10 năm nghiên cứu, dự án vẫn là con số 0
Chiều nay (23/7), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về phương án triển khai tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai trong việc hỗ trợ cùng Nhà nước, Chính phủ phát triển hạ tầng giao thông kết nối, tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dù được đánh giá rất quan trọng với hai tỉnh, được nghiên cứu khả thi từ năm 2010 song gần một thập kỷ qua, trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các ban, ngành địa phương, hiện tại, kết quả đạt được vẫn là con số 0.
“Việc dự án “giậm chân tại chỗ” thể hiện sự quan tâm chưa đúng mức của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, đơn vị tư vấn dự án chưa thực hiện nghiên cứu nghiêm túc, chưa đề xuất được những phương án khả thi, phù hợp với thực tiễn cả về phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), phương án tài chính và phương án thi công để đảm bảo tính khách quan, bền vững", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, điều đó khiến các tỉnh rơi vào tình trạng nghẽn hạ tầng, QL51 vẫn thường xuyên quá tải, hàng hóa xuống cảng Cái Mép - Thị Vải liên tục tắc nghẽn, khiến cảng không phát huy được công suất, hàng hóa thông thương rất khó khăn.
Bốn phương án đầu tư
Liên quan đến giải pháp tới đây, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có thể khởi công sớm, đơn vị tư vấn phải khẩn trương phối hợp cùng các đơn vị liên quan của Bộ GTVT tham mưu, xác định rõ tuyến cao tốc này nằm ở vị trí nào so với QL51 và dự án đường sắt để thực hiện thuận lợi nhất.
“Các phương án đề xuất phải đảm bảo đường gom hai bên được làm từ đầu tới cuối song song với đường cao tốc. Tuyệt đối không bỏ lửng một đoạn nào để đảm bảo cho người dân di chuyển thuận tiện. Công tác GPMB cũng phải thực hiện đúng quy hoạch, quy hoạch bao nhiêu giải phóng toàn bộ bấy nhiêu, không GPMB theo giai đoạn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Thể gợi ý cho UBND hai tỉnh cùng các đơn vị liên quan 4 phương án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 thuộc thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để nghiên cứu, lựa chọn phương án khả thi nhất.
Cụ thể, phương án 1, thi công toàn tuyến từ Biên Hòa đến Cái Mép - Thị Vải, giải phóng toàn bộ mặt bằng, làm toàn bộ đường gom hai bên. Trong đó, quy mô đường cao tốc đoạn từ Biên Hòa đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây hình thành chiều rộng nền đường/mặt đường là 11/12m.
Đối với đoạn từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến cao tốc Bến Lức - Long Thành thực hiện một trong hai phương án: hoặc làm theo đúng quy hoạch 8 làn xe hoặc làm 4 làn xe đầy đủ. Riêng đoạn từ Bến Lức - Long Thành đến cảng Cái Mép - Thị Vải làm đúng quy hoạch 6 làn xe.
Phương án 2, GPMB toàn bộ bằng ngân sách địa phương, sau đó sẽ tập trung đầu tư xây dựng đoạn đường từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến Cái Mép - Thị Vải theo đúng quy hoạch 8 làn xe. Đoạn đường từ Biên Hòa đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây sẽ đăng ký đầu tư công bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2026.
Phương án 3 triển khai theo hướng đoạn đường từ Biên Hòa đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây sẽ hình thành 4 làn cao tốc bề rộng nền đường 17m. Đoạn từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến Cái Mép - Thị Vải sẽ làm theo đúng quy hoạch.
Phương án cuối cùng được Bộ trưởng gợi ý, đối với đoạn dài 30km từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đầu tư xây dựng đúng quy hoạch để có hạ tầng kết nối giải phóng hàng hóa, tạo điều kiện cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển. Còn lại, đoạn đường từ Biên Hòa đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây dài 16,8km sẽ đăng ký vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm làm toàn bộ cả phần xây lắp và GPMB.
Bộ trưởng cũng đề nghị hai địa phương phối hợp các cấp liên quan xác định giá đất hiện tại và các chi phí liên quan để xây dựng phương án tài chính khả thi nhất, phấn đấu chậm nhất cuối năm 2020, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được khởi công.
Địa phương sẵn sàng chi trả chi phí GPMB để có cao tốc
Trước đó, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo quyết định phê duyệt đề xuất dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu - cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (giai đoạn 1) thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu của Bộ GTVT, thành phần 1 sẽ bao gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 có chiều dài 46,8km từ tuyến tránh QL1A (vị trí cách ngã ba Vũng Tàu 6,5km, cách điểm giao giữa tuyến tránh Biên Hòa với QL.51 1,5km) đến cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tuyến chính gồm 4 làn xe có mặt cắt ngang 17m. Giai đoạn 2 có phạm vi giống giai đoạn 1 với quy mô mở rộng theo quy hoạch 6 - 8 làn xe.
“Trên cơ sở phê duyệt, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ GTVT cho tiến hành đầu tư giai đoạn 1; Đồng thời, giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đoạn từ Biên Hòa đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây và giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đoạn từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến Phú Mỹ - Cái Mép. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chịu toàn bộ chi phí GPMB trên đoạn tuyến đường cao tốc được đề xuất”, ông Tuấn cho hay.
Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao cho tỉnh này là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thành phần 2 của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 30,8km, từ TX.Phú Mỹ đến TP. Vũng Tàu, trong đó chi phí GPMB sẽ do địa phương này đảm nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận