Ngày 26/11, trong khuôn khổ Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và Giải pháp”, tổ chức tại Hà Nội, Tổng Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết: Tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền SHTT là vấn đề đang bức xúc của xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống người dân; môi sinh - môi trường; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch.
Hàng loạt vụ việc vi phạm bị phát hiện mới đây như vụ giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Làm giả nhãn hiệu đồng hồ Thụy Sĩ ở Đà Nẵng, Khánh Hòa; Sản xuất điện thoại giả thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội; Hãng thời trang Việt SEVEN.am để lại nhiều thất vọng cho người dùng khi phát hiện có nhập hàng Trung Quốc và cắt mác ...
Ông Hoàng Ánh Dương – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT thông tin: Năm 2019, số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, SHTT tăng gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 11 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện và xử lý 82.300 vụ vi phạm (năm 2018 phát hiện và xử lý 34.733 vụ vi phạm), thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an xử lý. Đặc biệt năm nay nổi trội lên là những vụ việc vi phạm về SHTT tăng nhanh, tính đến thời điểm này, đã kiểm tra và xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 19 tỷ đồng.
Để xử lý vấn nạn hàng giả, theo Cục QLTT, cần phối hợp với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các điều khoản liên quan đến SHTT. Mặt khác, cần chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ việc cấp cho các Hiệp hội, các đơn vị tổ chức các cuộc thi bình chọn chất lượng sản phẩm hàng hóa để cấp chứng nhận, giải thưởng, danh hiệu... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; Nâng cao mối quan hệ phối hợp, chia sẻ thông tin, phối hợp thanh kiểm tra, xử lý vi phạm của Bộ, Ban nghành; Đặc biệt là sự vào cuộc nghiêm túc của chính những chủ thương hiệu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận