ sưa đỏ không cứng. Màu gỗ và vân gỗ rất đẹp. Gỗ sưa có vân 4 mặt, khi đưa ra ánh sáng thấy có màu óng ánh bảy màu thực sự rất quý hiếm. Loại gỗ này lại không mối mọt và thơm rất lâu, có thể 100 năm sau vẫn chưa hết mùi.

Ngoài ra, gỗ sưa có độ bền cực kỳ cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước. Vì vậy, từ lâu nó được dùng để làm đồ gia dụng, đặc biệt gắn liền với các vật dụng tâm linh như tượng phật, quan tài, tràng hạt, bàn thờ,…..

Theo một số chuyên gia phong thủy, các sản phẩm làm từ gỗ sưa có tác dụng trừ tà, cầu tài lộc và phòng trừ bệnh tật. Với lí do đó, giá trị của gỗ sưa càng ngày càng được các thương gia “thổi phồng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.