Công an Hải Dương cấp CCCD cho công dân (ảnh minh họa)
Hàng loạt cải cách về quyền tự do cư trú
Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay (1/7) được đánh giá là sẽ có tác động trực tiếp tới hàng chục triệu công dân Việt Nam. Nhiều điểm mới của Luật chính thức được áp dụng trong đó có việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ những quy định cứng nhắc về hộ khẩu nhằm tối đa hóa quyền tự do cư trú của công dân theo luật định.
Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã gắn liền với mỗi hộ dân hàng chục năm qua, nhưng từ hôm nay, ngày 1/7, người dân khi đi làm thủ tục đăng ký thường trú không còn được cấp sổ hộ khẩu, làm thủ tục đăng ký tạm trú không còn được cấp sổ tạm trú. Đồng thời, các cuốn sổ này nếu mất, bị hư hỏng, rách nát… cũng không còn được cấp lại.
Thay vào đó, người dân được chọn lựa cách thức đăng ký lưu trú, cư trú trực tuyến qua các cổng dịch vụ công thay vì phải trực tiếp đến cơ quan công an như trước đây. Toàn bộ thông tin về hộ khẩu và cư trú của người dân được cập nhật lên cơ sở dữ liệu cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi người dân có thay đổi thông tin về cư trú (đăng ký thường trú, tạm trú, tách nhập hộ khẩu...), công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp và cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu.
Cũng từ ngày đầu tiên của tháng 7, người dân chính thức được làm CCCD ở nơi tạm trú thay vì phải về nơi thường trú như trước đây. Thời gian tối đa để cấp căn cước công dân cho người dân là 8 ngày làm việc.
Khi đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, người dân không còn phải điền thông tin trên tờ khai CCCD như trước, mà cán bộ làm thủ tục sẽ tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó in phiếu cho người dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên.
Một điểm mới khác là, Bộ Công an yêu cầu thu hồi mọi chứng minh nhân dân cũ (9 số, 12 số) khi người dân làm thủ tục đổi sang CCCD gắn chip. Trong khi trước đây, chỉ thu hồi với chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét, còn các trường hợp khác chỉ bị cắt góc và được trả lại cho người dân.
Mã QR trên thẻ Căn cước công dân chứa thông tin về số chứng minh nhân dân cũ của người dân. Do đó, người dân không cần phải xin giấy xác nhận số CMND và cung cấp khi làm các thủ tục, giao dịch sử dụng số chứng minh nhân dân cũ như trước đây, trừ trường hợp mã QR không có thông tin này.
Khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, việc đăng ký thường trú, tạm trú có nhiều thay đổi.
Theo đó, điều kiện đăng ký thường trú tại 63 tỉnh, thành là như nhau, không phân biệt thành phố trực thuộc Trung ương như trước đây. Đáng chú ý, việc nhập hộ khẩu vào các thành phố lớn có phần "cởi mở" hơn vì đã xóa bỏ điều kiện "thời gian tạm trú", chỉ yêu cầu người dân có chỗ ở hợp pháp là có thể làm thủ tục đăng ký.
Với những điều kiện rộng mở hơn, hàng vạn người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM có thể dễ dàng nhập hộ khẩu – Điều mà thời gian trước là rất khó khăn dù họ đã sống hàng chục năm tại các thành phố này.
Bộ Công an chính thức vận hành Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư
Vận hành hệ thống dữ liệu Quốc gia về dân cư
Cùng với việc Luật Cư trú có hiệu lực, hôm nay (1/7) hệ thống dữ liệu Quốc gia về dân cư cũng được Bộ Công an chính thức vận hành. Đây là nỗ lực của toàn ngành công an suốt nhiều tháng qua nhằm đáp ứng yêu cầu hướng tới xây dựng một Chính phủ điện tử.
Bộ đã cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư và làm sạch đạt 96,6%, đồng thời đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc; đã thu nhận hồ sơ để cấp hơn 52 triệu thẻ căn cước.
Hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Bộ Công an đã cấp đồng loạt hơn 98 triệu số định danh cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống.
Hệ thống dữ liệu Quốc gia về dân cư đã chạy thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND các địa phương Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Các tỉnh thành còn lại sẽ được tiến hành kết nối trong tháng 7/2021.
Bộ đã tổ chức kết nối chia sẻ thông tin dân cư với một số bộ, ngành như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục CSGT để sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân giải quyết thủ tục cấp thẻ bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận