Khoảng 2000 cây trong tổng số 6.700 cây đã bị thay thế |
Hà Nội đã trồng cây "100 ngàn" trên đường Nguyễn Chí Thanh?
Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 23/3, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Hanh, Giám đốc Xí nghiệp Cây xanh, hoa đô thị thuộc Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, hỏi về nguồn gốc, số tiền mua cây giống trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình). Ông Hanh nói không nắm được. Ông Hanh nói rằng, mình là chuyên gia về cây trồng nhưng không xác định được cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây gì, vì loại cây này không có trong hồ sơ cây xanh đường phố Hà Nội.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nói rằng, theo hồ sơ phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội, loài cây được trồng mới trên các tuyến phố là vàng tâm. Tuy nhiên, khi PV hỏi cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây gì, ông Sơn nói không biết. Ông Sơn nói: “Đến cả các nhà khoa học bàn ra, tán vào cũng không biết là cây gì, huống gì tôi”. Theo ông Sơn, khi nào nhà tài trợ trồng mà cây sống, bàn giao lại cho Sở Xây dựng, lúc đó mới xác định được đó là cây gì.
Để đi tìm nguồn gốc số cây mới trồng ở Hà Nội, PV hỏi lực lượng CSGT làm việc tại các chốt có đường từ ngoại thành đổ về nội đô và tại các trạm thu phí. Sau một ngày dò hỏi, PV được một số cán bộ trạm thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai xác nhận, có thấy xe tải chở cây xanh về Hà Nội những ngày qua. Tiếp tục dò hỏi ngược tuyến, đến khu vực đường dẫn từ Yên Bái lên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhiều người dân nói họ thấy xe tải chở cây xanh đi lên đường cao tốc...
Từ những căn cứ trên, PV tiếp tục dò tìm, rốt cuộc cũng liên hệ được với một cán bộ xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ông này cho biết, thời gian qua có một số người Hà Nội đánh xe tải lên xã Đại Lịch mua cây gỗ mỡ. Tuy nhiên, sau hôm 22/3, không thấy xe nào lên mua nữa. Vị cán bộ này nói rằng, cây mỡ được người dân trồng rất nhiều trong xã Đại Lịch và bán với giá 100.000 đồng/cây đã cắt gốc, 300.000 đồng/cây đánh cả gốc (?!).
Hôm qua (23/3), PV đi dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, đếm thấy 249 cây xanh bị chặt hoặc bứng gốc để thay thế cây mới. Cụ thể, tính từ đầu đường Nguyễn Chí Thanh giáp Kim Mã xuống đường Láng, bên phải đường có 118 cây, bên trái 131 cây, chủ yếu là cây hoa sữa, cây keo, cây phượng trên chục năm tuổi.Cả cây mỡ hay vàng tâm khi trồng ở đô thị đều không thích hợp
Theo báo VOV, tại tọa đàm “Từ đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” chiều 23/3, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hiệp - chuyên gia nghiên cứu về cây mỡ, cây vàng tâm thuộc Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam cho rằng, cây mỡ hay vàng tâm đều ưa khí hậu nhiệt đới vùng cao từ 300-400 m trở lên. Ông đã ra tận nơi thay thế cây xanh ở đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội và đã lấy mẫu lá của cây này và khẳng định, những cây trồng ở đây chính là cây mỡ.
“Những cây này ở vùng Hà Giang, Phong Nha Kẻ Bàng, cùng loại này thì người dân họ cũng gọi là vàng tâm vì thấy lõi màu vàng. Cây mỡ và cây vàng tâm cùng một nhóm. Vàng tâm là từ rất chung chung. Do đó, theo tên khoa học và theo sách đỏ Việt Nam thì vàng tâm không phải là loại trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh, mà nó chỉ loại cây mỡ bình thường”.Theo ông Hiệp, cây mỡ có gỗ không tốt, nó chỉ là nguyên liệu làm giấy ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái. Cây chỉ có đường kính 20cm đã người ta đã cưa để làm giấy.
Một điều đáng nói loại cây này không đúng theo tiêu chí quy định trong Nghị định về cây xanh đô
thị, đó là tránh trồng các cây thu hút côn trùng hay sâu bệnh. Loại cây này thường ra hoa từ tháng 2, 3, 4 hàng năm. Khi ra hoa có mùi thơm, nhưng chỉ sau 15-25 ngày hoa sẽ rụng và khi hoa rụng sẽ mùi xú uế. “Cây vàng tâm hay cây mỡ đều sống thích hợp ở độ cao 300-400m so với mực nước biển. Khi đưa về Hà Nội với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu như vậy, bê tông chằng chịt, có khi nhiệt độ Hà Nội lên tới 40-45 độ, những cây này sẽ không sống được”- ông Hiệp nhận định.
Ông Hiệp cho biết, ông đã thử nghiệm trồng những cây như thế này ở nhà, nhưng số cây chết rất nhiều. “Vườn ươm của tôi có khoảng 15 loài ở vùng núi cao nhưng chỉ có 1 loài duy nhất đang sinh trưởng. Với góc độ, kinh nghiệm làm về bảo tồn thực vật, tôi nghĩ rằng khả năng sống của các loài cây trên đường Nguyễn Chí Thanh sẽ rất kém”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam đặt câu hỏi, nếu những loài cây trồng ở phố Nguyễn Chí Thanh mà sống được, thì liệu 10 năm nữa nó có cho bóng mát hay không?
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, đừng quá quan tâm đến loại cây trồng ở phố Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ hay cây vàng tâm, bởi cả cây mỡ nếu trồng lâu năm người ta cũng gọi là gỗ vàng tâm. Tuy nhiên, cả mỡ hay cây vàng tâm khi trồng ở đô thị đều không thích hợp.
“Nó là cây nhiệt đới rừng xanh, ở độ cao 300-400 mét so với mặt nước biển. Nếu so với ở Hà Nội là cao 6m so với mặt biển thì hai độ cao này khác hẳn nhau. Tôi không hiểu ai có sáng kiến trồng nhóm cây này trên phố Nguyễn Chí Thanh?”- GS Nguyễn Lân Dũng nói.
36 triệu để chặt một gốc cây?
Theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 cho lĩnh vực duy trì công viên cây xanh, được áp dụng từ ngày 1/1, các chi phí cho việc cắt tỉa cây, giải tỏa cây đổ, chặt hạ, đào gốc cây xà cừ có đường kính trên 120 cm đều ở mức trên 10 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hanh - Giám đốc Xí nghiệp sản xuất cây xanh - cây hoa - cây cảnh (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội), chi phí chặt hạ cho mỗi cây khoảng trên dưới 10 triệu đồng, tùy kích thước từng loại cây, nhưng không có giá 36 triệu đồng như một số báo nêu. |
Cụ thể, báo VnExpress đưa tin, để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120 cm, ngân sách Hà Nội sẽ chi 25 triệu đồng tiền chặt, 10 triệu đồng tiền đào gốc. Cũng với đường kính như trên, nếu chỉ cắt tỉa không sử dụng xe nâng thì chi phí là 13,3 triệu và trường hợp giải toả cây gãy đổ là trên 10 triệu đồng.
Ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng quản lý Hạ tầng, môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng) cho hay việc thu hồi củi gỗ cây bóng mát sau khi chặt hạ được liên ngành kiểm tra, sau đó trừ vào quyết toán. “Quy định của nhà nước là chặt chẽ, chắc chắn không có thất thoát”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Phó tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hưng cho biết, về nguyên tắc cây xà cừ cao bao nhiêu, đường kính thế nào thì sẽ tương ứng bao nhiêu mét khối gỗ. Công ty có 3 bộ phận liên quan phối hợp đo đếm tại hiện trường về số lượng, dài rộng đường kính, đoạn nào sâu, không sâu… sau đó mới đưa ra thống nhất.
Ông Phó tổng giám đốc công ty cây xanh cho hay, củi gỗ thu hồi công ty không được tổ chức đấu thầu. Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá Sở Tài chính đưa ra. “Sau một quý, thường là 3 tháng. Công ty báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu một công ty đấu thầu, công ty này đứng ra tổ chức thông báo các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu. Tiền đấu thầu thu được sau đó nộp vào ngân sách”, ông Hưng nói về quá trình bán củi gỗ sau khi bị chặt hạ.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trao đổi trên báo Dân Trí, VPBank là đơn vị cam kết tài trợ số cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Tuy nhiên, “ngân hàng chỉ là nhà tài trợ kinh phí trồng cây chứ không thực hiện trồng cây hay lựa chọn cây. Chúng tôi không có quyền và cũng không có chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ để lựa chọn cây này, cây kia để trồng”, ông Việt khẳng định.
Người phát ngôn của ngân hàng này chia sẻ, ông và nhân viên ngân hàng có nghe thấy dư luận tranh cãi giống cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, nhưng đơn vị này không rõ đây là cây Vàng tâm hay cây mỡ.
Thậm chí, đơn vị này cũng không biết ngày nào Hà Nội chặt hạ cây, ngày nào thay thế cây mới. Với cam kết tài trợ kinh phí thay thế cây, sau khi trồng, hết bao nhiêu tiền, đơn vị sẽ tài trợ số kinh phí đó. Đến nay, việc thực hiện tài trợ chưa diễn ra nên ngân hàng chưa biết cụ thể tổng số tiền cũng như số tiền từng cây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận