Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp |
Cần nhanh chóng cổ phần hóa DNNN
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, trong số 137 DNNN cổ phần hóa (CPH) giai đoạn năm 2017 - 2020 thì trong năm nay, cả nước sẽ phải CPH 45 DN. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới hoàn thành CPH 6 DN. Hiện, đã công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN. Trong số này, có những DN quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như: 3 DN thành viên của Tập đoàn Dầu khí - PVN có tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỷ đồng, 1 DN thành viên của Tập đoàn Điện lực - EVN có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng. Hiện, đang tiến hành xác định giá trị DN của 20 DN. Như vậy, dự kiến sẽ hoàn thành CPH 40 DN, trong tổng số 45 DN của kế hoạch năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nêu thực tế, hiện nhiều nơi đang có tư tưởng chờ thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Cũng có tình trạng chậm do văn bản nhưng không phải nguyên nhân chính. Ông cũng khẳng định, việc CPH đến giờ này Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiên quyết thực hiện. Ông Hiếu cũng lưu ý, việc sắp xếp lại các DNNN, thoái vốn không phải nhiệm vụ do Bộ Tài chính trình mà là nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Quốc hội giao. Vì vậy, ông đề nghị dù có thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước thì tốt nhất vẫn là CPH, bởi không ai trăm tay nghìn mắt quản lý được. “Khi đã CPH có 35% vốn từ ngoài vào là "đồng tiền đi liền khúc ruột", quản lý sẽ tốt lên”, ông Hiếu nói và cho rằng, không phải chờ gì cả mà cần nhanh chóng CPH, thoái vốn, trừ những doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước như các doanh nghiệp của quân đội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nếu từ nay tới cuối năm CPH thành công được một DN lớn thì tỷ lệ vốn hóa được chuyển đổi sở hữu sẽ rất lớn, tạo ra quản trị tốt. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng doanh nghiệp CPH, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn”. |
Sợ sai phạm nên đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước có chuyển biến cả về công tác chỉ đạo điều hành công khai, minh bạch, xây dựng thể chế chính sách, kết quả CPH, thoái vốn, xác định giá trị DN CPH… Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế là tiến độ sắp xếp, CPH, thoái vốn không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra, làm “dồn” việc cho 6 tháng cuối năm; 578 doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định. Hiệu quả hoạt động của khối DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, dự án hoạt động kém, thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhận định, quá trình CPH còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản đất đai, trách nhiệm của người quản lý tài sản Nhà nước chưa rõ ràng.
Nguyên nhân của hạn chế trên, theo Phó Thủ tướng chính là do chỉ đạo, điều hành của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thật quyết liệt trong công tác CPH, thoái vốn. “Đâu đó còn tâm ý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Thẩm quyền của bộ, địa phương nhưng không dám quyết, đưa lên Chính phủ hỏi ý kiến cho an toàn, nhưng Chính phủ quyết lại không đúng luật. Kinh nghiệm là bộ nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ ra thực tế.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp doanh nghiệp CPH và thoái vốn doanh nghiệp theo Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XII về sắp xếp, đổi mới DNNN.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận