Anh Tiến cho biết, rất hài lòng với cuộc sống thoải mái hiện tại |
CEO bỏ văn phòng máy lạnh và lương trăm triệu
Chiều cuối tuần giáp Tết trời lạnh giá, Phạm Quang Tiến về Hà Nội để chuyển nốt đồ từ căn chung cư hơn 100m2 ở Cầu Giấy về khu trang trại cách Hòa Lạc (Hà Nội) hơn chục cây số. “Chuyển nốt chuyến này về, sau đó đón ông, bà xuống để cả nhà ăn Tết tươm tất”, anh Tiến cười rất tươi khi thông tin về kế hoạch ăn Tết sum vầy, đông đủ.
Nói về việc đón ông bà xuống ăn Tết, cựu CEO sinh năm 1983 cho biết, đầu năm, khi anh quyết định rời vị trí giám đốc và vợ anh - chị Hoàng Thanh Hải, rời vị trí phó giám đốc của hệ thống bán lẻ Shop Trẻ thơ mà anh chị đầu tư tiền của, công sức và năm tháng thanh xuân xây dựng khiến bố mẹ anh không đồng tình. Tiếp đó, tận mắt thấy mảnh đất 1ha đất đồi đỏ quạch, trống trơn, chỉ có gió heo hút và cào cào, châu chấu tanh tách trên mấy cây cỏ dại, bố mẹ anh càng phản đối ra mặt. “Bỏ cả công ty, bỏ lương gần trăm triệu đi đến chỗ không biết có tương lai thế nào, bố mẹ nào chả xót”, anh Tiến nhớ lại. Dồn hết tiền bạc, tài sản, anh Tiến đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua đất và gần 1 tỷ đồng nữa cho hạ tầng, từ san ủi mặt bằng, đào ao, xây chuồng nuôi lợn, gà, xây tường bao... Anh Tiến cho hay, chỉ một số công đoạn là thuê máy móc như: San ủi, còn lại vợ chồng anh đều tự làm hết, từ xúc đất, phạt cây dại... rồi tự tay trồng từng khóm táo, cây ổi, gốc bưởi cho tới bụi chuối hay luống rau. “Làm nhiều nên người khỏe ra, ăn nhiều hơn và đầu óc thì thực sự thoải mái”, anh Tiến cười nói.
Đến nay, trên mảnh đất trống ấy đã có một hệ thống trại lợn, chuồng gà, ao cá, um tùm các loại cây ăn quả. “Tính đến thời điểm này mình mới kiến thiết được khoảng 1/3 quy hoạch. Nhưng những việc cơ bản và nặng nhọc nhất là chuẩn bị hạ tầng thì đã làm xong rồi”, anh Tiến cho hay. Không những thế, thành quả ban đầu là gia đình đã tự cung tự cấp thực phẩm sạch với các loại rau sạch xanh mướt, hoa quả chín thơm đầy vườn từ mấy trăm cây ăn quả, 20 con lợn rừng chỉ gặm cỏ và ăn thức ăn có nguồn gốc trùn quế, hơn 200 con gà, vịt ăn cám lõi và cây cỏ trong vườn, một ao thả đầy cá... Thấy rau quả sạch, thịt lợn, thịt gà thơm ngon, nhiều người đã “đặt gạch”, thậm chí... dụ dỗ để anh bán cho vài con gà, vài con vịt, ít thịt lợn để ăn Tết nhưng bị anh Tiến từ chối vì chưa sẵn sàng cung cấp ra thị trường.
...Đi nhặt phân trâu, trông lợn đẻ
Bên ly trà chiều đông, ánh mắt vị cựu CEO lấp lánh khi nhớ lại những “chuyện không giống ai” của vợ chồng anh từ khi lập trang trại. Anh Tiến kể, cuối tuần thảnh thơi, anh thường đưa vợ và hai con đi lang thang trong khu đất và sang các quả đồi bên cạnh để các con gần gũi thiên nhiên sau cả tuần học tập trong thành phố. “Có lần, đang đi chơi thì vợ và các con phát hiện thấy có phân trâu liền yêu cầu anh quay về lấy bao để đựng”, anh Tiến kể một cách vừa hài hước và hào hứng. Và tất nhiên, buổi đi chơi như hôm ấy đã biến thành buổi cả nhà cùng nhau đi tìm và nhặt phân trâu.
Anh Phạm Quang Tiến sinh năm 1983, tốt nghiệp Khoa Toán tin ứng dụng, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi ra trường, anh Tiến là lập trình viên tại FPT Software. Sau hơn một năm, anh quyết định khởi nghiệp bằng quán cơm văn phòng online Footnet Việt Nam với mong muốn tiêu thụ thực phẩm sạch cho người dân ở quê, từ đó tạo ra những bữa cơm văn phòng đảm bảo chất lượng. Từ tháng 4/2009, anh Tiến cùng vợ khởi động dự án shop Trẻ thơ và mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 5/2009. Đến nay, hệ thống shop Trẻ thơ đã có 27 cửa hàng, gần 300 nhân viên với doanh thu rất tốt. |
Sau khi nhặt được cả xe phân trâu như vậy, cùng với phân lợn và cây cỏ, anh đổ vào khu làm phân trùn quế. Từ trùn quế này, anh Tiến chế biến thành thức ăn cho lợn, gà, làm phân bón cây... Tất cả thành chu trình khép kín. Anh Tiến tiết lộ, nếu chỉ đơn thuần bán trùn quế anh cũng đã lãi to vì mỗi 1m2 hạ tầng anh có thể sản xuất được cả tấn phân trùn quế. Trong khi trùn quế đang trở thành nguồn thức ăn lý tưởng và được các trang trại sản xuất thực phẩm sạch săn lùng do lợn, bò, gà ăn loại thức ăn này sẽ cho thịt sạch, không hóa chất tồn dư và còn vô cùng thơm ngon.
Một lần khác, đó là vào đúng sinh nhật chị Hải, cả nhà đã lên kế hoạch chúc mừng người phụ nữ của gia đình thì bất ngờ con lợn rừng đẻ. “Lúc đó, hai vợ chồng cuống lên vì không biết phải làm như thế nào, còn bọn trẻ thì vô cùng thích thú”, anh Tiến hồi tưởng. Vì lợn mẹ vẫn đang nhốt chung với cả đàn, cả nhà phải trông để không cho các con lợn khác cắn hay dẫm lên lợn con. Cả nhà anh tất bật lo cho lợn mẹ và đàn lợn con đến tối. Và thay vì tổ chức sinh nhật cho chị Hải, tối đó cả nhà anh đã ngủ ngay bên ngoài chuồng lợn. “Lần đó chưa có kinh nghiệm nên một con lợn con bị dẫm chết. Bọn trẻ buồn lắm. Đàn lợn đó cũng do không được tách ra nên khi nuôi còi cọc, chậm lớn”, anh Tiến nói và cho biết thêm, sau đó anh chị rút kinh nghiệm, những lứa sau đã tách đàn cho lợn con để chúng cọ sàn, chạy nhảy nên lớn nhanh hơn.
Biết dừng, biết đủ nhưng phải biết ước mơ
Anh Tiến kể, một lần khi các con đã ngủ, anh nói với vợ: “Hay là mình bán trang trại. Có người trả giá cao”. Nghe thế, vợ anh bật người dậy kiên quyết từ chối. Chị cho rằng, những việc vất vả nhất thì anh chị đã cùng nhau làm. Đến nay, đã cơ bản xong hạ tầng, chỉ còn đầu tư xây thêm trang trại, trồng thêm cây, định hướng theo một mô hình hiệu quả và chăm chút cho thành quả ấy. Vợ anh đã rất giận và nói thẳng, việc anh “dụ dỗ” bỏ chức phó giám đốc, bỏ văn phòng máy lạnh là tưởng tôi có lý tưởng, có kiên trì nên mới theo. “Làm sao bán được. Khi quyết định lập trang trại, tôi đã nghĩ chẳng cần kiếm nhiều tiền quá. Bây giờ từ thành phố cho đến các vùng quê chỗ nào cũng bụi bẩn, ô nhiễm. Nên tôi muốn làm gì đó để giúp bà con có cái ăn uống sạch hơn”, anh Tiến nói.
Anh Tiến cho biết, đang tham khảo một số mô hình trang trại sinh thái kết hợp với sản xuất, du lịch kiểu Nhật Bản. Theo đó, mô hình mà anh chú ý sẽ là nơi sản xuất khép kín các thực phẩm sạch. Trong trang trại sẽ có các khu sản xuất, khu tham quan, vui chơi, khu chế biến, khu bày bán sản phẩm và khu phục vụ khách du lịch tại chỗ. Mô hình này cũng sẽ kết hợp với sự tham gia của những hộ dân xung quanh vào các khâu như sản xuất, phục vụ, bao tiêu... để tạo thành chuỗi. Từ đó, đạt được mục đích là tạo ra sản phẩm sạch, tạo khu tham quan, vui chơi, ăn uống và quan trọng là tạo ra mô hình để bà con nông dân cùng tham gia.
Hiện, anh Tiến đang rao bán căn hộ hơn 100m2 ở Cầu Giấy (Hà Nội) để lấy tiền đầu tư tiếp cho dự án. “Cái gì cũng có giá của nó. Chúng tôi cũng có những lúc cô đơn, mệt mỏi nhưng vẫn phấn đấu vì những câu chuyện về hệ giá trị”, anh Tiến tâm sự. Cựu CEO 8X nay vẫn giữ dáng vẻ thư sinh nhưng không còn bóng bẩy, là lượt như khi ngồi văn phòng, máy lạnh. Thay vào đó là sự thoải mái về phong cách và suy nghĩ như anh chia sẻ. Và đặc biệt, ánh mắt luôn lấp lánh và nụ cười anh lúc nào cũng vô tư rạng rỡ. “Con người biết dừng, biết đủ nhưng cũng phải biết sống cho mơ ước thực sự”, anh chiêm nghiệm bên ly trà chiều đông với PV Báo Giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận