Lượng mẫu tăng lên nên kết quả chậm hơn thời gian trước
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin người dân chờ nhiều ngày chưa có kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR, F0 chậm được đưa đi cách ly, điều trị.
Đơn cử, như gia đình ở chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội có 4 F0, chờ một tuần mới có kết quả xét nghiệm khẳng định.
Trả lời báo chí, đại diện UBND phường Hoàng Liệt cho rằng, việc chậm đưa 4 F0 ở chung cư HH3A Linh Đàm trên địa bàn đi cách ly là do chưa có kết quả xét nghiệm PCR. Việc này khiến chính quyền địa phương lúng túng vì không thể ký quyết định đi điều trị hay cách ly tại nhà.
Trước thực trạng này, nhiều người Hà Nội lo lắng cho rằng việc lấy mẫu xét nghiệm, điều trị F0, cách ly F1 tại Thủ đô đang bị quá tải.
Lực lượng y tế TP Hà Nội đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở quận Long Biên
Trao đổi với báo chí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện nay lực lượng y tế tập trung xử lý mẫu xét nghiệm nhiều hơn trước đây. Ngoài ra, mẫu dương tính nhiều hơn trước nên phải làm cẩn thận, chắc chắn.
Trong những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng mạnh. Đáng chú ý, hôm qua (15/12), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông báo thành phố ghi nhận 1.357 ca nhiễm mới, trong đó có tới 611 trường hợp cộng đồng.
"Có mẫu dương tính phải làm xét nghiệm tới lần thứ 2, 3 mới có kết quả chắc chắn khẳng định nên chậm, trong khi số lượng mẫu tăng. Trường hợp ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai không chỉ có CDC làm mà có đơn vị khác xét nghiệm nữa. Nếu CDC làm thời gian đảm bảo nhưng một số đơn vị khác làm thường sẽ chậm hơn", ông Tuấn nói.
Về thông tin cho rằng, việc chậm trả kết quả xét nghiệm có phải do bị quá tải, ông Tuấn cho hay, thành phố chưa đến mức độ này nhưng do số lượng mẫu tăng lên, số lượng mẫu dương tính nhiều nên sẽ chậm hơn thời gian trước.
"Trước đây khi làm 1.000 mẫu xét nghiệm, tất cả đều âm tính, thì thời gian rất nhanh. Bây giờ làm 1.000 mẫu mà 100 mẫu dương thì lực lượng chuyên môn sẽ phải làm lần 2, lần 3, khẳng định xong phải khử khuẩn rồi mới làm tiếp được chứ không chạy liên tục.
Mẫu xét nghiệm dương tính nhiều sẽ mất thời gian hơn rất nhiều lần. Chỉ tính riêng CDC Hà Nội ngày làm vài nghìn mẫu xét nghiệm. Ngoài ra còn một số quận, huyện và bệnh viện làm. Tính ra, mỗi ngày Hà Nội xử lý trên 10.000 mẫu xét nghiệm trong đó có cả mẫu cách ly, mẫu xét nghiệm lần 2 - 3 tương đối lớn", ông Tuấn đưa ra dẫn chứng.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn
Người dân nên làm gì khi phát hiện test nhanh dương tính tại nhà?
Đánh giá về tình hình dịch hiện tại ở Thủ đô khi các ca nhiễm liên tục đạt "đỉnh", Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, người dân vẫn phải tuân thủ biện pháp 5K, lực lượng chức năng vẫn phải nhanh chóng xét nghiệm khoanh vùng xử lý các ổ dịch.
"Giờ được điều trị cách ly theo dõi tại nhà nên người dân yên tâm, khi có vấn đề gì hoặc tự xét nghiệm dương tính phải liên hệ với lực lượng y tế để được hướng dẫn cụ thể. Sẽ phải xử lý rác thải y tế riêng, rác thải sinh hoạt xử lý bình thường. Mỗi quận, huyện sẽ phải ký hợp đồng với công ty môi trường nào đó chịu trách nhiệm xử lý việc này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, số ca mắc tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng nữa, dự kiến có thể lên đến vài nghìn ca/ngày.
"Tất cả kịch bản Hà Nội cũng đã lường tính cụ thể. Tuy nhiên, ở mức độ nào chúng ta sẽ sẽ xử lý mức độ đó và làm một cách phù hợp nhất. Cùng với đó, hàng xóm cũng đóng vai trò rất quan trọng cùng chính quyền địa phương phối hợp, giám sát, hỗ trợ những gia đình có F0, F1 để không tiếp xúc với người ngoài", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh.
Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh, tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.
Ông Dũng nhận định, dù số ca bệnh bình quân gia tăng mạnh, nhưng thành phố vẫn kiểm soát được tình hình. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày, tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở.
Bí thư Hà Nội kêu gọi người dân thực hiện tốt "5K", không chủ quan, tụ tập đông người, nhất là trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2022...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận