Dịp Tết 2018 các doanh nghiệp chở khách từ bến xe Miền Đông đều thực hiện mức phụ thu giá vé từ 20 - 60% - Ảnh: Mai Huyên |
Vì sao phải phụ thu đến 60%?
Theo lãnh đạo bến xe (BX) Miền Đông, trong 20 ngày cao điểm Tết vừa qua, lượng xe xuất bến qua BX Miền Đông là 26.626 xe với gần 590 nghìn hành khách. Số lượng này tăng 104% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các đơn vị vận tải chỉ đầu tư phương tiện phục vụ ngày thường, dẫn đến khó đáp ứng nhu cầu cùng lúc của người mua dồn vào trong dịp Tết.
Ngày 28/2, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc BX Miền Đông cho biết, dịp Tết giá vé tăng 40 - 60% là để các nhà xe bù vào chiều chạy rỗng. Đặc thù của TP.HCM, dịp Tết khách đi ngược về thành phố không có mà từ thành phố đi về các tỉnh rất là đông. Đặc biệt là các tuyến đường dài, xe không quay vòng kịp.
Trong khi đó, tại bến xe Miền Tây (BXMT), lượng khách tăng 5 - 7% so với cùng kỳ năm 2017. Từ ngày 27 - 30 tháng Chạp, có 125/145 DN hoạt động tại bến xe này điều chỉnh tăng giá 40% so với ngày thường. Riêng những tuyến đường có cự ly trên 400 km, giá vé tăng cao nhất 60%, áp dụng trong 6 ngày, từ ngày 12 - 17/2 (tức ngày 27 tháng Chạp đến mùng 2 tháng Giêng).
Lý giải việc tăng phụ thu giá vé dịp Tết, ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Phó tổng giám đốc BX Miền Tây cho biết, giá vé là do DN tự quyết định theo Thông tư liên tịch 152 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Theo quy định của TP HCM năm 2017, các DN muốn tăng giá vé phải gửi văn bản lên Sở GTVT thành phố để thẩm định những yếu tố làm tăng giá vé. Chẳng hạn như: Chi phí nhiên liệu, khấu hao, tiền lương trong ngày lễ, Tết... Các DN phải giải trình, chứng minh với sở. BX Miền Tây chỉ là đơn vị tiếp nhận sau khi sở thống nhất với việc tăng giá, họ đóng dấu vào phương án giá của các DN. Chúng tôi tiếp nhận và kiểm tra việc họ kê khai, niêm yết có đúng giá quy định hay không mà thôi?”, ông Huân nói.
Trả lời câu hỏi, hầu hết các DN chạy các tuyến về BX Miền Tây đi các tỉnh ĐBSCL đều có cự ly ngắn nhưng tăng giá tới 40%, thậm chí có những tuyến lên 60% có hợp lý hay không? Ông Huân cho rằng: “Quyền quyết định giá vé là của DN, Sở GTVT đã giao cho Phòng Kế toán thẩm định những yếu tố làm tăng giá. Việc các DN giải trình như thế nào, mình không đi sâu vào. Cơ quan chức năng đồng ý cho họ tăng giá thì mình chỉ theo cái giá đó mà kiểm tra”, ông Huân nói.
Chấm dứt phụ thu 20 - 60%
Trao đổi với PV, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP HCM) cho biết, theo Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC - BGTVT về việc hướng thực dẫn kê khai giá vé vận tải của Bộ GTVT và Bộ Tài chính không cho phép phụ thu giá vé mà chỉ cho phép DN kê khai đăng ký giá vé phù hợp.
Theo ông Đức, nếu DN kê khai giá vé không vượt quá 3% thì không cần phải đăng ký với cơ quan Nhà nước. Nếu hơn 3% thì cơ quan chức năng sẽ xem lại mức kê khai như vậy có hợp lý không dựa trên cơ cấu giá thành nhiên liệu, bảo hiểm... Mấy năm trước, việc tăng giá phụ thu chiều chạy rỗng từ 20-60% áp dụng chung cho tất cả các DN là không đúng và việc này đã không tạo được sự công bằng, đồng đều cho các DN. Bởi vậy, tới đây không còn quy định phụ thu nữa mà các đơn vị vận tải phải đăng ký kê khai giá cước với Sở GTVT cho phù hợp. Không chỉ dịp Tết mà bất kỳ thời điểm nào, DN có quyền đăng ký kê khai giá vé phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh.
Tại sao phải đăng ký kê khai giá vé dịp Tết, ông Đức cho rằng, do thời gian Tết, lượng khách về các tỉnh tăng, họ phải cân đối để tăng giá vé cho đủ chiều về. Mỗi tỉnh có đặc thù vận tải khác nhau, tại TP.HCM lượng khách về quê ăn Tết ở các tỉnh rất lớn và nhiều nhà xe phải tăng cường thêm xe, chở khách vào các ngày cao điểm và khi trở vào họ phải chạy rỗng về TP. Do vậy, áp dụng kê khai giá vé làm căn cứ cho phép DN tăng giá vé là hợp lý.
“Việc đăng ký tăng giá vé vừa đảm bảo quyền lợi cho DN và hành khách vừa giúp cơ quan quản lý giám sát được giá vé, bởi trước đây khi không cho phụ thu giá vé dịp Tết, nhiều xe trong bến bỏ ra ngoài chạy dù nên xe trong bến thiếu. Do vậy hành khách phải ra ngoài mua vé xe dù, giá vé cao gấp 3 - 4 lần trong bến”, ông Đức nói.
Tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT tháng 2/2018, liên quan đến hoạt động vận tải Tết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề: “Bến xe ngoài Hà Nội không có phụ thu chiều rỗng, cả năm giá vé như nhau. Ngay tại bến xe “nóng” nhất là Mỹ Đình, giá vé cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong Nam lại khác. Tình trạng nâng giá vé để bù chiều rỗng khá phổ biến. Phải kiểm tra xem tại sao xảy ra tình trạng này, tại sao miền Bắc không tăng mà miền Nam lại tăng giá cao như vậy, tới 30 - 40%”, Bộ trưởng yêu cầu. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, tình trạng tăng giá vé để bù chiều chạy rỗng dịp Tết đã có từ lâu. Từ thời bao cấp phải chấp nhận cho DN vận tải bù giá chiều chạy rỗng. Lý giải việc dịp Tết vừa qua, miền Nam tăng giá vé để bù chiều chạy rỗng, còn miền Bắc thì không, ông Thanh khẳng định: Việc luân chuyển hành khách tại miền Bắc dịp Tết số lượng khách không có sự chênh lệch lớn so với miền Nam cho nên DN vận tải miền Bắc chấp nhận. Trần Duy |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận