Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc về công tác điều phối giờ cất, hạ cánh (slot) tại các sân bay |
Chủ trì buổi làm việc về công tác điều phối giờ cất, hạ cánh (slot) tại các sân bay diễn ra chiều qua (22/8), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể liên tục truy vấn các cơ quan liên quan về nguyên nhân và giải pháp khắc phục để bớt bức xúc cho người dân.
Cấp slot sân bay thế nào để bớt chuyến bay chậm, huỷ?
Ngay khi mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã rất bức xúc khi cho rằng, việc điều phối giờ cất, hạ cánh thời gian qua chưa hợp lý, phát sinh bất cập, trong đó có việc chậm, huỷ chuyến nhiều, làm xấu hình ảnh hàng không.
“Hàng không đòi hỏi phải chuẩn giờ. Thời gian là vàng, là bạc. Nhưng chậm, huỷ chuyến nhiều gây bức xúc trong xã hội. Có những trường hợp dở khóc dở cười. Khách từ Phú Quốc, theo lịch trình họ phải về Hà Nội vào tối chủ nhật để thứ hai còn đi làm. Nhưng mình lại huỷ chuyến rồi bảo khách hoặc lấy tiền bồi thường”, Bộ trưởng nói và đặt vấn đề: Việc cấp slot phải làm thế nào để khắc phục tình trạng này. Sắp tới là 2/9, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch. Cứ để tình trạng này là không ổn. Chế tài của chúng ta như thế nào, đã đủ mạnh hay chưa?
Từ 1/10/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng không VN phải triển khai ngay một số giải pháp, tạo chuyển biến về chất lượng dịch vụ trong dịp Tết Dương lịch, Âm lịch sắp tới, đảm bảo không để hành khách phải chờ đợi quá lâu song cũng phải hài hòa lợi ích các bên. |
Bộ trưởng cũng đề cập đến việc cấp slot tập trung vào giờ vàng, khiến hạ tầng lúc thì quá tải, lúc lại dư thừa năng lực. “Tôi không thấy vai trò quản lý nhà nước ở đâu? Giải pháp nào để các chuyến bay không tập trung quá vào giờ cao điểm? Làm gì để khuyến khích hành khách bay đêm?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, hiện có riêng một Hội đồng quản lý slot do Cục trưởng Cục Hàng không làm Chủ tịch và thành viên là các TCT Cảng hàng không VN, Quản lý bay VN, các hãng hàng không… Việc điều phối slot thực hiện theo nguyên tắc chỉ cấp tối đa 85% năng lực, theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.
“Như ở Tân Sơn Nhất, Hội đồng đánh giá khả năng là 50 chuyến/giờ nhưng mới điều phối cao nhất là 44 chuyến/giờ. Nguyên tắc thứ hai là duy trì slot lịch sử theo đúng thông lệ quốc tế. Các hãng hàng không tuân thủ trên 80% slot sẽ được ưu tiên giữ cho mùa năm sau. 4 tuần liên tiếp không sử dụng 1 slot thì Hội đồng sẽ thu lại. Việc điều phối slot đảm bảo tuân thủ thông lệ, tiêu chuẩn của Hiệp hội Hàng không quốc tế IATA, tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp với thực tiễn khai thác của hãng hàng không”, ông Thắng khẳng định.
Liên quan đến tình trạng chậm, huỷ chuyến bay, ông Thắng cho biết có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó chủ yếu là do thời tiết (chiếm 17,3%) và do khai thác của các hãng hàng không (chiếm 63%).
Ngắt lời ông Thắng, Bộ trưởng Thể đặt câu hỏi: Việc xử phạt chậm, huỷ chuyến như thế nào, chế tài đã đủ mạnh chưa, giải pháp ra sao?
Về vấn đề này, ông Thắng nói: “Giải pháp hiệu quả nhất là tăng tỷ lệ slot thực hiện lên, bước đầu là 85%, sau đó có thể tăng lên 90%. Nếu không đạt thì thu hồi. Đây là chế tài nặng nhất với hãng hàng không”.
Ngoài ra, theo ông Thắng, chúng ta đang điều hành bay theo nguyên tắc đến trước phục vụ trước. Tới đây, sẽ đổi mới, ai chấp hành kế hoạch bay tốt nhất, được ưu tiên hạ cánh trước. Đến trước nhưng chậm giờ phải bay chờ. Đối với kế hoạch phục vụ dịp 2/9, Tết Dương lịch, Âm lịch sắp tới, ông Thắng khẳng định Cục Hàng không đã có một kế hoạch cụ thể. Phía các cảng hàng không cũng đã họp bàn với hãng hàng không để có một kế hoạch phục vụ tốt nhất.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng về việc giải pháp nào là quan trọng nhất để giảm chậm, huỷ chuyến, Tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Vũ Thế Phiệt khẳng định: “Chỉ có tăng giám sát, tăng chế tài xử phạt lên thì các hãng sẽ từng bước cải thiện”.
Không hãng hàng không nào muốn chuyến bay bị chậm, hủy
Tại buổi làm việc, Giám đốc điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh bày tỏ mong muốn dư luận xã hội có cái nhìn công bằng hơn với hãng hàng không. Bên cạnh những tồn tại gây bức xúc là rất nhiều những cái được mà hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện.
Cho rằng nguyên nhân dẫn đến chậm huỷ chuyến không chỉ riêng lỗi của hãng hàng không mà còn của rất nhiều cơ quan, đơn vị trong dây chuyền phục vụ, ông Khánh cũng đề xuất cần có những giải pháp để giảm chậm huỷ chuyến sao cho hành khách được hưởng dịch vụ tốt hơn mà hãng hàng không cũng khai thác được tối đa năng lực, đảm bảo hiệu quả.
Phía Vietnam Airlines, Phó tổng giám đốc Trịnh Ngọc Thành thông tin, hiện chỉ số đúng giờ của Vietnam Airlines với chuyến bay đi là 90%, với chuyến bay đến là 83%. “Để làm được điều này, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, từ việc tính toán số lượng tàu bay dự bị từng ngày, từng giai đoạn, kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay trong mùa thấp điểm, công tác điều hành bay đi, đến”, ông Thành nói.
“Thống kê về chậm huỷ chuyến của tất cả các hãng hàng không trên toàn cầu do ICAO công bố, mức trung bình là 85 - 87% với chuyến bay đi. Như vậy, kết quả của chúng tôi không phải quá tệ”, ông Thành nói thêm.
Nhất trí với việc phải tăng chỉ số chuyến bay đúng giờ lên, dù có phải trả giá bằng chi phí, ông Thành đề nghị Cục Hàng không VN đặt ra chỉ tiêu và đánh giá dựa trên chỉ tiêu đó. Ông Thành cũng đề nghị thống kê chậm, huỷ chuyến cần làm rõ chậm ở khâu nào, vì sao. Có như vậy, hãng hàng không mới có thể “tâm phục khẩu phục”.
Đồng quan điểm, đại diện Jetstar Pacific cho rằng, chậm, huỷ chuyến là điểm cuối cùng của một dây chuyền với hàng trăm yếu tố gồm cả chủ quan của hãng hàng không và khách quan từ cả cơ sở hạ tầng, nhà chức trách…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tỏ rõ sự không hài lòng khi “bên nào cũng đưa lý do và đổ lỗi cho những cơ quan khác về nguyên nhân chậm hủy”.
“Người dân phản ánh nhiều về việc chậm, huỷ chuyến. Không thể để tình trạng này kéo dài, cần có giải pháp nhanh, mạnh để khắc phục, đặc biệt để phục vụ 2/9, Tết Dương lịch, Âm lịch sắp tới. Thời gian tới, Cục Hàng không VN, Hội đồng quản lý slot cần nghiên cứu, tham mưu Bộ giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo công bằng với hãng và người dân, cố gắng giảm tối đa chuyến bay chậm, huỷ, dồn chuyến, giảm thời gian chờ đợi ở sân bay”, Bộ trưởng nói.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng gợi ý 10 vấn đề mà các cơ quan liên quan cần nghiên cứu để nhanh chóng kéo giảm số chuyến bay chậm, huỷ. Theo đó, cần nghiên cứu chế tài thu hồi slot theo hướng phải nghiêm hơn, chặt chẽ hơn; Có chế tài rõ ràng đối với những trường hợp dồn chuyến, chậm, huỷ chuyến; Giảm slot trong những giờ thời tiết xấu mà có thể dự đoán được (như thời gian từ 5 -7h chiều tại Tân Sơn Nhất…); Chuẩn hoá quy định về thời gian quay đầu của hãng hàng không; Chuẩn hoá quy định về hệ số dự phòng tàu bay, tổ bay, phục vụ; Nghiên cứu lại khung giá dịch vụ vận chuyển và giá dịch vụ hàng không, quy định tính trần giá vé máy bay, giá dịch vụ hàng không theo khung giờ; Khẩn trương đầu tư ứng dụng công nghệ, hoàn chỉnh quy trình điều phối tại sân bay, phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận; Đầu tư hạ tầng đảm bảo bay đêm...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận