Trong nhiều vấn đề nuôi con cái, không ít cha mẹ luôn phàn nàn về việc con mình không có “cái nết” ăn uống. Họ cảm thấy quá mệt mỏi khi trẻ chẳng chịu ngồi vào bàn ăn, quăng đồ ăn khắp nơi…, nhìn chung đó là một mớ hỗn độn. Trên thực tế, cách trẻ cư xử khi ăn uống ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của chúng sau này. Vì vậy cha mẹ nên sớm có những biện pháp uốn nắn thay đổi.
Mẹ của Tiểu Long (8 tuổi) đưa con gái mình đến dự buổi tiệc sinh nhật của bạn cùng lớp. Thế nhưng, cô bé hết chạy chỗ này lại lăng xăng chỗ kia, không chịu ngồi vào bàn ăn cùng với mọi người. Cô bé thậm chí còn không chia sẻ đồ ăn với các bạn và vứt rác la liệt khắp nơi.
Lúc đó, mẹ của Tiểu Long cảm thấy rất xấu hổ. Dù bị mẹ nhắc nhở nhiều lần nhưng cô bé vẫn không nghe lời. Nhìn bạn bè của con gái ngồi ăn uống nghiêm chỉnh, đàng hoàng, mẹ của cô bé cảm thấy bất lực vô cùng.
Hành vi như cô bé Tiểu Long không phải là hiếm gặp trong cuộc sống hằng ngày. Không ít cha mẹ tin rằng chỉ cần con cái lớn lên tự khắc chúng sẽ thay đổi được. Nhưng rồi thói quen của một đứa trẻ 8 tuổi vẫn chẳng khác gì khi chúng 3 tuổi, 5 tuổi… Vậy nên, nếu cha mẹ không muốn con mình khi lớn lên có cái “nết ăn” khó chịu, ngay từ nhỏ chúng cần được hình thành thói quen tốt.
1. Từ nhỏ, hãy cho trẻ ăn cùng với người lớn nhưng ngồi riêng trên ghế ăn
Việc cho trẻ ngồi vào bàn ăn cùng với người lớn sẽ khiến chúng cảm nhận được không khí gia đình. Khi thấy cha mẹ ăn, trẻ cũng vô tình bắt chước thói quen tự xúc ăn và tập trung vào bữa ăn của mình hơn.
2. Đến giờ ăn, trẻ cần đợi mọi người ngồi xuống ăn cùng một lúc
Có thể trẻ sẽ rất đói bụng và cáu gắt khi không được cho ăn ngay lập tức. Nhưng cơn đói sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của thức ăn và ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, vào lúc này, trẻ sẽ hiểu được là đã đến giờ ăn cơm, mọi người sẽ tập trung lại và ăn cùng một lúc. Do đó, chúng cũng sẽ tập trung, nghiêm túc ăn uống hơn.
3. Trẻ cần được dùng đũa, thìa, bát riêng
Thói quen này sẽ giúp trẻ hiểu được đồ ăn của mình thì mình có quyền làm gì cũng được, chúng có thể không ăn tùy theo ý muốn. Hơn nữa, nó còn giúp trẻ nhận ra mình không nên phá phách, nghịch ngợm đồ ăn của người khác. Điều này rất có lợi cho trẻ khi đi ăn nơi công cộng, các đám tiệc, chúng sẽ không tự ý lãng phí thức ăn nữa.
4. Cho trẻ học cách sử dụng đũa
Việc sử dụng đũa rất cần thiết trong nhiều dịp khác nhau. Cách dùng đũa cũng có thể phản ánh cách giáo dục con cái trong gia đình. Vì vậy, khi trẻ khoảng 3 tuổi, cha mẹ nên tập cho con mình thói quen này.
Những thói quen trên hoàn toàn không quá phức tạp, dễ dàng để cha mẹ có thể áp dụng với trẻ ngay từ nhỏ. Thói quen ăn uống của trẻ cũng phản ánh quá trình giáo dục con cái của gia đình. Vậy nên, trẻ càng sớm hình thành thói quen tốt thì tương lai cha mẹ càng ít phải đau đầu, phiền muộn hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận