Hỏi:
Gần đây, tôi đọc nhiều thông tin về trẻ bị ong đốt, rất nguy hiểm, thậm chí có trẻ suy đa tạng vì sốc phản vệ. Vậy bác sĩ có thể tư vấn giúp, cần sơ cấp cứu gì ngay sau khi phát hiện trẻ bị ong đốt?
Nguyễn Mai Lan (Hà Nội)
Một trường hợp trẻ bị ong đốt điều trị tại Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, BV Nhi TƯ trả lời:
Tai nạn do ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các cháu sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều, có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây tử vong chỉ với 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu.
Để tránh hậu quả nghiêm trọng, khi trẻ bị ong đốt, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xử trí, nhanh chóng di chuyển trẻ tới khu vực an toàn tránh bị đốt nhiều hơn.
Sau đó thực hành các bước như: Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương.
Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.
Chườm trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 10 phút.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất sau khi bị ong đốt để tránh những nguy hiểm xảy ra.
Trường hợp trẻ có một trong các dấu hiệu sau: Có nhiều vết đốt; Bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ, kèm theo phù nề lan nhanh hoặc có sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng; Hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không nên trì hoãn để thực hiện các bước sơ cứu tại nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận