Khi cha mẹ nói với con mình rằng: “Kiếm tiền rất vất vả, nhà mình nghèo”, khác nào họ đang nói:
“Con nhìn xem, cha mẹ đã rất vất vả kiếm tiền để con có thể được ăn ngon mặc đẹp. Con đang nợ chúng ta đấy nên phải biết vâng lời, sau này nhớ báo đáp lại, nếu không sẽ là người vô ơn, bất hiếu”.
“Con không thấy nhà chúng ta nghèo sao? Đừng có mà đòi cái này cái kia như vậy. Con có thể lớn lên mà không chết đói đã là tốt lắm rồi”.
“Cha mẹ đã làm việc rất vất vả để kiếm tiền nhưng vẫn nghèo. Cha mẹ chẳng thể thay đổi được gì dù có làm việc chăm chỉ như vậy. Con sinh ra trong một gia đình nghèo, đó là định mệnh của con”.
Mặc dù cha mẹ không trực tiếp nói ra những câu này nhưng những gì trẻ hiểu trong đầu mình lại giống như vậy. Điều này vô tình mang lại một gánh nặng, một cảm giác tội lỗi đối với đứa trẻ.
Vì thế, một số đứa trẻ để xoa dịu cảm xúc của cha mẹ, chúng sẽ kìm nén nhu cầu của bản thân. Điều này có thể dẫn tới một hệ lụy đó là trẻ sẽ không bao giờ được làm những gì theo ý muốn của chúng. Đặc biệt trong những giai đoạn mang tính quyết định như thi đại học, chọn ngành, kết hôn, sinh con… Chỉ vì muốn làm vui lòng cha mẹ, chúng sẽ hy sinh bản thân, nghe theo những lời cha mẹ nói.
Hậu quả của việc cha mẹ “than nghèo kể khổ” trước mặt con cái
Việc cha mẹ không ngừng nhấn mạnh mình đã bỏ ra một khoản phí lớn để nuôi con cái sẽ khiến trẻ luôn mang trong mình một cảm giác như đang mắc nợ.
Điều gì sẽ xảy ra khi một đứa trẻ lớn lên với cảm giác tội lỗi?
Thông thường, chúng sẽ trở thành một người thích xu nịnh hoặc một người hay nổi loạn. 2 kiểu người này nhìn bề ngoài có vẻ như đối lập nhau nhưng về bản chất lại có một điểm chung, đó là chưa hình thành được những tính cách độc lập.
Khi trẻ rơi vào trường hợp này, nếu thực sự muốn “đứng dậy” chúng cần phải điều chỉnh lại tâm lý và nhân cách của mình. Quá trình này người bình thường rất khó làm được, cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.
Cha mẹ nên làm gì trong trường hợp này?
Mặc dù có thể một số cha mẹ không có ý mang lại cảm giác tội lỗi cho con cái, họ chỉ đơn thuần muốn con mình biết quý trọng đồng tiền và biết được cuộc sống này không hề dễ dàng.
Có một người mẹ than phiền rằng: “Con tôi lúc nào cũng đòi mua đồ chơi. Tiền bạc sắp cạn rồi, tôi không biết phải làm sao đây”.
Thay vì “than nghèo kể khổ” với con cái rằng mình hết tiền, chuyên gia tâm lý đưa ra một gợi ý, đó là giới hạn số tiền mua đồ chơi mỗi tháng.
Nếu lần sau đứa trẻ tiếp tục đòi mua đồ chơi, có thể nói với con rằng: “Tiền mẹ kiếm được có hạn, mỗi tháng mẹ chỉ có thể cho con 100 nghìn đồng để mua đồ chơi. Mẹ hứa với con, tháng nào cũng sẽ có 100 nghìn cho con mua đồ chơi, nhưng việc mua đồ chơi gì, đắt hay rẻ là do con quyết định”.
Suy cho cùng, khả năng kiếm tiền của cha mẹ cũng có hạn, con cái cần hiểu được điều đó. Là cha mẹ chứ không phải là một vị thần có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con cái.
Một khi việc đáp ứng nhu cầu của con cái không ảnh hưởng tới vấn đề tài chính của cha mẹ, đương nhiên cha mẹ sẽ không thiếu thốn và không mang lại cảm giác tội lỗi cho con cái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận