Vận tải

Chấm điểm lựa chọn DN khai thác tuyến vận tải

28/01/2016, 07:25

Bộ GTVT vừa ban hành quy định quy trình lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng ôtô.

12

Thông tư 92 ban hành sẽ là động lực để các DN vận tảiđổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách - Ảnh: Ngô Vinh

Bộ GTVT mới đây ban hành Thông tư số 92 quy định về quy trình lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô. Thực hiện quy định này tạo sự công khai, minh bạch và lựa chọn được doanh nghiệp (DN) vận tải tốt hơn.

Từ 1/3, doanh nghiệp có thể đăng ký khai thác tuyến

Theo ông Đỗ Quốc Phong, chuyên viên Vụ Vận tải (Bộ GTVT), để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tại Thông tư số 60 năm 2015 đã quy định bỏ chấp thuận tuyến vận tải khách cố định. Trong đó, thông tư này quy định, nếu chỉ có một đơn vị đăng ký khai thác sẽ bỏ việc chấp thuận tuyến và Sở GTVT sẽ cấp luôn phù hiệu cho đơn vị đó theo các trình tự tại Thông tư 63. Trong trường hợp có hai đơn vị đăng ký sẽ thực hiện lựa chọn đơn vị khai thác tuyến theo các tiêu chí cụ thể tại Thông tư số 92 vừa được ban hành và có hiệu lực từ 1/3/2016.

Vì vậy ,Thông tư 92 nhằm mục tiêu giải quyết các trường hợp có hai đơn vị đăng ký cùng khai thác các giờ xe xuất bến còn trống, giống nhau. Theo quy định, các Sở GTVT trên cơ sở các tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch sẽ công bố các giờ xe chạy còn trống và tổ chức việc lựa chọn DN khai thác.

“Việc lựa chọn các đơn vị khai thác tuyến sẽ chỉ được thực hiện trên các lốt xe còn trống đã được quy hoạch. Ví dụ như, một tuyến có 60 chuyến/ngày nhưng nay đã chạy 40 chuyến, còn trống 20 chuyến, chỉ thực hiện lựa chọn đơn vị khai thác trong phạm vi 20 chuyến còn trống đó, không thực hiện với các lốt xe đã hoạt động ổn định”, ông Phong cho biết.

Cụ thể, theo Thông tư 92, việc tổ chức lựa chọn sẽ do Sở GTVT hai đầu tuyến thoả thuận để một Sở đầu tuyến tổ chức quy trình lựa chọn. Tiêu chí tổ chức thực hiện là các tuyến nằm trong quy hoạch, có giờ xuất bến nằm trong biểu đồ chạy xe đã được công bố và chưa có đơn vị khai thác. Giờ xuất bến phải có từ 2 đơn vị trở lên đăng ký khai thác tuyến thành công (tính cho cả hai đầu tuyến).

Cơ hội cho các doanh nghiệp mạnh

Sau khi Thông tư 92 ban hành, một số DN cho biết, chưa rõ việc phân định cơ quan đứng ra tổ chức lựa chọn đơn vị khai thác tuyến. Giải thích vấn đề này, ông Phong cho biết, thực tế sẽ có hai đầu tuyến và DN thuộc cả hai đầu tuyến đều được đăng ký khai thác tuyến. Tuy nhiên, việc xác định Sở GTVT ở đầu tuyến nào được đứng ra chủ trì lựa chọn DN khai thác tuyến sẽ căn cứ vào số lượng DN ở hai đầu tuyến. Theo đó, đầu tuyến nào có số DN đăng ký khai thác tuyến nhiều hơn, Sở GTVT đầu đó sẽ đứng ra chủ trì tổ chức lựa chọn. Trong trường hợp hai đầu tuyến có số lượng DN đăng ký khai thác ngang nhau thì sẽ xác định bằng dấu công văn hồ sơ của đơn vị đầu tiên gửi đến Sở nào, Sở đó sẽ đứng ra chủ trì để tổ chức lựa chọn.

Các tiêu chí lựa chọn xe tham gia tuyến còn căn cứ vào bảng đánh giá năng lực và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô như: Phương án khai thác tuyến; Số lượng phương tiện vận chuyển; Kế hoạch bảo dưỡng phương tiện; Số lượng lái xe và nhân viên phục vụ trên xe... Bên cạnh đó là các tiêu chí đánh giá về kỹ thuật của đơn vị theo hồ sơ lựa chọn như: Niên hạn sử dụng bình quân của phương tiện (mới 100% hay có niên hạn từ 1 - 13 năm...); Loại ghế ngồi (có tựa lưng điều chỉnh hoặc giường nằm - ghế chỉ có tựa lưng cố định); Các trang bị khác trên xe (Điều hoà nhiệt độ, wifi, dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật, che nắng)... và các phương án, chất lượng vận tải khác mà đơn vị vận tải đăng ký...

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng): “DN rất quan tâm đến quy định tại Thông tư 92. Tuy nhiên, đây là những quy định hoàn toàn mới nên các DN sẽ phải nghiên cứu kỹ trước khi tham gia, việc đăng ký tham gia tuyến mới theo các tiêu chí của thông tư”.

Trao đổi với Báo Giao thông về thông tư mới ban hành, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, sau khi Thông tư ban hành chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau từ các DN vận tải. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là một quy định hoàn toàn mới và mang tính đột phá trong việc lựa chọn các đơn vị tham gia vào các tuyến vận tải hành khách cố định. Về lâu dài, đây là điều rất tốt đối với lĩnh vực vận tải, là cơ sở để các DN có ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu, tích tụ vận tải để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thời kỳ mới.

“Với các quy định, tiêu chí cụ thể để lựa chọn DN như thông tư quy định, những DN nào tốt, có năng lực hơn sẽ được lựa chọn. Chẳng hạn hai đơn vị vận tải cùng đăng ký một tuyến sẽ có sự sàng lọc để lựa chọn. DN nào có uy tín, quy mô, thương hiệu, bộ máy quản lý tốt thì sẽ có số điểm cao hơn và được lựa chọn. Như vậy, không chỉ xoá bỏ được cơ chế xin - cho trong chấp thuận tuyến, đảm bảo sự công khai minh bạch, giúp cho lĩnh vực vận tải lành mạnh hơn mà còn buộc các DN vận tải phải có sự cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ. Khi đó, DN nào khoẻ thì được vào, DN nào yếu sẽ bị loại và được đánh giá công khai nên không thể có những thắc mắc gì nữa”, ông Thanh cho biết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.