"Ra nhận dạng con, nhưng mong... không phải là nó!"
Chiều 8/5, một nhóm khoảng 11 người đi thuyền trên sông Thu Bồn từ TP Hội An về xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Khi thuyền đến địa phận xã Duy Nghĩa thì bị lật khiến 5 người mất tích, 6 người được cứu kịp thời. Đến đầu giờ chiều 9/5, lực lượng chức năng đã tìm thấy 3 thi thể nạn nhân và tích cực tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại.
Gần 24h trôi qua, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy 2 nạn nhân còn lại của vụ lật ghe khiến 5 người mất tích trên sông Thu Bồn chiều qua (8/5).
Giữa trưa, cái nắng hè miền Trung như thiêu đốt, ông Đoàn Văn Xí (cha nạn nhân Đoàn Nguyễn Nhơn Hiếu) ngồi thẫn thờ bên bờ kè sông Thu Bồn, ngóng về nơi con mình gặp nạn. Xa xa, những chiếc ca nô lớn nhỏ quần thảo, sông Thu Bồn gợn sóng càng làm lòng người cha già bồn chồn thêm nữa.
Suốt đêm qua, ông Xí thức trắng chờ tin con. Đến gần trưa nay, nạn nhân thứ 3 đã được tìm thấy, nhưng không phải là Hiếu. Mỗi lần có nạn nhân được vớt lên, người cha già vừa khóc vừa chạy dọc bờ kè sông đến nhận dạng con.
“Chạy ra nhận dạng con nhưng lại mong không phải là nó, hi vọng là nó còn sống. Nhưng đến người thứ 3 được vớt lên vẫn không phải thằng Hiếu càng khiến tôi bồn chồn hơn nữa”, người cha lam lũ chia sẻ.
Trưa hôm qua, hết giờ làm buổi sáng, ông Xí từ công trình gần nhà về ăn cơm. Cha con nói chuyện với nhau. Mới nửa ca làm chiều, ông Xí nhận được điện thoại, báo con mình đã mất tích trên sông. Vẫn bộ đồ công nhân sờn cũ, đầy bụi bặm, người cha chạy vội ra bờ sông. Còn mẹ Hiếu vừa hay tin chẳng lành đã ngất xỉu.
Hình ảnh người đàn ông dáng vẻ nhỏ thó, liêu xiêu với vẻ ngoài khắc khổ khóc tìm con như ám ảnh hàng trăm con người có mặt theo dõi hiện trường. Cách lều chỉ huy cứu hộ cứu nạn không xa, bãi cát dài thoai thoải, những nén nhang được thắp lập lòe.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ 5 triệu đồng/ gia đình các nạn nhân tử vong, mất tích trong vụ lật ghe.
Cục Đường thủy nội địa cũng hỗ trợ 2 triệu đồng/trường hợp tử vong, mất tích.
Bà Đoàn Thị Hoa, cô ruột nạn nhân Hiếu cho biết, Hiếu vừa thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương vào dịp Tết vừa qua. Hiếu hùn vốn mở tiệm nhôm kính để làm. “Chiều hôm qua, thằng Hiếu cùng mấy thanh niên trong xóm rủ nhau đi ghe qua bờ kia sông để chơi. Ai ngờ nó đi rồi không về nữa”, bà Hoa nói trong nước mắt.
Anh Huỳnh Thanh Thịnh (24 tuổi), là 1 trong 6 nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ lật ghe vẫn còn hoảng hốt. Anh kể, sáng ngày 8/5, nhóm thanh niên trong thôn tổ chức liên hoan vui chơi. Đến 12h trưa, cả nhóm rủ nhau sang gò Thuận Tình bên kia Thu Bồn cách bờ hơn 2km tiếp tục đi chơi.
“Lúc cả nhóm đang mua đồ tại quán tạp hóa thì gặp tôi đến nên rủ tôi đi chung. Sau đó, cả nhóm thuê ghe đi. Đến 15h thì quay về. Khi ghe đi được khoảng 800 mét thì bị sóng đánh lật khiến cả 11 người rơi xuống nước”, anh Thịnh kể.
Ghe lật, khung cảnh hỗn loạn, tiếng la hét kêu cứu, tiếng tay chân người quẫy đạp nước tìm cách bơi vào bờ. Thịnh cũng gắng gượng bơi đi nhưng bị sóng nước cuốn ra xa, may mắn gặp được ngư dân đánh cá phát hiện đến ứng cứu kịp thời.
3 tháng 2 vụ lật ghe, 11 người tử nạn, mất tích
Chưa đầy 3 tháng, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 2 vụ lật ghe dân sinh khiến 11 người mất tích và tử nạn. Trước đó, vào khoảng 16h ngày 25/2, 10 người dân thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) cùng đi trên chiếc đò nhôm để di chuyển sang cánh đồng nằm phía bên kia bãi bồi sông Vu Gia. Khi đi đến giữa dòng nước, chiếc đò bị lật, 10 người rơi xuống sông. 4 người được cứu, còn 6 người đuối nước và tử vong.
Theo lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Quảng Nam, cả 2 vụ tai nạn đường thủy nội địa đều là ghe dân sinh và xuất phát tự do chứ không phải đi từ bến đò. Người dân đi lại trên sông nhưng không trang bị phao cứu sinh. Cơ quan chức năng địa phương nhiều lần tuyên truyền nhưng người dân chưa có ý thức chấp hành việc mang áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.
Trực tiếp kiểm tra hiện trường 2 vụ lật ghe nêu trên, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, vụ lật ghe này cũng tương tự như vụ lật ghe xảy ra tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) khiến 6 người tử nạn. Các nạn nhân cũng đi trên phương tiện dân sinh và không có áo phao cũng như những dụng cụ cứu sinh nên mới dẫn đến hậu quả thương tâm.
Ông Hùng cho biết, lần này, sửa đổi Nghị định 132 (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa - PV), riêng về chế tài xử phạt phải làm căng như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Chế tài xử phạt nhẹ thì lực lượng chức năng xử lý cũng vất vả, người dân cũng không sợ. Qua vụ việc này, chắc chắn sẽ kiến nghị chế tài xử phạt nặng lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận