Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các nhà thầu tập trung tiềm lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công trước nguy cơ "vỡ trận" hiện nay. Ảnh Xuân Huy |
Đây là đoạn tuyến do WB tài trợ vốn, được các nhà thầu quốc tế Lotle, Giang Tô, Sơn Đông… triển khai. Khác với đoạn tuyến JICA (Đà Nẵng-Tam Kỳ) vừa thông xe, đưa vào khai thác (ngày 2/8/2017), hiện trường đoạn tuyến Tam Kỳ- Quảng Ngãi vẫn còn ngổn ngang công địa.
Ghi nhận công trường các gói thầu A1, A2, A3… chủ yếu vào công tác nền đường. Một số đoạn thảm cấp phối đá dăm và thảm thử lớp bê tông nhựa (lớp C19). Thậm chí không ít đoạn tuyến vẫn còn bỏ nguyên công tác nền đường, lởm chởm cỏ mọc.
Suốt chiều dài gần 70km, nhưng các mũi thi công khá hạn chế. Máy móc, vật liệu tập kết công trường không có dấu hiệu của việc vào cao điểm thi công…
Nhiều đoạn tuyến gói A1, A2... ngổn ngang công địa nền đất |
Rất ít mũi thi công trên công trường cao tốc đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi |
Theo lãnh đạo Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, ngoài gói thầu A4 đạt hơn 88% tiến độ, cơ bản hoàn thiện các lớp bê tông nhựa C19, C12.5, các gói thầu còn lại mới chỉ đạt trên dưới 55%. Đáng lo ngại, nhiều gói thầu sắp hết gia hạn hợp đồng nhưng khối lượng rất thấp.
Trực tiếp báo cáo với Thứ trưởng Thọ, đại diện các nhà thầu Lotle, Giang Tô, Sơn Đông lý giải 3 nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ: vướng mắc công tác giải ngân, thanh toán bảo lãnh ngân hàng, trượt giá và vấn đề mặt bằng tồn đọng. Ban QLDA cũng cho rằng nguyên nhân do tiềm lực nhà thầu, bất lợi mặt bằng…
Ngay tại hiện trường, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết, trong tuần tới sẽ rà soát, xử lý các vướng mắc mặt bằng, dân cản trở thi công; đồng thời chờ kết quả đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá có phương án cơ chế đặc thù về trượt giá cho vùng dự án.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ rõ không thể lấy lý do mặt bằng, bởi phần lớn trên chính tuyến mặt bằng đã được bàn giao. Số vướng mắc còn lại khá nhỏ. Trái lại công địa thi công trải dài nhưng rất ít các mũi triển khai.
Riêng gói A4 cơ bản hoàn thành công tác BTN lớp C19, C12.5. Theo ông Hòa - Giám đốc ĐHDA gói thầu A4, dự kiến tháng 10/2017, gói thầu tiên phong hoàn thiện. |
Còn khá ít những đoạn tuyến vào cao điểm thảm BTN đại trà |
Theo Thứ trưởng, chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, VEC), Ban QLDA phải phối hợp các bộ ngành chức năng giải quyết vướng mắc cơ chế về bảo lãnh ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nội nghiệp, cải tổ lại bộ máy điều hành, quản lý dự án. Nhà thầu đảm bảo năng lực tài chính, tập trung nhân vật lực, máy móc và nguồn vật liệu về công trường. Vấn đề trượt giá, Thứ trưởng Thọ cho rằng phải có khảo sát, đánh giá khách quan của đơn vị tư vấn độc lập, trên cơ sở đó, địa phương có biện pháp tháo gỡ.
Ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC cho biết: Hiện đơn vị tăng cường thêm vị trí lãnh đạo vào các gói thầu đoạn tuyến WB để đốc thúc công việc, lên phương án nhân sự tránh sự trì trệ, tạo đà cho dự án “bức tốc” thời gian tới.
“Sắp tới mùa mưa, việc thi công càng khó khăn. Nếu giai đoạn này không tập trung tháo gỡ các vấn đề nội tại, “giàn trận” thi công thì việc thông xe dự án vào quý I/2018 rất khó khả thi, thậm chí vỡ trận”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Mới đưa vào khai thác, đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng-Tam Kỳ (dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi) đã phát huy hiệu dụng: rút ngắn tối đa hành trình, giảm 45 phút từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ, phân lưu QL1, đảm bảo ATGT, tạo trục động lực kết nối kinh tế - xã hội miền Trung... Theo Thứ trưởng Thọ, việc sớm thông xe đoạn tuyến WB còn lại có ý nghĩa rất lớn, góp phần kết nối toàn tuyến dự án, nâng cao năng lực thông hành, thu hút phương tiện lưu thông trên cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả dự án. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận