Thép nhập khẩu bị siết chặt khâu kiểm định chất lượng |
Mạnh tay với gian lận chất lượng thép
Thông tư 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu chính thức có hiệu lực từ 21/3. Theo đó, quy định mới đáng chú ý ở sản phẩm thép nhập khẩu, chỉ thông quan khi được cung cấp bản thông báo kết quả kiểm tra chất lượng theo quy định. Cụ thể, tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm thép phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho thép nhập khẩu. Sản phẩm thép nhập khẩu cũng phải được đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định. Riêng đối với các loại thép hợp kim ở dạng thỏi đúc hoặc dạng thô, bán thành phẩm muốn nhập khẩu phải bổ sung thêm bản kê khai thép nhập khẩu và bản sao giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép của Bộ Công thương.
Theo Thông tư 58, cơ quan Hải quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, KH&CN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xử lý theo quy định của Luật Hải quan đối với lô thép nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đồng thời giám sát, thống kê tình hình nhập khẩu thép và cung cấp số liệu nhập khẩu hàng quý phục vụ quản lý Nhà nước. |
Lý giải về việc ra quy định mới siết chặt chất lượng thép, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết: Thời gian qua, chất lượng thép trên thị trường đặc biệt là thép nhập khẩu nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó quản lý. Trong khi quy định cũ (Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN) lại chưa rõ ràng, gây lúng túng cho cơ quan quản lý; Chưa phân biệt loại thép nào cần quản lý chặt về chất lượng, loại nào không. Cụ thể, không quy định rõ loại thép nào phải công bố theo tiêu chuẩn, loại nào theo quy chuẩn, loại nào theo tiêu chuẩn cơ sở tự công bố. Lợi dụng kẽ hở này, cơ sở sản xuất, nhập khẩu kinh doanh thép đã tung ra thị trường những sản phẩm thép không phù hợp tiêu chuẩn, không đảm bảo chất lượng... ”Thông tư 58 ra đời nhằm chấn chỉnh lại hoạt động quản lý đối với sản phẩm thép, hạn chế gian lận chất lượng, gian lận thuế nhập khẩu. Không những thế, biện pháp này còn tạo môi trường công bằng, những đơn vị làm ăn chân chính đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn sẽ phát huy thế mạnh, nâng sức cạnh tranh. Ngược lại, đơn vị nào có tư tưởng đối phó, gian lận dần dần sẽ không còn tồn tại”, ông Linh nhận định.
Về phía các cơ sở sản xuất thép trong nước, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng lưu ý phải tìm hiểu rõ nội dung Thông tư 58. Theo đó, không phải tất cả sản phẩm thép đều được yêu cầu phải tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam hoặc quốc tế. “Mỗi loại thép đều có biện pháp quản lý tương ứng. Ví như, có loại bắt buộc theo quy chuẩn, có loại chỉ theo tiêu chuẩn DN tự công bố. Trong quá trình sản xuất thép, các DN cần chủ động khâu đánh giá, kiểm định chất lượng ngay tại cơ sở sản xuất sẽ rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho khâu quản lý”, vị Phó tổng cục trưởng phân tích.
Không tác động giá bán thép
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, quy định siết chặt chất lượng thép là cấp thiết khi đây là sản phẩm quyết định tới chất lượng, an toàn công trình xây dựng. “Với quy định mới, tôi cho rằng, DN sản xuất trong nước chỉ cần bỏ thêm chút thời gian kiểm định. Mặt khác, chi phí kiểm định cũng không đáng là bao, không ảnh hưởng tới giá thành”, ông Sưa nói.
Theo ông Sưa, Thông tư 58 chủ yếu nhằm vào chất lượng thép nhập khẩu khi thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong xã hội. Cụ thể như thép không đúng tiêu chuẩn, thép đội lốt hợp kim để lách thuế... “Chính vì khâu giám sát, kiểm định chưa được chặt chẽ mới để lọt những lô hàng thép không đạt chuẩn qua cửa khẩu. Không hy vọng Thông tư 58 sẽ triệt tiêu hành vi gian lận chất lượng thép ngay lập tức, nhưng chắc chắn cũng sẽ giảm đi...”.
Trước đó, trong bản kiến nghị gửi lên Bộ Công thương, VSA đã phản ánh tình trạng phôi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng mạnh, tác động xấu tới thị trường trong nước. Đặc biệt, có thông tin một số doanh nghiệp hiện đang cố tình gian lận, khai sai mã nhập khẩu để hưởng chênh lệch thuế suất. Cụ thể, phôi thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam với mục đích làm thép xây dựng đáng ra phải chịu thuế 9%. Tuy nhiên, lợi dụng quy định về thép hợp kim, các doanh nghiệp Trung Quốc đã cho một hàm lượng crom với tỷ lệ rất nhỏ vào thép để biến phôi thép thường thành phôi hợp kim (được hưởng thuế 0%) rồi ồ ạt đưa vào Việt Nam. Theo VSA, chỉ tính riêng số phôi thép đội lốt thép hợp kim nhập về Việt Nam trong tháng 8 và 9/2015, ngân sách Nhà nước đã bị thất thu trên 1,89 triệu USD tiền thuế (khoảng 42 tỷ đồng).
Đáng nói, đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan, có thời điểm còn thấp hơn 40% giá sản phẩm trong nước. Theo phản ánh của DN sản xuất thép trong nước, sở dĩ có tình trạng trên là do gần 40% tổng số thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam là hàng thứ phẩm và không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì thế, mức giá chỉ bằng một nửa giá của hàng chính phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận